Không thể tặng “siêu xe” 38 tỷ cho bà Phấn?
Theo Luật sư Phan Trung Hoài, Công ty Phương Trang là một doanh nghiệp lớn và làm ăn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều tài sản và bất động sản. Trước khi có phát sinh quan hệ với Ngân hàng Đại Tín đã nhiều lần giao dịch với nhiều định chế tài chính khác nhau và tất cả đều diễn ra minh bạch, tài sản thế chấp rõ ràng.
Các công ty cùng với Công ty Phương Trang có giao dịch làm ăn với Ngân hàng Đại Tín đều được thành lập trước khi có các phát sinh giao dịch, điều này cho thấy rằng nhóm Phương Trang đến với các khoản tín dụng là xuất phát từ nhu cầu cần vốn kinh doanh thực sự.
Trước khi Ngân hàng Đại Tín cho Công ty Phương Trang và các cá nhân, công ty có quan hệ làm ăn vay đã tổ chức nhiều cuộc hợp có sự hiện diện của bà Hứa Thị Phấn, ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín), ông Trần Nam Sơn ( Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín). Điều này cho thấy rằng, mối quan hệ của bà Hứa Thị Phấn và nhóm Công ty Phương Trang là mối quan hệ làm ăn chứ không liên quan đến tình cảm cá nhân như phía bà Hứa Thị Phấn đưa ra.
Về chiếc xe Maybach mà bà Hứa Thị Phấn cho rằng cho rằng ông Nguyễn Hữu Luận tặng cho bà. Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng điều này là không thực tế. Bởi theo các tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được, chủ sở hữu của chiếc “siêu xe” nói trên là công ty Thiên Tân. Chiếc “siêu xe” này được một công ty N. nhập nguyên chiếc từ nước ngoài về với giá là 38 tỷ đồng (vào thời điểm năm 2011-PV). Công ty này sau đó lâm vào khó khăn nên được công ty Thiên Tân (thuộc nhóm Phương Trang) mua lại với giá hơn 25 tỷ đồng (sau khi đóng thuế hơn 2,4 tỷ đồng – PV). Theo Luật sư Phan Trung Hoài, với giá này thì không thể có việc ông Nguyễn Hữu Luận tặng cho bà Phấn được. Làm việc với cơ quan điều tra, ông Nguyễn Hữu Luận cũng thừa nhận đó là…38 tỷ đồng. Không thể biếu được!
Luật sư Phan Trung Hoài dẫn lại một đoạn bản dịch mà theo luật sư Trường Thị Minh Thơ (người bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn) được chép ra từ băng ghi âm mà bà thu thập được trong quá trình tiếp nhận hồ sơ từ bà Phấn để thấy rằng việc ông Luận tặng chiếc “siêu xe” này cho bà Hứa Thị Phấn là không có cơ sở. Cụ thể, trong bộ hồ sơ dài 48 trang có đoạn bà phấn nói: “Chiếc xe Maybach của con sang tên cho cô đi để thằng Nam hỏi hoài vậy…”.
Theo Luật sư Phan Trung Hoài, chưa nói đến tính xác thực của đoạn băng ghi âm nói trên thì việc dùng từ trong trường hợp vẫn không cho thấy việc ông Luận cho bà Phấn “siêu xe”. “Người dân Nam Bộ hoặc những người sống lâu ở TP Hồ Chí Minh, phía Nam đều từ “sang” có nghĩa là sang tên, mua bán…sang không thể là cho được…”, Luậtsu7 Phan trung Hoà nói.
Thực tế, theo Luật sư Hoài thì bà Hứa Thị Phấn mượn chiếc xe này để tiện cho việc đi giao dịch. Sau vài lần mượn trả nghiêm túc, nhóm Phương Trang và bà Phấn phát sinh tranh chấp nên bà Phấn chiếm giữ này một cách trái phép. Sau khi điều tra, ngày 13/4/2017, cơ quan điều tra đã ra lệnh kê biên giao cho Công ty Thiên Tân quản lý.
