Những điều tử tế thầm lặng

Ảnh minh họa. Nguồn Kênh 14
Ảnh minh họa. Nguồn Kênh 14
(PLVN) - Sài Gòn xô bồ, Sài Gòn ồn ã, quay cuồng với cơm áo gạo tiền, Nhưng cũng có một Sài Gòn thật chân thành, sâu lắng với tình người ấm áp. Đó là Sài Gòn với những điều tử tế, tỏa lan lặng lẽ khắp mọi nơi.

Những tấm lòng vàng

Có lẽ, tấm bảng chỉ đường đi Bệnh viện (BV) Từ Dũ đã rất nổi tiếng với người dân Sài Gòn và cả những người từ phương xa tìm đến BV. Ở con đường Cao Thắng, ngay góc ngã tư đối diện BV Từ Dũ, có một người đàn ông bán đủ thứ, từ thuốc lá đến áo mưa. Trước quầy thuốc là một tấm bảng xanh, to, chất liệu tốt dễ dàng đập vào mắt người đi đường. Tấm bảng ấy ghi: “Anh chị em nào đi BV Từ Dũ nhìn theo mũi tên thấy nhà lầu màu vàng, nhìn lên trên thấy hình mẹ bồng con. Cảm ơn!”.

Chủ nhân tấm bảng chỉ đường rất “có tâm” ấy là anh Nguyễn Văn Nam, chủ quầy thuốc, lại là một người không biết chữ. Về chuyện vì sao lại dựng tấm bảng ấy, anh Nam kể, hồi đó, nhiều người đi đường đến hỏi anh đường đi BV, trong khi BV thì sát bên. Lúc rảnh, anh có thể chỉ cặn kẽ, còn lúc bận tay buôn bán, khó lòng mà nhiệt tình được.

Thấy thế, anh dựng tấm bảng tạm để chỉ đường, nhưng mưa gió nhanh chóng làm nó phai đi. Năm 2009, dù tiền trong túi không nhiều, anh vay mượn để làm tấm bảng mica thật tốt, chữ to, rõ, bà con chờ tới đèn xanh, đèn đỏ là thấy ngay, khỏi phải dừng lại hỏi, kẹt xe. Nói về việc làm của mình, anh chia sẻ rất đơn giản: “Thì có gì đâu, thấy người ta kiếm đường, hỏi đường hoài vất vả, mình làm tấm bảng cho bà con biết đường thôi à”!

Những năm nay, nhiều người đùa “sống ở Sài Gòn không sợ thiếu ăn, thiếu mặc”. Không phải vì ai ai cũng khá giả, đủ ăn, đủ mặc. Nhu cầu cao thì không nói, nhưng cái ăn, cái mặc căn bản, người nghèo đã được “bảo trợ” bởi những nhà hảo tâm với tấm lòng vàng. Nhiều quán cơm từ thiện, quán cơm 0 đồng, quán cơm 1.000 đồng, 2.000 đồng… mọc lên khắp Sài Gòn. Có quán nằm khu vực trung tâm, cũng có những quán nằm vùng ven, hầu như khắp các quận đều có.

Thống kê sơ bộ, hiện khắp Sài Gòn đã có 25 quán cơm như thế. Tại những quán cơm này, có cơm với thức ăn đủ 3 món canh, xào, mặn. Có cả tráng miệng trái cây và nước trà đá. Mức tiền phải trả của người ăn, theo quy định của quán là miễn phí hoặc 1000, 2000, 3000 đồng… Người nào không khó khăn, có lòng thì có thể trả thêm tiền, coi như ủng hộ vào quỹ của quán. Các quán này, lâu thì dăm năm, nhanh thì một, hai năm, dù khó khăn nhưng vẫn duy trì tốt, ấy là bởi tấm lòng của những mạnh thường quân đối với người nghèo.

Từ khi có những quán cơm thiện nguyện ấy, người lao động nghèo nhẹ nhõm hẳn, trút bớt gánh nặng cơm ăn hàng ngày. Có mặt tại quán từ thiện Nụ cười 1, Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM, trưa ngày 16/9/2019, chị Nguyễn Thị Thuận, 52 tuổi bán vé số, quê Sóc Trăng chia sẻ: “Tui tới đây 1 tuần tầm 3 - 4 lần. Ngày nào bán được, có tiền thì đi ăn quán bình thường, nhường chỗ cho người ta, ngày nào bán ít, eo hẹp thì tới quán từ thiện này ăn. 2.000 đồng thì gần như là miễn phí rồi còn gì. Thức ăn đàng hoàng, cơm gạo ngon, ăn vừa miệng lắm”.

Còn chị Thanh Kiều, quản lý quán chia sẻ: “Công suất của quán đảm bảo từ 400 - 450 suất/ ngày. Còn số lượng thực tế thì tùy ngày. Về kinh phí hoạt động thì quán có quỹ, còn ai biết đến cũng có thể đến quán để ủng hộ”.

Ngoài những quán cơm từ thiện, có một hoạt động mà hầu như BV nào cũng có, đó là phát cơm từ thiện miễn phí. Hoạt động này do những tổ chức, thiện nguyện phát tâm. Có thể bữa ăn ấy là cơm, cháo, mì xào, chay hoặc mặn, diễn ra hằng ngày hoặc cuối tuần. Chỉ biết là, những bữa ăn tuy nhỏ nhưng đã cứu giúp biết bao người khốn khó trong BV.

