Xin điểm lại một số dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của Báo trong thời kỳ đổi mới.
Sức sống 11 ấn phẩm của Báo PLVN
Công tác quản lý và tổ chức xuất bản các ấn phẩm được thực hiện nghiêm túc, bài bản, có chiều sâu. Các ấn phẩm không ngừng được đổi mới về nội dung, hình thức, chú trọng nâng cao chất lượng từng tin bài, từng số báo.
Hiện PLVN tổ chức xuất bản 11 ấn phẩm báo chí, gồm: Ấn phẩm chính - báo ngày (xuất bản từ Thứ Hai đến Chủ nhật hàng tuần), Câu chuyện Pháp luật, Pháp luật Chuyên đề, Xa lộ Pháp luật, Pháp luật 4 Phương, Chuyên đề Doanh nhân & Pháp luật (báo in), Báo Pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn), chuyên trang báo điện tử Pháp luật plus (phapluatplus.vn), chuyên trang điện tử Truyền hình Pháp luật (tvphapluat.vn), chuyên trang điện tử Doanh nhân & Pháp luật (doanhnhan.vn); chuyên trang điện tử Sao Pháp luật (sao.baophapluat.vn).
Với ấn phẩm báo ngày - ấn phẩm chính của Báo, tập trung đổi mới toàn diện về nội dung và hình thức để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về các vấn đề thời sự chính trị, pháp luật và kinh tế - xã hội gắn với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN.
Báo ngày đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của Bộ, ngành Tư pháp, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sâu rộng các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; tuyên truyền thực hiện chuẩn mực đạo đức ngành Tư pháp và việc học tập làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Báo ngày còn tham gia sâu vào các vấn đề chính trị của đất nước, thực hiện tốt vai trò thông tin, tuyên truyền về các vấn đề trọng đại của đất nước và những vấn đề kinh tế - xã hội lớn..
Nhận thức rõ những thách thức lớn mà người làm báo nói chung và Báo PLVN nói riêng đang phải đối mặt hiện nay khi báo giấy ngày càng gặp nhiều khó khăn, PLVN đã chủ động đề xuất những sáng kiến, giải pháp không ngừng đổi mới nội dung, hình thức ấn phẩm bằng việc xây dựng thêm các chuyên trang, chuyên mục mới nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về công tác của Bộ, ngành Tư pháp để đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Tư pháp; đảm bảo việc thông tin về Bộ, ngành Tư pháp có chiều sâu và gắn liền các vấn đề của thực tế công tác tư pháp, phúc đáp yêu cầu quản lý của Bộ, tạo sự lan tỏa, sức sống của công tác tư pháp trong đời sống của nhân dân.
Với những nỗ lực không ngừng đó, ấn phẩm báo ngày của PLVN vẫn duy trì số lượng phát hành, giữ số lượng bạn đọc ổn định.
Với Báo PLVN điện tử và các chuyên trang điện tử, xuất phát điểm từ việc xây dựng và vận hành 1 ấn phẩm duy nhất là Báo PLVN điện tử, đến nay PLVN đã phát triển thêm 4 chuyên trang điện tử: Pháp luật plus, Truyền hình pháp luật, Doanh nhân pháp luật, Sao Pháp luật. Các ấn phẩm điện tử được đầu tư đổi mới giao diện hiện đại với nhiều chuyên trang, chuyên mục phong phú; tiên tiến về kỹ thuật, công nghệ, phương thức và quy trình quản lý xuất bản.
Các ấn phẩm điện tử chú trọng đẩy mạnh công tác giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc với các đơn vị thuộc Bộ về các vấn đề pháp lý được dư luận xã hội quan tâm. Các chuyên trang điện tử triệt để ứng dụng các tính năng mới của công nghệ để làm báo đa phương tiện từ tin, bài ảnh, video đến các mạng xã hội nhằm đưa thông tin đến bạn đọc nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Với các số phụ chuyên đề Doanh nhân & Pháp luật, Pháp luật Chuyên đề, Báo chú trọng nội dung tuyên truyền sâu về các vấn đề pháp luật chuyên ngành và chuyên đề phục vụ các nhóm bạn đọc chuyên biệt, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và phát huy vai trò là cẩm nang thông tin pháp luật với bạn đọc, góp phần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật. Việc tổ chức xuất bản 2 ấn phẩm này đã gắn với hoạt động truyền thông của DN và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng bạn đọc chuyên biệt; gắn công tác xuất bản với việc cung cấp dịch vụ truyền thông, quảng cáo.
Với các số phụ Câu chuyện Pháp luật, Xa lộ Pháp luật, Pháp luật 4 Phương, báo đẩy mạnh thông tin về các vấn đề liên quan đến pháp luật tác động trực tiếp đến người dân; các tri thức liên quan đến các lĩnh vực của cuộc sống… phục vụ nhóm đối tượng bạn đọc trên thị trường báo bán lẻ.
Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật
Xác định tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật và hoạt động tư pháp thông qua công tác xuất bản các ấn phẩm báo chí in và báo chí điện tử là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, Báo đã không ngừng đổi mới về cả nội dung và hình thức tuyên truyền pháp luật, thực hiện thường xuyên và liên tục thông qua 11 ấn phẩm của Báo.
Báo tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác nội chính gắn với thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt trong công tác xây dựng thể chế đã tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, tạo diễn đàn trao đổi, góp ý các văn bản pháp luật đang xây dựng.
Đồng thời, thông tin và phản ánh sâu rộng về các chủ trương, chính sách pháp luật mới được triển khai. Từ đó, góp phần tuyên truyền pháp luật và phát hiện những bất cập trong triển khai để giúp cơ quan chức năng điều chỉnh kịp thời.
Xác định tuyên truyền về hoạt động của ngành Tư pháp là việc làm trọng tâm xuyên suốt của Báo nên các ấn phẩm của Báo tập trung hướng các nội dung vào việc tích cực, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật mới, đặc biệt là các lĩnh vực quản lý của ngành có liên quan thiết thực đến đời sống người dân.
Ấn phẩm báo ngày giữ vai trò thực hiện nhiệm vụ thông tin về các vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trong nước và quốc tế theo tôn chỉ, mục đích và định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin, truyền thông về các vấn đề công tác của Bộ, ngành Tư pháp và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác của Lãnh đạo Bộ Tư pháp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc trong và ngoài ngành Tư pháp có nhu cầu thông tin về công tác tư pháp, pháp luật.
Các ấn phẩm phụ tập trung thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền sâu về các vấn đề pháp luật chuyên ngành và chuyên đề để phục vụ các nhóm bạn đọc chuyên biệt.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Báo thường xuyên đổi mới thiết kế, hình thức trình bày với các ấn phẩm báo in, đổi mới giao diện, kỹ thuật và công nghệ với các ấn phẩm báo điện tử. Việc tuyên truyền được thực hiện trên các ấn phẩm với nhiều hình thức đa dạng như tổ chức giao lưu trực tuyến, giải đáp pháp luật, vừa tuyên truyền pháp luật, vừa tạo sự tương tác, gắn kết giữa bạn đọc - khách mời - tòa soạn.
Báo còn tổ chức thành công nhiều cuộc thi được đông đảo bạn đọc tham gia. Đơn cử, năm 2015, hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2015), Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV và 30 năm Ngày Báo PLVN xuất bản số đầu tiên, Báo tổ chức Chương trình Vinh danh Gương sáng Tư pháp.
Đi đầu trong tư duy về đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Báo PLVN là tờ báo đầu tiên phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền về mô hình Ngày Pháp luật ở tỉnh Hà Tây (cũ) sau đó là các tỉnh Tiền Giang, Long An... Với mô hình này, Báo đã tổ chức hội thảo thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều địa phương trên cả nước.
Sau một thời gian, Ngày Pháp luật đã được luật hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đó ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam. Năm nay là năm thứ 8 cả nước triển khai Ngày Pháp luật theo tinh thần của Luật, trong đó có những đóng góp thiết thực của Báo từ những ngày đầu sơ khai.
Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua kênh thông tin báo chí, từ năm 2007, Báo đã phát động Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” với mục tiêu đưa các ấn phẩm của Báo đến các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Chương trình đã nhận được sự tham gia tích cực của các tập đoàn kinh tế, DN... Tính đến hết năm 2015, các cơ quan, đơn vị tham gia chương trình đã tặng đồng bào và cán bộ các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa hơn 1 triệu tờ báo với số tiền hơn 10 tỷ.
Để chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả hơn, ngày 12/01/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 43/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo qua ấn phẩm báo chí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa” và giao Báo PLVN chủ trì tổ chức thực hiện Đề án, với sự phối hợp của các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, UBND các tỉnh, thành.
Trong thời gian thực hiện Đề án từ năm 2016 đến hết năm 2018, Báo đã phối hợp với đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Cảnh sát Biển Việt Nam, Cục Kiểm ngư, tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Ninh... ký kết nhiều Biên bản ghi nhớ và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Giai đoạn 2017 - 2020 ghi dấu bước phát triển mạnh mẽ của Chương trình với sự đổi mới cả về hình thức, nội dung tổ chức thực hiện chương trình. Ngoài những hình thức tổ chức truyền thống như tọa đàm, thăm hỏi, trao quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em hiếu học tại các địa phương, Báo đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương tổ chức các chương trình giao lưu nghệ thuật, tổ chức tuyên truyền pháp luật kết hợp trao nhà tình nghĩa, trao cờ Tổ quốc cho ngư dân.