Về căn hộ số nằm ở số 92 Nguyễn Hữu Cảnh mà bà Hứa Thị Phấn cho rằng đã tặng cho ông Luận để đáp lại tình cảm của ông này. Luật sư Hoài cũng cho rằng đó là mua bán, có giấy tờ công chứng đàng hoàng chứ không phải cho như giải thích của bà Phấn.
“Đây không phải là penhouse mà thực ra nó là dạng căn hộ, rộng chỉ 201 mét vuông, giá thị trường vào thời điểm đó chỉ 40 triệu mét vuông, giá 1 căn chỉ từ 7 -8 tỷ đồng. Có hợp đồng mua bán công chứng, giá bán hơn 9 tỷ đồng. Nên không thể bà Phấn tặng cho ông Luận được”, Luật su Hoài cho biết.
Nghi vấn về khoản tiền mặt được phía bà Phấn khai chuyển cho Phương Trang
Về khoản tiền mặt mà phía bà Phấn nói đã giải ngân cho nhóm Phương Trang, Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng hoàn toàn không có cơ sở.
Trong quá trình điều tra, bà Hứa Thị Phấn và trợ thủ Bùi Thị Kim Loan đều khẳng định đã chuyển toàn bộ tiền mặt nằm trong gói 2.000 tỷ đồng cổ phiếu cho Công ty Trường Vỹ thuộc nhóm Phương Trang. Tuy nhiên, phía Công ty Phương Trang cho biết chưa nhận được và nghi ngờ về cách vận chuyển khoản tiền này.
Trước vấn đề này, Luật sư Phan Trung Hoài đưa ra nhận định và đề nghị HĐXX, VKS xem xét.
Cụ thể theo Luật sư Hoài, vào tháng 7/2010, Công ty TNHH TMDV&XD trường Vĩ (thuộc nhóm Phương Trang) thực hiện việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (thực chất đây là một dạng tín dụng và Ngân hàng Đại Tín đã mua lại toàn bộ số trái phiếu trên. Việc giải ngân tiền trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng cho công ty trường Vỹ được Ngân hàng Đại Tín thực chất không chi thực chi số tiền này.
Theo bản chi tiền trái phiếu ngày 30/10/2010, Ngân hàng Đại Tín chi số tiền là 300 tỷ đồng. Theo hồ sơ, số tiền được chi cho phía Công ty Trường Vỹ là 3 triệu tờ mệnh giá 100.000 đồng. Để chuyển hết số tiền này, Ngân hàng Đại Tín cần phải có 17 xe chở tiền chuyên dùng. Mặc khác, ngày 30/10/2010 nhằm ngày thứ Bảy, theo lịch làm việc Ngân hàng Đại Tín không làm việc và Công ty Trường Vỹ cũng không làm việc.
Bảng kê chi tiền trái phiếu một ngày sau đó (ngày 1/11/2010) Ngân hàng Đại Tín tiếp tục chi thêm 800 tỷ đồng. Trong đó có 7.998.598 tờ tiền mệnh giá 1000.000 đồng, 200 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200 tờ tiền loại giá 200.000 đồng. Với lượng tiền ước tính phải cần đến 47 xe chở tiền chuyên dụng của ngân hàng hoặv 5 xe container loại 20 feet mới chở hết số tiền này.
Trước đó, ngày 28/20/2010, Ngân hàng Đại Tín cũng đã thông báo chi 500 tỷ đồng tiền mặt để chi trả cho khoản trái phiếu này. Trong đó có 381.000 tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng, 200.000 tờ tiền mệnh giá 200 ngàn đồng, 2.605.000 tờ tiền mệnh giá 100 ngàn đồng. Với số lượng tiền này, Trustban phải cần ít nhất 18 xe chở tiền chuyên dụng để chuyên chở.
Từ những dẫn chứng trên, Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng việc bà Hứa Thị Phấn và những người liên quan đến việc chuyển đầy đủ tiền mặt cho Công ty Trường Vỹ (thuộc nhóm Phương Trang) trong gói cổ phiếu 2.000 tỷ đồng là điều không khả thi.