Tây Bắc có biết bao nhiêu dòng suối nhỏ, những dòng suối len lỏi giữa đại ngàn như mạch máu trong cơ thể sống. Đó là nguồn sống của vạn vật, là chiếc nôi của cộng đồng dân cư với những sinh hoạt muôn màu và ẩn chứa bao huyền thoại, góp phần làm nên một nền văn hóa vùng cao Tây Bắc. Những dòng suối nhỏ kia đâu có biết mình chính là ngọn nguồn của sông, của biển, góp phần bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ, ươm những mùa vàng no ấm.
Từ thời đồ đá giữa, người Việt cổ đã biết xuống ở thấp hơn. Tuy vẫn ở hang hốc, nhưng họ đã biết chọn cho mình những nơi gần khe suối, sông, hồ. Họ nhận thấy rất rõ khi gần sông nước, cuộc sống, làm ăn cũng thuận lợi và dễ chịu hơn. Dòng suối tưới tắm cho những cánh rừng xanh tốt, cung cấp biết bao sản vật quý nuôi sống con người. Sự quy tụ tự nhiên bên những nguồn nước như vậy, phải chăng đã góp phần hình thành văn hóa làng mạc, gắn kết con người trong nghĩa đồng bào? Cũng chính vì vậy với người Tây Bắc, những dòng suối đều được gọi là "Me nặm" - Mẹ nước (tiếng Thái), sinh ra vạn vật.
Những dòng suối nhỏ từ lúc nào đã gắn bó, đồng hành với con người trong suốt chiều dài lịch sử và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Có lẽ chính vì vậy mà trên khắp các ngả đường Tây Bắc, ở đâu ta cũng gặp những con suối mang những cái tên đầy chất trữ tình, gửi gắm những ước mơ, khát vọng về cuộc sống, là nhịp cầu nối giữa con người với thiên nhiên và cả thế giới siêu nhiên, phản ánh nhân sinh quan và thế giới quan của người Tây Bắc: Suối Tiên, suối Mơ, suối Xuân... và cả "Tát huổi lô" - tức là đường tới Thiên đường của người Thái đen Tây Bắc (Văn Chấn, Yên Bái). Vào những ngày nắng đẹp, dòng "Tát huổi lô" nhìn từ xa như một dải lụa bạc, từ trong mây buông xuống ngàn xanh, giữa cái hùng vĩ, huyền bí của đại ngàn và vời vợi trời, mây non nước.
Cuộc sống của người Tây Bắc từ khi khai thiên lập địa đã phải đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên khắc nghiệt, với kẻ thù hai chân và bốn chân, những con suối cũng phải oằn mình gánh chịu nỗi đau cùng với con người. Đây dòng "Nậm Xia" (Văn Chấn, Yên Bái), dòng nước mắt của cô gái Thái trắng trong xinh đẹp bị cường quyền chia rẽ lứa đôi, để đến tận hôm nay, những ngày nắng đẹp, vẫn thấp thoáng làn rêu huyền ảo trong nước biếc - mái tóc dài thơm của cô gái hóa thành. Kia dòng "Nậm Tộc" (Văn Chấn, Yên Bái), dòng nước mắt xót xa tủi hờn của người con gái Khơ Mú than khóc cho mối tình ngang trái của một kiếp người, của cả dân tộc từng bị thực dân, phong kiến tàn sát, đến mức chỉ còn ba trăm người sống chui lủi, ẩn náu bên dòng suối nhỏ và chắc chắn sẽ bị tuyệt chủng, nếu không có Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Bây giờ, người già vẫn kể cho con cháu nghe chuyện về sự tích suối "Nậm Tộc" để không bao giờ quên một thời tăm tối: "Ngày xưa, ở một bản người Khơ Mú có hai chị em vừa nghèo vừa xấu, không ai lấy, họ đành lấy nhau. Song không chịu được sự chê cười của cộng đồng, người chồng (tức người em) dứt áo ra đi biệt tích. Người vợ (tức người chị) đau khổ than khóc cho số phận, dòng nước mắt chảy mãi thành dòng suối".
Rồi còn con suối "Nặm Xia", bây giờ gọi chệch là Nậm Thia cũng chuyên chở trong mình một câu chuyện buồn: Ngày xưa, ở một bản Thái nọ có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Người con trai vạm vỡ, to khỏe, giỏi săn bắn, tài thổi khèn, thổi "pí" (sáo). Cô gái khuôn mặt đẹp như trăng rằm, da trắng như bông, thân mình uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ, lại khéo quay xa, dệt vải.
Đặc biệt, mái tóc đen dài óng ả của cô luôn tỏa hương thơm ngát. Mỗi lần anh trai bản thổi khèn, cô gái cất giọng hát, là tất cả núi ngàn và chim muông dường như cũng im lặng lắng nghe. Gần đó có một tên chúa đất vô cùng tham lam và độc ác. Cậy thế lực, tên chúa đất quyết ép cô gái về làm nàng hầu. Đôi trai gái không cam chịu, họ rủ nhau trốn vào rừng. Hai người chạy mãi cho đến khi kiệt sức gục ngã trên một đỉnh núi cao và chỉ còn biết than khóc cho mối tình tuyệt vọng. Nước mắt của cô gái chảy mãi, chảy mãi rồi hóa thành dòng suối lớn đổ về đồng bằng Nghĩa Lộ. Anh trai bản gắng trút hơi tàn thề nguyền: "Sống không lấy được nhau thì chết sẽ mãi mãi bên nhau", rồi nhảy xuống dòng suối trẫm mình.
Thân thể anh vừa chạm mặt nước bỗng vỡ tan và biến thành muôn mảnh đá. Cô gái chỉ kêu lên được một tiếng đầy bi thương rồi buông mình theo dòng nước xiết, mái tóc dài thơm của cô hóa thành làn rêu xanh biếc bám chặt vào các mảnh đá. Thứ rêu này người Thái gọi là "Cay" và dòng suối được gọi là "Nặm Xia" - suối mất, hay suối nước mắt. Dân bản quanh vùng lấy rêu về ăn thấy thơm ngon, đậm đà và từ đấy trở thành món ưa thích được dùng trong những bữa ăn, đặc biệt để đãi khách quý và dùng trong các tiệc cưới và lễ hội xuân. Rêu đá ở suối Thia, khúc chảy qua Nghĩa Lộ trở thành món ăn thơm ngon nhất.
Bây giờ, dòng suối "nước mắt rơi" đã trở thành dòng suối "nước mắt vui". Đêm đêm, trong các bản, những nghệ nhân văn hóa dân gian vui mừng truyền dạy cho con cháu những lời ca, điệu khèn, điệu múa... của dân tộc một thời tưởng chừng đã bị lãng quên vì sự đô hộ của thực dân và phong kiến. Dòng suối Thia tưới mát cho cánh đồng, mường bản, ươm bao mùa trĩu hạt trái sai, hoa thơm mật ngọt và bao lứa đôi hạnh phúc. Đêm đêm, tiếng chày cối nước thậm thình như nhịp đập của con tim báo mùa no ấm.
Với tôi, những dòng suối Tây Bắc chẳng khác nào vòng tay của mẹ, của em. Những dòng suối Tây Bắc đã gắn bó với tôi từ thuở ấu thơ, đầy ắp kỷ niệm, để rồi khi xa nghĩ về Tây Bắc lại thấy cồn cào trong lòng nỗi nhớ những dòng suối nhỏ và tiếng cười trong vắt tinh nghịch của các cô gái Thái đang nô đùa trong làn nước trong xanh và dáng mẹ tảo tần hôm sớm.