Với nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, Khu kinh tế (KKT) Chân Mây – Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực du lịch và hạ tầng khu công nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những dự án đi vào làm ăn ổn định thì vẫn còn nhiều dự án chậm hoặc không triển khai.
Dự án du lịch thi công kiểu... rùa bò
Được thành lập vào năm 2006, KKT Chân Mây - Lăng Cô có diện tích 27.108ha, bao gồm địa bàn ba xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Sau 7 năm thành lập, KKT này đã thu hút 32 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 35.474 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án FDI, với tổng nguồn vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng. Có thể nói đến thời điểm hiện nay, KKT này đang dẫn đầu các tỉnh ven biển miền Trung về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, trong số các dự án du lịch nghỉ dưỡng nói trên chỉ có Khu du lịch Laguna Lăng Cô thuộc Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) với tổng nguồn vốn đầu tư 875 triệu USD xây dựng xong giai đoạn một và đi vào hoạt động. Các dự án khác hầu như “án binh bất động”.
Điển hình nhất phải kể đến các dự án như Khu du lịch Bãi Chuối thuộc Tập đoàn Cattigara (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 102 triệu USD, diện tích thuê đất 100ha, khởi công năm 2009 nhưng đến nay mới chỉ làm xong một đoạn đường ngắn.
Dự án Khu du lịch Diana Resort của Cty Cổ phần Dịch vụ Đầu tư và Thương mại Việt, tổng số vốn đăng ký 232 tỷ đồng, được cấp 20ha đất, khởi công năm 2007, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2010, nhưng cái mà dự án này làm được là “dọn sạch” cánh rừng phòng hộ và xây được 274 mét tường rào song nay cũng đã đổ sập.
Dự án Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô của Cty TNHH Pegasus Fund 2- Việt Nam (nhóm Việt kiều Mỹ đầu tư) được cấp giấy phép năm 2006, trên diện tích 8,3ha với tổng số vốn đăng ký 4,8 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2010 nhưng hiện tại chỉ mới xây được hệ thống tường rào... Bên cạnh đó còn nhiều dự án như Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Lập An (Cty Cổ phần CIT), Khu biệt thự ven biển của Cty cổ phần Handico, Đảo Ngọc...
Hạ tầng khu công nghiệp cũng… “đóng băng”
Có tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, dự án hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan của Cty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế (SGH), thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - Saigon Invest Group (SGI) được xem là dự án duy nhất tại KKT Chân Mây – Lăng Cô đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khởi công năm 2009. Thế nhưng hơn 4 năm qua, chỉ dự án Khu phi thuế quan thi công dang dở, còn lại dự án hạ tầng gần như bất động.
Theo quy hoạch, dự án hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan sẽ được phân thành 2 khu vực nằm trên địa bàn 2 xã Lộc Tiến và Lộc Vĩnh. Khu công nghiệp có diện tích 170,19ha. Khu phi thuế quan có diện tích 487,59ha, bao gồm diện tích xây dựng nhà máy, khu hành chính, thuế quan, quảng trường...
Dự án sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn, giai đoạn đầu có tổng vốn đầu tư 640 tỷ đồng, giai đoạn hai 639 tỷ đồng, khởi công vào năm 2009, dự kiến hoàn thành khoảng tháng 12/2014.
Theo dự kiến, Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan sau khi đi vào hoạt động sẽ là nơi tập trung của các hoạt động thương mại và các loại hình công nghiệp sạch, công nghệ cao. Dự án sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động.
Tiếc rằng, không như những gì cam kết của nhà đầu tư, dự án hạ tầng Khu công nghiệp sau hơn 4 năm cũng chỉ là bãi đất trống. Hơn 170ha đất chỉ toàn cây hoang và cỏ dại.
Cách đó chừng 3km là Khu phi thuế quan. Sau lễ khởi công, nhà đầu tư triển khai xây dựng 7 nhà xưởng với diện tích hơn 25.000m2. Thế nhưng, từ cuối năm 2011 đến nay, dự án này không một bóng công nhân lai vãng. Hàng ngàn mét vuông nhà xưởng xây xong không che mái làm các thanh đà thép bị hoen gỉ, xuống cấp.
Đau lòng hơn, cơn bão số 11 vừa qua tràn vào đã làm bay mái tôn nhà xưởng số 7, số 8, xô nghiêng nhà xưởng số 2 và làm đổ sập hoàn toàn nhà xưởng số 5. Nhìn số tài sản tiền tỷ nay trở thành đống sắt vụn, nhiều người dân khi đi ngang qua khu vực này không khỏi xót xa.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như khó khăn chung về vốn hiện nay đã tác động đến tình hình tài chính của các doanh nghiệp. Nhưng trong số các dự án “trùm mền” tại KKT Chân Mây - Lăng Cô có thể nhận thấy nhiều nhà đầu tư, không hẳn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, mà thực sự là họ không đủ năng lực để thực hiện dự án và có dấu hiệu găm đất để trục lợi, chờ thời cơ chuyển nhượng cho các đối tác khác, cũng không loại trừ choán đất để… xí phần.
Việc này khiến cho những doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thật sự mất nhiều cơ hội, hàng vạn lao động bị thu hồi đất rơi vào cảnh không có việc làm.