Giữ cổng làng bằng mọi cách…
Khi biết chúng tôi đang tìm hiểu về lịch sử thăng trầm của những chiếc cổng làng ở giữa thủ đô Hà Nội, cụ Nguyễn Thị Tư, tổ 14, phường Nghĩa Đô, năm nay đã 93 tuổi, khẳng định chắc nịch: “Nếu thời điểm này mà tôi không ngã đau, chân phải tập tễnh thì tôi lại đi tuyên truyền. Phải tuyên truyền, kể chuyện để giữ lại những di tích lịch sử của làng, mà chiếc cổng làng phải được gìn giữ đầu tiên”.
Cổng làng Trung Nha là một cổng làng hiếm hoi ở Hà Nội còn giữ nguyên vẹn dấu ấn của cổng làng xưa. Một cái cổng bề thế tựa như tam quan của chùa, có nóc mái và một cây đa cổ thụ mọc ngay cạnh cổng, tán lá bao phủ cả một vùng.
Nhìn cổng làng Trung Nha gợi lên hình ảnh một làng quê êm đềm, gần gũi đến lạ kỳ, hơn là một con đường nườm nượp xe cộ qua lại, ngay bên cạnh là khu dân cư chen chúc nhau và là cầu nối đến cây cầu Nhật Tân, cây cầu huyết mạch giao thông nối Hà Nội với thế giới.
Cụ Tư kể, từ tháng 6/2015, người ta đã định đập cổng nhưng người làng phản đối nên buộc phải dừng lại. Bà Lại Thị Mùi (ở đường Võ Chí Công) cũng cho biết, cách đây vài tháng, bà bắt gặp một khóa lễ mà những người làm trong dự án tuyến đường vành đai 2 Hà Nội (đoạn Nhật Tân – Sơn La) cố tình bày ra để mong có thể đập bỏ cổng làng để dự án của họ được khai thông.
Bà không ngần ngại gọi người được thuê làm lễ ra nói chuyện… và hiện nay, cổng làng vẫn được giữ nguyên trạng (sau khi đã bị bẻ bớt 2 cánh cổng 2 bên). Cụ Tư, bà Mùi đều cho rằng, nếu không đấu tranh có lẽ chiếc cổng làng đã có hơn 1000 năm tuổi đã bị người ta xóa sổ rồi.
Thậm chí chị Phan Thị Huyền còn lo lắng sẽ mất chiếc cổng nên đã thuê thợ về chụp các góc cổng làng để có thể lưu giữ hình ảnh chiếc cổng làng cho con cháu đời sau. Cổng làng, cây đa là cụm di tích đã được chứng nhận, tại sao dự án lại không tránh ra? Các cụ xót xa vì sợ sẽ bị mất nốt cụm di tích còn lại của làng.
Cổng làng Trung Nha sau khi bị phá. |
Chị Huyền cũng cho biết, mẹ nhà văn Tô Hoài là người làng Trung Nha. Trước khi mất, nhà văn có trăng trối lại rằng, đến khi ông mất đi phải cho ông đi qua cổng làng, cây đa và khu bãi đất là nơi thai nghén “Dế mèn phiêu lưu ký”.
Chị Huyền khẳng định, bãi đất rộng cách cổng làng vài trăm mét chính là nơi ngày xưa những thiếu niên, con trẻ của làng đều đổ dế mèn ở bãi đất rộng ấy và tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” lấy bối cảnh chính ở cổng làng Trung Nha.
Bà Mùi tâm sự, làng Trung Nha có 3 di tích, đền, đình và cổng làng. Đền thì càng ngày càng bị lấn chiếm, đình thì bị phá mà không họp hành cho dân biết, những di tích lịch sử đã bị xâm hại nghiêm trọng. Đến bây giờ, chiếc cổng làng, cây đa cũng đang đứng trước nguy cơ biến mất…
“Nhìn các di tích tan tác mà tôi chảy cả nước mắt, như thể sắp mất đi một thứ gì linh thiêng lắm”…
Những dấu tích lịch sử đầy tự hào…
Cụ Tư xúc động cho biết, khi cụ 15-16 tuổi, ông nội của cụ là ông từ của đình Ông Cụ (ngay cạnh cổng làng) nên cụ được nghe rất nhiều câu chuyện về chiếc cổng làng, về những dấu tích lịch sử mà cổng làng đã trải qua và chứng kiến.
