Hàng chục đô thị thông minh mang thương hiệu VNPT
Việt Nam không đứng ngoài cuộc sự phát triển bùng phát của thế giới, nếu không muốn nói là đã bắt nhịp với thời đại. Ngay từ năm 2017, Tập đoàn VNPT đã mạnh dạn chuyển hướng với khát vọng chuyển từ nhà cung cấp viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu và là trung tâm CNTT lớn của khu vực.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm khẳng định, các lĩnh vực trọng tâm được VNPT đề xuất để xây dựng đô thị thông minh cho nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua và nhận được đánh giá cao. Đó là chính quyền số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, môi trường và các lĩnh vực khác như an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông… Song song đó, VNPT cam kết sẽ đưa các công nghệ tiên tiến nhất như IoT (Internet kết nối vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn)... vào ứng dụng trong các lĩnh vực kể trên.
Cách tiếp cận đó giúp các lĩnh vực trọng yếu thay đổi toàn diện cả về chất lẫn lượng. Có thể thấy hướng tiếp cận của VNPT trong xây dựng đô thị thông minh là hướng mở, không có một mô hình chung cho tất cả các thành phố, vì mỗi nơi có điều kiện môi trường, văn hóa khác nhau, nên để đưa ra các giải pháp thích hợp nhất cần dựa vào nội tại của chính thành phố đó.
Theo các chuyên gia, quá trình phát triển đô thị thông minh có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, hiện đại hóa đô thị với các giải pháp công nghệ thông minh. Giai đoạn 2, phát triển đô thị thông minh phục vụ các tầm nhìn mục tiêu của Nhà nước. Giai đoạn 3, chú trọng sự tham gia của người dân, hướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững.
Đến nay, VNPT đang hợp tác triển khai đô thị thông minh cho gần 30 tỉnh, thành phố. Trong đó 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều tham gia vào mạng lưới thành phố thông minh của ASEAN. Đây là cơ hội tốt thúc đẩy sự phát triển của thành phố cũng như giúp các đô thị kết nối tốt hơn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của khu vực.
Đáng chú ý, khung giải pháp đô thị thông minh do VNPT xây dựng trên cơ sở nguyên tắc mở để tất cả các đối tác trong và ngoài nước đều có thể tham gia triển khai. Để sẵn sàng cho đô thị thông minh, VNPT sẽ tiến hành nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông của thành phố đó. Trong đó gồm thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung, triển khai chính quyền số song song với việc tiếp tục hoàn thiện chính quyền điện tử, đồng thời lựa chọn các giải pháp ưu tiên trong từng lĩnh vực để triển khai theo lộ trình và thí điểm triển khai dữ liệu mở trên một số lĩnh vực. Các giai đoạn sau này, VNPT sẽ mở rộng các giải pháp đã triển khai trong giai đoạn trước và nâng cao năng lực xử lý, phân tích dữ liệu theo hướng thông minh hơn và mở ra các lĩnh vực khác của đời sống.
Cuộc sống của người dân thay đổi tích cực nhờ đô thị thông minh
Tin tưởng lựa chọn VNPT, những đô thị thông minh như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang… đã giúp người dân hiểu rõ và mong muốn sớm trở thành công dân của SmartCity.
Từ khái niệm, giai đoạn 3 đi vào thực tiễn triển khai cũng đang dần được người dân tiếp cận. Đơn cử là Hệ thống giải pháp Phòng họp không giấy VNPT e-Cabinet và ứng dụng “Giao việc tức thời”, “nhắc việc thông minh” đang được triển khai tại UBND TP HCM; dự án nông nghiệp thông minh khu LAB nông nghiệp thông minh Bắc Ninh; quan trắc môi trường thông minh tại Phú Quốc hay Cổng du lịch, cổng thông tin trực tuyến tại nhiều địa phương đang được người dân khai thác rất hiệu quả, giúp thành phố phát triển nhanh chóng, nhiều lĩnh vực kinh tế khởi sắc, cuộc sống người dân được thay đổi một cách tích cực bởi hệ thống thông tin minh bạch.
Ở giai đoạn hiện tại, phần lớn địa phương trong quá trình hợp tác viễn thông-CNTT với VNPT đã có sự phát triển vượt bậc trong bảng xếp hạng chỉ số ICT Index (xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông) trong nước và là những thành phố thông minh tiêu biểu. Trong số đó, có 8 đề án xây dựng đô thị thông minh đã hoàn thành, được phê duyệt và chuyển sang giai đoạn triển khai.
Đáng chú ý, VNPT hiện đang giới thiệu đến các tỉnh/thành phố về Trung tâm điều hành thông minh (IOC). IOC có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế, việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp, quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công…
Trung tâm điều hành thông minh được xây dựng với mục tiêu cung cấp cho lãnh đạo chính quyền cái nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn, tập hợp toàn bộ các dữ liệu về dân số, đất đai, việc làm, hành chính công, môi trường… sau đó xử lý bằng trí tuệ nhân tạo để đưa ra các phân tích, dự đoán hữu ích phục vụ cho việc điều hành, quản lý, định hướng phát triển.