Như chị Lê Thị Hương Lan, quê Vĩnh Long, nuôi con bị tai nạn giao thông ở BV Chợ Rẫy. Chị kể, nhà nghèo, hai vợ chồng làm ruộng, chị nuôi con trên này cả tháng, anh ở nhà cày hết sức để gửi tiền chi phí lên cho con. Bao nhiêu tiền đổ vào bệnh của con hết, bữa ăn của chị là ổ bánh mì không kèm xì dầu. Và những bữa cơm miễn phí phát tại bệnh viện chính là tấm phao cứu sinh giúp chị vượt qua những ngày tháng gian nan ấy.

Chị nói: “Mai sau con khỏi bệnh, về tui sẽ nhắc con luôn nhớ là trong những người cứu giúp mẹ con mình qua cơn nguy khốn này có những bữa cơm miễn phí của những người tốt bụng. Con ráng làm người tử tế để không phụ những công ơn ấy”.

Còn cái mặc, Sài Gòn không thiếu những quầy đồ cũ. Những quầy này được đặt tại các BV, điểm công cộng hoặc trung tâm từ thiện, được niêm yết địa chỉ trên mạng. Đa phần quần áo đều được người cho giặt thật sạch sẽ, gấp phẳng phiu và còn tương đối mới, có thứ còn mới trên 90%. Những quầy áo quần “lấy của người thừa đem đến người cần” đã giúp nhiều người nghèo tiết kiệm được khoản chi cho quần áo, có được bộ đồ tươm tất và cũng giúp những người có đồ dư, xài không hết có thể làm từ thiện, tránh việc lãng phí vứt bỏ quần áo cũ ra môi trường. 

Hạt giống tử tế tỏa lan

Đối diện quán cơm từ thiện Nụ cười 1, Cống Quỳnh có một nhóm cắt tóc miễn phí. Người khởi xướng hoạt động này từng là một thực khách tình cờ của quán cơm 2.000 đồng. Sau đó, anh tri ân bằng cách kêu gọi nhân viên trong salon tóc của mình, cứ 3 ngày thứ ba, năm, bảy hàng tuần ra hè phố cắt tóc cho người nghèo. Vài chiếc ghế để “khách” ngồi cắt và ngồi chờ, bộ dụng cụ cắt tóc, vậy là đủ cho một “salon di động”. Khách quen của các anh chính là những cụ già nhà gần đó, các bác xe ôm, xích lô, thợ hồ hay tài xế. Vừa cắt, họ vừa trò chuyện rôm rả, trông thật vui vẻ.

Anh Vinh, một thanh niên không việc làm từng đến để được cắt tóc miễn phí tại đây, cảm thấy yêu thích cái nghề này, sau đó đi học làm tóc và ra mở một salon nhỏ tại Thủ Đức. Khi tiệm bắt đầu ổn định, anh cũng kêu gọi thợ  của mình làm một “mô hình salon” nho nhỏ như ở Cống Quỳnh, nơi giúp anh có cơ duyên đến với nghề. Salon di động mini này được đặt trên đường Phạm Văn Đồng vào những buổi sáng trong tuần.

Sài Gòn còn rất nhiều “salon mini” như thế. Để người nghèo, ngoài những nhu cầu cơ bản về cái ăn, cái mặc cũng có thể được chăm sóc bản thân một cách tươm tất hơn.

Sài Gòn còn nhiều điều tử tế lắm, nhiều kể không hết. Ấy là những quầy trà đá miễn phí đặt bên vệ đường ở khắp các nẻo đường vào ngày nắng nóng. Ấy là quầy thuốc Tây miễn phí với các loại thuốc căn bản. Hay là quầy bánh mì, ai cần thì đến lấy. Sài Gòn còn có những tủ sách trao đổi, tủ sách từ thiện để ở những nơi công cộng. Ai muốn lấy sách thì cứ lấy, ai có sách cũ muốn đem đến trao đổi thì cứ trao đổi. Thể nào cũng có người cần. 

Những người lao động lam lũ với ánh mắt sáng lấp lánh bên bữa cơm ngon, người lữ hành giữa trưa nắng nóng thỏa cơn khát với ly trà đá, hay đứa trẻ nhặt ve chai, bán vé số nhem nhuốc dừng tay lấy ổ bánh mì, đứng bên tủ sách mê mẩn những quyển truyện tranh… Ắt hẳn, những hình ảnh ấy chính là nguồn động lực lớn cho những người làm thiện nguyện, những mạnh thường quân tiếp tục nỗ lực trên con đường tốt đẹp nhưng không mấy dễ dàng này.  

Đồng tiền từ tham nhũng, chiếm đoạt, cướp bóc cũng là tiền. Những đồng tiền mồ hôi nước mắt từ lao động chân chính, tiền gom góp dành dụm, tiền huy động, kêu gọi ủng hộ làm thiện nguyện thì cũng là tiền. Nhưng ngoài tiền, đó còn là những hạt mầm vô hình. Hạt mầm từ tiền bất chính là những hạt mầm đen, chỉ có thể chết đi trong lòng đất hoặc nảy mầm cây độc. Còn những đồng tiền mang hạt giống thiện lương sẽ nảy mầm trong đất, mọc lên những cây tình người xanh tươi. Những cây ấy rồi lại đơm hoa, kết quả, rồi những hạt giống của điều tử tế cũng từ đó mà bay xa, mà lan tỏa khắp nơi. 

Cũng như anh thợ cắt tóc nhận sự sẻ chia từ quán cơm từ thiện Nụ cười, tự đi gieo hạt giống ấy trên mảnh đất “cắt tóc miễn phí” của mình. Để rồi, mô hình ấy được nhân rộng bởi một con người tình cờ khác, tại một nơi khác.

Những điều tử tế ấy đã góp phần làm nên một Sài Gòn tử tế.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.