Những địa phương nào đồng ý mở lại đường bay nội địa?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cục Hàng không Việt Nam dự kiến khai thác các đường bay nội địa giai đoạn 1 từ ngày 5/10/2021 và xin ý kiến các địa phương có cảng hàng không. Theo tìm hiểu của PLVN, đến chiều ngày 4/10, đã có nhiều địa phương đồng ý với kế hoạch mở lại đường bay nội địa.

Cụ thể, chiều 4/10, UBND TP HCM có Văn bản khẩn số 3264 gửi Cục Hàng không Việt Nam, trong đó cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ của Cục Hàng không.

Đồng thời, UBND TP HCM đề nghị Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP HCM; yêu cầu hành khách tuân thủ các yêu cầu theo Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 30/9/ 2021 của UBND TP HCM về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM.

Cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam cũng nhận được Văn bản số 3277 của UBND tỉnh Điện Biên, trong đó đồng ý với kế hoạch khai thác vận tải hàng không giai đoạn 1 của Cục này.

Trước đó, ngày 3/10/2021, UBND tỉnh Phú Yên có Văn bản số 4623, gửi Cục Hàng không Việt Nam, trong đó đồng ý việc mở lại đường bay thương mại theo đề xuất của Cục Hàng không. Tỉnh này cũng đề nghị Cục Hàng không chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và sớm cấp phép khai thác đường bay đi/đến Phú Yên để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.

PLVN cũng đã khảo sát ở một số địa phương có cảng hàng không để tìm hiểu thêm thông tin. Cụ thể, tại Đà Nẵng, ông Lê Văn Trung – Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, địa phương này thống nhất với Cục Hàng không về việc cho mở lại đường bay thương mại. “Sở GTVT Đà Nẵng đã tham mưu cho TP là cho mở”, ông Trung nói.

Tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết, cơ bản tỉnh này đồng ý việc mở lại đường bay thương mại theo đề xuất của Cục Hàng không và sớm có văn bản phản hồi Cục Hàng không.

Tuy nhiên theo ông Dần, hiện nay giữa Bộ GTVT và địa phương đang “vênh” nhau một số nội dung, cần điều chỉnh lại cho phù hợp. “Ví dụ như hiện nay Khánh Hoà dự kiến đến 16/10 mới bắt đầu mở lại vận tải nội tỉnh. Nếu mở hàng không mà chưa mở vận tải nội tỉnh thì khó cho việc đi lại tại sân bay”, ông Dần nói và cho biết, Sở GTVT Khánh Hoà sẽ linh hoạt đề xuất với tỉnh mở lại một số chuyến xe vận chuyển hành khách phục vụ cho cảng hàng không khi mở lại đường bay.

Tại Cần Thơ, ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện đang chờ ý kiến thống nhất của các sở ban ngành địa phương, nhất là của sở Y Tế trước khi đưa ra quyết định có đồng ý mở lại vận tải hành khách hàng không như kế hoạch của Cục Hàng không hay không. “Đến nay chưa có quyết định”, ông Dũng nói.

Trước đó, ngày 01/10, Cục Hàng không Việt Nam xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1, xin ý kiến các địa phương để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động. Theo kế hoạch này, tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Trong đó, TP HCM khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày. Từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương là 10 đường bay.

Từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) đi và đến các địa phương khác là 23 chuyến bay khứ hồi/ngày; Hải Phòng là 20 chuyến khứ hồi/ngày; Thanh Hoá khôi phục 6 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày; Cần Thơ khôi phục 7 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày. Nghệ An khôi phục 7 đường bay với 19 chuyến khứ hồi/ngày; Đắk Lắk khôi phục 6 đường bay với 14 chuyến khứ hồi/ngày; Khánh Hoà khôi phục 6 đường bay với 20 chuyến khứ hồi/ngày. Thừa Thiên - Huế khôi phục 3 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày; Kiên Giang khôi phục 8 đường bay với 24 chuyến khứ hồi/ngày; Gia Lai khôi phục 4 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày.

Một số địa phương khác như Phú Yên khôi phục 2 đường bay với 7 chuyến khứ hồi/ngày; Bình Định khôi phục 3 đường bay với 5 chuyến khứ hồi/ngày; Quảng Nam khôi phục 2 đường bay với 8 chuyến khứ hồi/ngày; Bà Rịa - Vũng Tàu khôi phục 5 đường bay với 15 chuyến khứ hồi/ngày; Quảng Bình khôi phục 2 đường bay với 6 chuyến khứ hồi/ngày. Riêng Quảng Ninh và Điện Biên đề nghị khôi phục 1 đường bay.

Bên cạnh những địa phương đồng ý mở lại đường bay nội địa vẫn có nhiều địa phương chưa đưa ra quyết định hoặc từ chối. Cụ thể, Hải Phòng chưa đồng ý khai thác các chuyến bay chở khách tới địa phương này.

Riêng ở Hà Nội, ngày 02/10, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi công văn đến UBND TP Hà Nội xin ý kiến về việc mở lại đường bay nội địa. Trong lần gửi văn bản lấy ý kiến các địa phương ngày 01/10, tiếp thu kiến nghị của TP Hà Nội (Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng kiến nghị dừng các hoạt động bay thương mại đi, đến), nên Cục Hàng không Việt Nam không lấy ý kiến từ phía Hà Nội.

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.