Thời gian gần đây, dư luận rộ lên thông ĐH Ngân hàng TP HCM tuyển dụng nhân sự “mập mờ”, cũng như việc giảng viên dạy vượt nhiều lần số tiết theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường hợp giảng viên được tuyển vào ĐH Ngân hàng TP HCM là những người chưa đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, trường còn ký hợp đồng giảng dạy với giảng viên không đạt chuẩn chuyên môn.
Tuyển giáo viên THCS để dạy ĐH?
Đơn cử trường hợp của ông N.H.L, hiện là Trưởng bộ môn Anh văn khoa Ngoại ngữ. Trước đây, ông L. là giáo viên THCS Lê Quý Đôn. Đến năm 2008 ông được tuyển vào ĐH Ngân hàng TP HCM. Theo phản ánh của cán bộ, giảng viên trong trường, ông L. đang hưởng bậc lương mà một giảng viên chính thức của trường (mà phải sau 25 năm giảng dạy mới có thể đạt được: bậc 8/9 ngạch 15.111, hệ số 4,65).
Ngoài ra, nhiều cán bộ, giảng viên của ĐH Ngân hàng TP HCM cũng đặt câu hỏi về việc trường ký hợp đồng giảng dạy với ông P.V.C (nguyên giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng), khi ông đã 52 tuổi và trình độ chỉ ở mức cử nhân Anh văn hệ tại chức. Thậm chí, trước đó, kết quả giảng thử của ông C. đã bị Hội đồng đánh giá chuyên môn của trường nhận xét là không đạt chuẩn. Nhưng không hiểu vì lý do gì ông C. vẫn được ĐH Ngân hàng TP.HCM ký hợp đồng giảng dạy.
Sinh viên ĐH Ngân Hàng TP HCM tại Ngày hội việc làm. Ảnh: M.Luân |
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ trường, thông tin ông N.H.L trước đây là giáo viên THCS là có thật. “Nhưng anh L. đã có thời gian thỉnh giảng ở trường, được sinh viên đánh giá cao. Hơn nữa, anh L. là trường hợp thuyên chuyển công tác về ĐH Ngân hàng TP HCM, được Sở GD-ĐT TP HCM và Sở Nội vụ TP HCM đồng ý”, ông Phúc cho biết. Còn đối với trường hợp của ông C., ông Phúc thừa nhận, trước đây ông C. được đánh giá không đạt chuẩn chuyên môn, nhưng do am hiểu về chương trình Anh văn TOEIC nên trường vẫn ký hợp đồng giảng dạy.
Bên cạnh đó, theo thông tin chúng tôi có được, chính ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng tổ chức và cũng chính là giảng viên đảm nhận số tiết dạy cao nhiều lần theo quy định của Bộ GD-ĐT trong học kỳ 1 năm học 2009-2010. Về vấn đề này ông Phúc thanh minh: “Tôi không vượt quá 240 tiết theo quy định. Nhưng vào thời điểm đó có hơn 16 lớp Kế toán - kiểm toán, trong khi giảng viên thiếu trầm trọng nên phải nhận dạy môn Tài chính và Kế toán quản trị”.
Chi quản lý và lương 10% học phí là sai
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xung quanh vụ lùm xùm về Quy chế tài chính của Trung tâm Hợp tác quốc tế (Giám đốc trung tâm có mức lương hơn 80 triệu đồng/tháng), phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn nêu rõ: một số vấn đề về quản lý tài chính, tài sản của trường cần phải được chấn chỉnh, xử lý ngay. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng nêu: một số nội dung quy định trong Quy chế tài chính của Trung tâm hợp tác quốc không đúng với quy định của nhà nước như: lương các dự án, chi ban quản lý…
Trong công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ĐH Ngân hàng TP HCM cũng đã báo cáo quá trình chấn chỉnh công tác quản lý tài chính trong thời gian qua như: thành lập ban biên soạn Quy chế tài chính, tạm dừng ngay các quy định tại Quy chế tài chính của Trung tâm hợp tác quốc tế…Trong công văn này, trường cho rằng: vấn đề trả chi phí quản lý và lương nhân viên 10% học phí mà Trung tâm Hợp tác quốc tế đang áp dụng đã được Bộ GD-ĐT phê chuẩn đồng ý.
Tuy nhiên, đơn vị chủ quản là Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, trong tờ trình xin phép Bộ GD-ĐT liên kết đào tạo với Học viện Bolton (Anh) và ĐH Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thuỵ Sĩ chỉ nêu ra các nội dung: mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo… Bản kế hoạch tài chính mà trường nêu ra lại không có trong danh mục tài liệu chính thức gửi Bộ GD-ĐT để xin phê duyệt.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, việc trường dẫn viện chi quản lý và lương nhân viên 10% học phí như đã trình cấp thẩm quyền cho phép là không đúng.
Theo Đất Việt