Từ năm 2017 đến nay, Báo đã cấp phát miễn phí gần 3 triệu ấn phẩm đến đồng bào và cán bộ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tổ chức các chương trình trao quà cho các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, trẻ em hiếu học với số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Chương trình đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoan nghênh, đánh giá đây là sáng kiến có ý nghĩa rất thiết thực, có tầm ảnh hưởng với việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của toàn Ngành, cần tiếp tục phát huy; được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận là sáng kiến mang lại hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong Bộ, ngành.
Tạo “sân chơi” cho các doanh nhân, DN tuân thủ pháp luật
Từ năm 2017, Báo tổ chức Chương trình vinh danh DN, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” nhằm tuyên truyền, vận động và cổ vũ doanh nhân, DN áp dụng pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm và biểu dương những doanh nhân, DN điển hình, kinh doanh thành đạt, phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng pháp luật vì sự thịnh vượng chung của đất nước.
Chương trình là một kênh thông tin mà qua đó, các doanh nhân, DN, đơn vị có thể tìm hiểu và nhận thức đúng đắn về vai trò của các thiết chế pháp luật với hoạt động kinh doanh bền vững của DN; cũng như vai trò của DN trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, thể chế kinh tế thị trường, góp phần hoàn thiện môi trường kinh doanh.
Đây cũng là hoạt động nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia cùng Báo thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao dân trí với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của DN mà Đảng và Nhà nước đang nỗ lực thực hiện.
Chương trình còn là cầu nối đưa DN đến gần hơn với bạn đọc, người dân trong cả nước, góp phần quảng bá hình ảnh, uy tín của DN. Đồng thời, kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau để thúc đẩy cơ hội đầu tư, kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm thành công và các thách thức, rủi ro, vướng mắc trong thực thi pháp luật kinh doanh.
Chương trình đầu tiên diễn ra từ tháng 4 - 10/2017 do Báo chủ trì tổ chức (với sự phối hợp của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế, Liên đoàn Luật sư). Chương trình lần thứ hai vào năm 2018 với sự đầu tư mở rộng quy mô cả về đối tượng và đề tài, cơ cấu giải thưởng, hình thức thể hiện phong phú đa dạng, đã thu hút số lượng bài dự thi gấp 3 lần chương trình lần đầu.
Năm 2019, tại chương trình lần 3, đã có thời gian tổ chức dài nhất, số lượng tác phẩm tham dự nhiều nhất, số lượng giải thưởng được trao nhiều nhất và dấu ấn các tác phẩm để lại sâu đậm nhất.
Chương trình đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận là Chương trình mang lại hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng và tính lan tỏa sâu rộng, nêu gương trong Bộ, ngành Tư pháp. Đồng thời đây cũng là tiền đề quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển và những bước đi tiếp theo của Báo để công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và tuyên truyền pháp luật cho DN nói riêng ngày càng bài bản hơn, hứa hẹn đem lại những thành công rực rỡ hơn.
Báo PLVN thành lập từ năm 1985, theo Quyết định số 1158/QĐ-BTP ngày 23/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Báo hiện có các đơn vị cấp Phòng trực thuộc, bao gồm: Ban Thư ký Tòa soạn; Ban Báo Pháp luật điện tử; Ban Trị sự; Ban Thời sự - Chính trị; Ban Kinh tế; Ban Nội chính; Ban Văn hóa – Xã hội; Ban Bạn đọc; Ban Doanh nhân và Pháp luật; Ban chuyên đề Báo in; Ban chuyên đề Báo điện tử; Phòng Kế hoạch – Tài chính; Trung tâm truyền thông PLVN.
Báo hiện có: Cơ quan đại diện (CQĐD) tại TP HCM; CQĐD khu vực duyên hải phía Bắc (đặt tại Hải Phòng); CQĐD khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (đặt tại Cần Thơ); CQĐD khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Văn phòng đại diện (VPĐD) tại tỉnh Quảng Ninh; VPĐD tại tỉnh Phú Thọ; VPĐD tại tỉnh Nghệ An; VPĐD tại Đà Nẵng; VPĐD tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; VPĐD tại Kiên Giang...
Tính đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Báo có 87 người, lao động hợp đồng là 68 người. Bên cạnh đó, Báo còn sử dụng một đội ngũ người lao động cộng tác là 114 người. Bộ máy tổ chức ổn định, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có kiến thức, kinh nghiệm và yêu nghề đã đóng góp vai trò to lớn với hoạt động của Báo.