Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa có người trở về không còn lành lặn. Nhưng vết thương không làm giảm ý chí, nghị lực kiên cường của họ. Không ít người lại tiếp tục vững vàng trên mặt trận phát triển kinh tế, cùng chia sẻ, giúp đỡ đồng đội làm giàu trên mảnh đất quê hương…
Cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH Anh Thư trong giờ làm việc |
Biến cái không thể thành có thể…
Đó là tâm sự của một số giám đốc doanh nghiệp thương binh, bệnh binh và cựu chiến binh thành phố. Bởi ở họ có ý chí kiên cường, nghị lực của người lính tiếp thêm sức mạnh. Bên cạnh đó là sự năng động, bươn chải với cuộc sống. Giám đốc Công ty TNHH Thành Thái Vũ Huy Thiếu cho biết, khi rời quân ngũ, anh từng làm đủ các nghề. Nhờ vậy, sau này, anh có thêm kinh nghiệm để đưa công ty hoạt động đa dạng ở các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại, bất động sản, chế biến lâm sản, kinh doanh cây cảnh… Một số ngành nghề hiện mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận lớn như bất động sản, chế biến lâm sản.
Ở xã Kỳ Sơn, vùng sâu, vùng xa của huyện Thủy Nguyên, anh thương binh Nguyễn Văn Sơn trở về quê nhà làm kinh tế. Sau một thời gian lập nghiệp với việc sửa chữa cơ khí, điện dân dụng nhỏ, lẻ phục vụ bà con địa phương, năm 2005, anh thành lập doanh nghiệp mang tên Công ty cổ phần 767, kỷ niệm thời điểm anh nhập ngũ với mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Anh Sơn tâm sự: “Khi thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chật hẹp. Vì vậy, phải tạo dựng mặt bằng mới. Để có kinh phí đầu tư nhà xưởng, tôi phải vay nóng khá nhiều tiền làm vợ con phát hoảng lo không trả hết nợ”. Vậy mà chẳng bao lâu, doanh nghiệp làm ăn khấm khá hơn. Anh Sơn khẳng định: “Được lợi thế là địa phương có nhiều doanh nghiệp phát triển khai thác vật liệu xây dựng nên có nhiều xe chuyên chở cần phải sửa chữa. Vì thế, doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện, sửa chữa ô tô có cơ hội để phát triển”. Đến thời điểm này, Công ty cổ phần 767 trả hết nợ đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm việc làm thường xuyên cho 20 công nhân lao động thường xuyên, 70 công nhân lao động thời vụ.
Hoạt động dịch vụ sửa chữa ô tô của Công ty cổ phần 767 |
Giám đốc Công ty TNHH Anh Thư Đỗ Doãn Truyền thì quan niệm: “Với bản chất của người lính còn sức khỏe sẽ tiếp tục làm việc để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương”. Vì vậy, dù đến tuổi nghỉ ngơi, ông vẫn tất bật với việc kinh doanh vật liệu xây dựng, đồng thời phát triển dịch vụ vận chuyển vật liệu xây dựng. Hiện, công ty là một nhà phân phối chính thức sản phẩm xi măng của Nhà máy xi măng Hải Phòng, giải quyết việc làm cho 60 lao động với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Cùng hợp tác, chia sẻ
Hải Phòng có số lượng chủ doanh nghiệp là thương binh, bệnh binh lớn nhất các tỉnh, thành phố phía Bắc, đồng thời cũng là nơi thành lập tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp thương binh, bệnh binh và cựu chiến binh sớm nhất. Hiện, toàn thành phố có 110 doanh nghiệp thương binh, bệnh binh đang tham gia Hiệp hội. Tại các quận, huyện có đại diện chi nhánh của Hiệp hội. Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Trần Đoàn khẳng định. “Khó kể hết sự năng động của người lính doanh nhân trong thời bình. Nét nổi bật của doanh nghiệp thương binh, bệnh binh trên địa bàn thành phố là sự phát triển đa dạng các ngành, nghề; nhanh nhạy nắm bắt thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh mặt hàng, sản phẩm phù hợp”.
Tập hợp trong ngôi nhà chung là Hiệp hội doanh nghiệp thương binh, bệnh binh và cựu chiến binh, những người lính - doanh nhân này phát huy cao tinh thần đồng đội trên trận tuyến mới, phát triển kinh tế và hội nhập. Họ cùng giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Xí nghiệp Hoa Lan Vũ Huy Đức không quên ơn những người bạn trong Hiệp hội trở thành đối tác của doanh nghiệp hoặc giới thiệu cho doanh nghiệp những bạn hàng tiềm năng. Vì vậy, sản phẩm mới của doanh nghiệp là thùng đựng gạo thông minh thời gian đầu mới xuất hiện trên thị trường tưởng như rất khó tiêu thụ, nhưng đến nay có được thị trường khá rộng, đặc biệt là khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần 767, cũng khẳng định trước đây doanh nghiệp vốn chỉ có các bạn hàng ở địa phương nhưng hiện nhiều bạn hàng là các thành viên trong Hiệp hội doanh nghiệp thương binh, bệnh binh và cựu chiến binh. Giám đốc Công ty TNHH Bình Trọng khẳng định: “Bạn hàng là thành viên Hiệp hội bao giờ cũng mang lại cho doanh nghiệp độ tin cậy nhiều hơn”.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đề cao tinh thần chia sẻ, giúp nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn trên thương trường. Giám đốc Công ty TNHH Anh Thư kể : “Gần đây, có lần doanh nghiệp bị đối tác chiếm dụng vốn, được Hiệp hội doanh nghiệp thương binh, bệnh binh và cựu chiến binh can thiệp giúp”. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, bế tắc hướng phát triển được các doanh nghiệp thành viên chia sẻ, động viên, tư vấn tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Từ đầu năm 2010 đến nay, Hiệp hội giúp 5 doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến pháp luật.
Nhằm giúp đỡ thiết thực hơn cho doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, Chủ tịch Nguyễn Trần Đoàn cho biết: “Trong quý 3 tới, Trung tâm tài chính của Hiệp hội ra đời dưới hình thức cổ phần vốn của một số doanh nghiệp thành viên. Nhờ vậy, các doanh nghiệp trong Hiệp hội có nhu cầu về vốn có thể vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Lợi nhuận từ trung tâm tài chính sẽ chia đều cho các cổ đông góp vốn, đồng thời trích một phần cho hoạt động xã hội, từ thiện của Hiệp hội”.
Bài và ảnh Hồ Hương