Gian nan công khai giới tính
Từ Long đến Hà Anh của hiện tại là một hành trình đi tìm thân phận. Hơn 10 năm âm thầm sống trong những xao động của giới, Long ngày nào đã quyết định trở thành Hà Anh – một người chuyển giới nữ. Cô gái vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên công khai với gia đình – quãng thời gian đầy nước mắt và sự cô độc.
Một ngày, Long quyết định đã nhắn tin cho bố trước: “Bố ơi, con là con gái về nhà”. Bố đã không nhắn lại, Long biết những gì mình sẽ phải đối diện sau đó. Buổi đầu tiên trong hình hài con gái về nhà, mọi thứ thật tồi tệ.
“Tại sao mày lại thay đổi như thế này, ra chợ người ta chỉ trỏ, không biết giấu mặt đi đâu”. Sự giận dữ và những giọt nước của bố mẹ khi nhìn thấy con trong hình hài khác lạ, cả nhà chỉ im lặng.
Cái Tết đầu tiên của Hà Anh, một cái Tết chỉ có chỉ có sự im lặng, tủi hờn. Cô gái sợ ra ngoài, sợ mọi người đến bàn tán, chỉ trỏ, sợ bố mẹ lại khó xử vì mình.
“Lúc đó, ở nhà chỉ biết khóc. Có đêm nằm nghĩ buồn, tủi thân mà khóc. Cũng thương lắm vì làm bố mẹ buồn và nghe nhiều lời không hay vì mình”.
Nhưng chính khát khao được làm con gái quá lớn đã giúp Hà Anh bền bỉ thuyết phục gia đình thừa nhận mình là người chuyển giới nữ. Những cuốn tài liệu, sách, truyện về người chuyển giới được đều đặn để ở phòng bố mẹ sau mỗi lần về quê. Suốt một thời gian dài sau đó, gia đình cô tạm chấp nhận việc con trai mình chuyển giới. Với Hà Anh đó là bước đầu thành công, chỉ mong về sau mọi người hiểu và thông cảm cho mình, chỉ cần gia đình chấp nhận là cô cũng hạnh phúc.
Trong ngày sinh nhật tròn 20 tuổi, có một điều Hà Anh rất xúc động. Đó là dòng tin nhắn của bố: “Chúc sinh nhật con gái của bố”. Đọc xong, Hà Anh đã khóc. Cô gái khóc cho cả quãng thời gian dài đối mặt với sự cô độc, buồn tủi. Trong đó, có cả những giọt nước mắt hạnh phúc, lần đầu tiên bố gọi hai tiếng “con gái”.
Chờ một ngày sâu hóa bướm
Chị Tiên là người chuyển giới nữ. Cách đây 1 năm, tên gọi Tuyên vẫn còn tồn tại. Nhưng hiện tại, thân phận ấy đã được thay đổi. Sự xuất hiện của cái tên Tiên như một bước ngoặt cho cuộc đời của bản thân ở tuổi 26. Sau cánh cửa ấy có thể hạnh phúc, cũng có khi là những đau đớn – tủi nhục ập đến lúc nào không hay.
Ngay từ bé chị Tiên đã cảm nhận được sự khác biệt của bản thân so với những cậu con trai khác. Chị thích những chiếc váy xòe dịu dàng, những chiếc áo hoa. Thấy những bạn gái có nơ, bờm, vòng cổ vòng tay. Chị mong ước có một ngày mình được như họ. Chính những khát khao đầu đời đã hình thành một ý nghĩ về một con người khác trong bản thân mình.
Tháng 6 năm 2018, anh Tuyên quyết định nuôi tóc, bắt đầu quá trình uống hooc – môn và bắt đầu một một sự thay đổi mới với cái tên là Tiên.
“Năm ngoái, chị có tham gia cuộc thi “Nữ hoàng chuyển giới”, khi ấy chỉ xác định thi cho vui vì chưa là con gái, vẫn chỉ là giả gái. Đến buổi thi vòng 2, chị về quyết định nối tóc, thay đổi quần áo con gái vứt hết quần áo con trai. Tháng 6/2018 chị sống theo đúng nghĩa người con gái”, chị Tiên chia sẻ về quyết định bước ngoặt của cuộc đời mình.
Ảnh minh họa |
Nhiều cản trở từ xã hội
Trở về nhà lúc 10 tối vì tan ca, chị Tiên bắt đầu công việc mới tại một công ty may được vài tháng nay. Bắt đầu cuộc trò chuyện khi đã khuya, chị vẫn vui vẻ chia sẻ những nỗi lòng của mình đầy vẻ thân tình. Ở con người ấy, từ giọng nói ngoại hình toát lên sự nữ tính mặc dù chị mới là người chuyển giới chưa hoàn toàn. Sống ở một vùng quê miền núi tại Tuyên Quang, trong một gia đình có 6 anh chị em, chị Tiên may mắn vì nhận được sự thấu cảm và thừa nhận của gia đình. Dù ban đầu, mọi người cũng sock, bố chị có vài lần vùng vằng chuyện con chuyển giới. Nhưng sâu thẳm trong người cha, ông lại rất thương chị và tất cả mọi người đều ủng hộ và bảo vệ chị trước sự thay đổi lớn.
Hiện tại chị làm công nhân may với đồng lương ít ỏi đủ chi trả cho sinh hoạt và để một chút đỉnh phục vụ việc uống thuốc và phòng lúc đau ốm. Đây công việc mới sau khi chị trở về quê từ Hà Nội, bắt đầu một con người mới, một cuộc sống mới.
Vấn đề việc làm với người chuyển giới như chị còn gặp rất nhiều khó khăn. Chị Tiên chia sẻ, bản thân đã đi phỏng vấn ở một số công ty rào cản lớn nhất là thái độ với người chuyển giới của các doanh nghiệp.
“Phỏng vấn một số công ty gặp trường hợp như chị, người ta không nhận vì thủ tục bảo hiểm không thể làm được khi chị chưa được chuyển đổi giới tính trên giấy tờ. Tuy nhiên thực tế đó chỉ là lý do, sự thật họ không thích người chuyển giới nên họ từ chối mình với lý do đó” - chị Tiên rưng rưng.
Người chuyển giới khi đi tìm việc họ luôn gặp những cản trở và thái độ không mặn mà từ các nhà tuyển dụng. Vì vậy, đa số đều làm lao động tự do hoặc làm những công việc không cần giấy tờ như bán hàng, làm móng, làm tóc… Mặt khác, sự kì thị của xã hội vẫn còn đâu đó tồn tại trong cuộc sống hằng ngày khiến người chuyển giới không thể bước ra ánh sáng.
Người chuyển giới cũng cần sự bình đẳng
Ngày Quốc tế Phụ nữ, những người chuyển giới như chị Tiên hay Hà Anh…cũng đều ước mong mình được nhận quà, được yêu thương như bao phụ nữ khác. Nhưng, hạnh phúc hay tình yêu đối với lại quá đỗi mong manh.
Khi chấp nhận mình là người chuyển giới, họ đã xác định mình phải đối mặt với vô vàn những khó khăn. Đôi khi là cả sự cô độc, kì thị, bỏ lại bên ngoài xã hội nên người chuyển giới thường ít dám công khai.
Đối với người chuyển giới được gia đình chấp nhận là điều vô cùng quan trọng. Khi gia đình không thừa nhận giới tính của họ thì những người chuyển giới không đủ tự tin công khai bản thân. Chính gia đình mình còn gia đình từ chối, thì họ không thể bước ra ánh sáng.
“Nhiều lúc cảm thấy rất buồn, chạnh lòng”, đó là lời tâm sự của chị Tiên sau tiếng thở dài. Chị cũng khát khao hạnh phúc như bao người phụ nữ khác, cũng muốn tìm thấy một bến đỗ cho mình. Nhưng, đa số những người đàn ông đến với họ đều nhanh chóng chia tay hoặc mối tình không trọn vẹn vì những rào cản.
“Người chuyển giới khi họ biết, họ tò mò muốn thử cảm giác lạ. Người chuyển giới như thế nào? Chuyện ấy của người chuyển giới ra sao. Thường các cuộc tình không được dài lâu và đều diễn ra rất chóng vánh. Khó có một hạnh phúc thực sự”, chị Tiên chia sẻ.
Người chuyển giới cần nhận được những đối xử công bằng trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội và quyền con người như: giáo dục, y tế, văn hóa, hôn nhân, gia đình, việc làm, các chính sách phúc lợi... Trong khi những người như Hà Anh hay chị Tiên vẫn đang loay hoay đi tìm con đường cho mình, thay đổi thông tin nhân thân… thì sự bình đẳng vẫn còn là điều xa xỉ với họ.
Chị Mai Châu (một người hoạt động quyền nổi bật cho cộng đồng chuyển giới miền Bắc) chia sẻ: “Tại Việt Nam, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe chuyên biệt dành riêng cho người chuyển giới vẫn chưa có. Chủ yếu, họ tự chia sẻ với nhau trong cộng đồng qua các buổi
offline, sự kiện quy mô nhỏ do một số cá nhân và tổ chức xã hội thực hiện. Vì vậy, những người chuyển giới rất khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe”.
“Vui và thoải mái, tự tin, bỏ qua mọi thứ, mình sống theo đúng con người mình là được” là câu nói kết thúc một ngày mệt nhoài của chị Tiên. Chị luôn khát khao sống và yêu. Dù chị biết hành trình phía trước của chị cũng lắm nỗi chông chênh. Nhưng, có một điều chị tâm niệm: “Sống là chính mình, là điều hạnh phúc nhất”.