Vẫn như mọi ngày, Công ty Cổ phần Môi trường Thiên Thanh hoạt động bất kể ngày đêm. Nóng nực trong bộ đồ bảo hộ, những công nhân môi trường nhanh chóng đưa những bao chứa rác thải thu gom từ các khu vực phong tỏa, khu cách ly y tế vào lò lửa đang rừng rực cháy để tiêu hủy. Áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, hộp đựng cơm, vỏ chai nước … là những vật hoàn toàn có thể chứa mầm bệnh.
Tại Công ty Thiên Thanh, kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, mỗi ngày 40 công nhân thực hiện 3 tại chỗ đã tập thu gom và xử lý khoảng 20 tấn rác thải từ các khu vực cách ly y tế, khu vực phỏng tỏa.
Công nhân Nguyễn Thanh Tài chia sẻ: “Dù biết độc hại, nhưng tôi vẫn ở lại công ty để đảm bảo sức khoẻ cho gia đình và cho chính mình. Công nhân làm việc tại đây ai cũng cố hết sức để vượt qua cái cơn bệnh dịch này, góp phần giúp công ty xử lý rác thải để hạn chế thấp nhất mầm bệnh phát tán ra môi trường trong thời gian này”.
Phun khử khuẩn trước khi thu gom rác. |
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Vì vậy, so với thời gian trước dịch, thời gian này, các công ty vệ sinh môi trường trên địa bàn phải gác lại tất cả các hoạt động thu gom rác ở các lĩnh vực khác để tập trung cho rác thải y tế, rác thải ở các khu cách ly, phong toả.
"Công việc nguy hiểm hơn nhưng doanh thu cũng giảm đi rất nhiều so với khi chưa có dịch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chấp nhận để chung tay với cộng đồng làm giảm lượng rác thải có thể lây lan mền bệnh”, anh Dương Hoàng Hải Đăng – Đại diện Công ty Cổ phần Thiên Thanh cho biết.
Những bao chứa rác thải thu gom từ các khu vực phong tỏa, khu cách ly y tế nhanh chóng được đưa vào lò lửa đang rực cháy để tiêu hủy. |
Ở các khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa hàng nghìn người được cung cấp khẩu trang, quần áo bảo hộ cũng như thực phẩm chế biến sẵn, tạo ra lượng rác thải lớn ra môi trường, cùng các chất khử trùng, hóa chất y tế phòng dịch... Chính vì thế, việc xử lý các loại chất thải y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19 đang đặt ra áp lực rất lớn đối với các công ty có chức năng xử lý rác thải nói chung.
Theo thống kê, mỗi ngày tỉnh Đồng Nai có hơn 77,6 tấn rác thải, trong đó chất thải lây nhiễm trên 29,4 tấn, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 48,2 tấn phát sinh tại các khu cách ly, vùng cách ly tập trung, khu vực phong tỏa.