Theo cụ Tư, đã có những tài liệu cho rằng, cổng làng này chính là nơi tu luyện của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây cũng chính là nơi đầu tiên của thành Thăng Long xưa đã đón Lý Công Uẩn dời đô từ Thăng Long về Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Dư, 84 tuổi cho biết, Lý Thái Tổ đi lên thành Thăng Long bằng đường sông, từ sông Hoàng Long di chuyển lên sông Hồng rồi qua sông Thiên Phù (là đường Lạc Long Quân ngày nay) mới vào kinh thành. Do đó, chính dân chúng Trung Nha ngày xưa là những người Thăng Long đầu tiên tổ chức đón Lý Công Uẩn.
Chị Huyền còn ấm ức mà cho rằng, nếu đặt tượng Lý Thái Tổ thì cổng làng Trung Nha phải là nơi được đặt tượng đầu tiên. Điều này có thể khẳng định, chiếc cổng làng Trung Nha này đã có trên 1.000 năm tuổi.
Cụ Tứ và bà Mùi ngậm ngùi trước nguy cơ cổng làng bị phá. |
Cổng làng cũng là nơi chứng kiến tướng quân Trần Công Tích thi tuyển người tài bằng hội thổi cơm thi. Bà Mùi kể lại: Khi giặc Tống sang, nhà Trần cử tướng quân nghênh chiến, ngang qua khu đất rộng ở làng Trung Nha liền dừng lại để tổ chức thổi cơm thi, tuyển người tài.
Trong tiếng trống đánh trận thình thình, những người tham gia vừa rước mía vừa thổi cơm, ai hoàn thành sớm nhất thì được tuyển.
Hội thi năm ấy, hai chị em bà Lê Hồng Lương, Lê Quế Lương thắng, được chọn làm vợ Trần Công Tích, cùng theo ông ra trận đánh thắng giặc Tống. Trên đường quay trở về, đến đúng cây đa và cổng làng Trung Nha thì Trần Công Tích hóa về trời, từ đó địa điểm này được chọn để thờ phụng Trần Công Tích, được phong là Thành hoàng làng.
Ngay trước cổng làng có một tấm bia, được gọi là bia Hạ Mã. Chuyện kể lại rằng, trước đây ông Lý Tố đỗ quan, về qua cổng làng nhưng vẫn ngồi trên lưng ngựa vì cho rằng mình là quan, không cần xuống ngựa. 3 ngày sau Lý Tố hộc máu tươi mà chết.
Nhà Vua thấy cổng làng thiêng quá nên làm bia hạ mã đặt trước cổng làng để bất cứ ai đi ngang qua cổng làng, cây đa đều phải xuống ngựa, người nào đội mũ thì phải ngả mũ xuống để tỏ sự tôn trọng.
Hầu hết đều không ai biết chính xác năm ra đời của cổng làng Trung Nha. Các cụ cao niên ở tổ 14, phường Nghĩa Đô đều cho biết, các cụ tổ của họ đều bảo rằng:“Khi tôi ngửa cổ ra đã thấy cây đa cổ thụ lắm rồi, cổng làng cũng đã rêu phong. Cách đây hàng nghìn năm, khu này trên bến, dưới thuyền, đông đúc và nhộn nhịp lắm”…
Nói đến đây cụ Tư, bà Mùi đều tỏ ra xúc động khẳng định: “Còn sức khỏe là chúng tôi còn giữ cổng làng. Bằng mọi giá phải giữ lại cổng làng, dù chỉ còn chiếc cổng, không còn hai cánh. Không thể giữ lại cổng làng bằng cách phá bỏ chiếc cổng này rồi sau đó phục dựng lại y nguyên. Đấy không phải là cách chúng ta ứng xử với tiền nhân, với di tích”.
Chúng tôi trộm nghĩ, làm lại một cái cổng không hề khó, nhưng thổi vào chiếc cổng ấy hồn cốt của làng, những phong ba bão táp mà chiếc cổng làng đã chứng kiến cũng như những dấu ấn lịch sử hào hùng đã ghi đậm nơi cổng làng thì chắc hẳn có bỏ ra cả bạc tỷ chúng ta cũng không thể phục dựng lại được.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu