Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với công chức
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ, có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.
Cụ thể, ở tất các cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và văn thư đã không còn yêu cầu chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Thay vào đó, chỉ còn yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ phù hợp, tùy theo yêu cầu trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngạch.
Việc thay đổi này nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội, ước tính giúp đội ngũ công chức giảm được 1000 tỷ đồng từ việc đi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Thời gian và hình thức đào tạo trình độ tiến sỹ
Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, quy định về thời gian và hình thức đào tạo như sau:
Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này;
Mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh (theo mẫu tại Phụ lục I).
Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 01 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo (Hiện hành, quy định thời gian gia hạn tối đa là 24 tháng).
Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian (Hiện hành, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu).
Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/8/2021 và thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT.
Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học
Đây là nội dung tại Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Theo đó, chuẩn đầu ra là yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của người học khi tốt nghiệp.
Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học được quy định như sau:
- Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học.
- Phải nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo, thể hiện được sự đóng góp rõ nét đồng thời phản ánh được những yêu cầu mang tính đại diện cao của giới tuyển dụng và các bên liên quan khác.
- Phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn (nếu có), đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành hoặc cùng lĩnh vực...
Hiện hành, chia thành 3 tiêu chí: Kiến thức; Kỹ năng; Năng lực tự chủ và trách nhiệm để đánh giá chuẩn đầu ra.
Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 07/8/2021 và thay thế Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT.
Đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp
Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH quy định về đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp. Theo đó, từ 22/8, đối với trình độ trung cấp là học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở và tương đương trở lên; Đối với trình độ cao đẳng là người có Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, người có Bằng tốt nghiệp Trung cấp và có Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy Chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông…
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; quân nhân, Công an nhân dân tại ngũ; người nước ngoài, nếu có đủ điều kiện theo quy định sẽ được đăng ký dự tuyển học trình độ trung cấp, cao đẳng…
Thay đổi quy định về nâng bậc lương cho công chức
Thông tư 03/2021/TT-BNV tiếp tục là một văn bản đáng chú ý đối với công chức, viên chức, trực tiếp điều chỉnh vấn đề nâng bậc lương của đối tượng này. Văn bản có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.
Trước tiên, Thông tư này bổ sung trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, đó là thời gian cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, bổ sung thêm một số khoảng thời gian không tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm: Thời gian đào ngũ; Thời gian thử thách khi hưởng án treo; Thời gian nghỉ công tác chờ tuổi nghỉ hưu.
Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức cũng được thay đổi từ ngày 15/8/2021. Theo đó, cán bộ, công chức được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên sẽ được nâng bậc lương thường xuyên (trước đây là “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực” cũng thuộc diện được nâng bậc lương).