Những người cha, người mẹ đặc biệt
Theo bà Nguyễn Thị Thành - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà, học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc không biết cha mình là ai trên địa bàn huyện Sơn Hà có rất nhiều. Đây là những hoàn cảnh rất đáng thương, thường xuyên bỏ học hoặc đi học không đều.
Vì thế, từ năm học 2016 - 2017, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà đã phát động phong trào “Giáo viên nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh học yếu, học sinh có nguy cơ bỏ học”. Các trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm nhận đỡ đầu tất cả các em khó khăn, mồ côi; hỗ trợ về vật chất, quan tâm, chia sẻ, yêu thương như cha, như mẹ để các em được tiếp tục đến trường.
Hơn 2 năm nay, vượt qua cung đường đèo dốc của xã Sơn Bao, hành trang đến trường của thầy Đinh Văn Lênh (giáo viên Trường Tiểu học Sơn Bao, điểm trường Nước Rinh) không chỉ là giáo án, mà còn là sự lo lắng cho một học trò đặc biệt. Với tình yêu thương và tấm lòng chân thành của mình, thầy Lênh đã nhóm lên tình yêu con chữ với em Đinh Thị Huệ (học sinh lớp 2) và các học trò nơi đây.
Huệ bị bệnh thiểu năng về trí tuệ, chậm phát triển, đôi mắt lại kém nên việc đi học gặp rất nhiều khó khăn. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt, cha mất sớm, hàng ngày mẹ phải đi làm thuê để gánh vác gia đình, bởi thế suốt 2 năm nay, Huệ đều được thầy Lênh đến tận nhà đón đi học. Con đường trước đây em đi, phải mất vài tiếng mới đến trường, nay mỗi ngày đều có thầy đồng hành.
Dù khó khăn nhưng từ khi nhận đỡ đầu cho Huệ, thầy Lênh luôn kiên trì dành thời gian để dạy dỗ em. Học chậm hơn so với các bạn ở lớp, thầy thường xuyên kèm cặp Huệ ngoài giờ học. Không chỉ vậy, ngoài công việc ở trường, những lúc mẹ em đi vắng, thầy còn đến tận nhà nấu cơm và coi Huệ như con của mình, chăm sóc chu đáo, ân cần. Hơn 2 năm nay, căn bếp nhà Huệ cũng ấm cúng hơn bởi có bóng dáng của thầy Lênh.
Sinh ra và lớn lên ở huyện nghèo Sơn Hà, cô giáo người dân tộc Hrê Đinh Thị Năm (giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, Trường THCS Sơn Ba) cũng đã trải qua những tháng ngày cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Dù vậy, cô đã phấn đấu vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để học tập và được đứng trên bục giảng. Có lẽ vì thế mà nữ giáo viên này đã thấu hiểu hoàn cảnh học trò của mình. Những năm qua, không những vận động các em đến lớp thường xuyên, mà cô giáo trẻ còn thắp lên trong mỗi học sinh niềm tin vào ngày mai tươi sáng.
Giờ đây, cô học sinh lớp 8A Đinh Thị Khuya xem cô giáo Năm như người chị, người mẹ thứ hai của mình. Cô bé mồ côi 14 tuổi phải thay mẹ nuôi em, thường xuyên bỏ học, vì không có áo quần để đến trường cũng như không ai chăm sóc em mình.
Biết hoàn cảnh khó khăn của Khuya, ngoài những giờ trên lớp, cô giáo Năm thường xuyên đến nhà giúp đỡ hai chị em những sinh hoạt thường ngày. Vừa làm, cô trò vừa tâm sự, tạo động lực, giúp em cố gắng vượt lên khó khăn của cuộc sống.
Cô Năm còn kèm Khuya học thêm để bù đắp kiến thức khoảng thời gian em không đến lớp. Lương của giáo viên hợp đồng không nhiều, nhưng mỗi lần đến thăm, cô đều mua bánh kẹo cho hai chị em Khuya.
Khít là một học sinh khuyết tật được cô Thủy đỡ đầu |
“Có những đêm hai cô trò chuyện trò rất khuya. Tôi kể lại những khó khăn của cuộc sống mà mình đã trải qua cho Khuya nghe. Chính điều đó đã giúp em có thêm động lực vượt qua hoàn cảnh hiện tại, để vươn lên trong học tập”, cô Năm tâm sự.
Mồ côi cha từ thuở lọt lòng, sau đó mẹ cũng rời làng mưu sinh tận Tây Nguyên, nhiều năm qua, cậu bé tí hon Đinh Hoàng Khít (học sinh lớp 4B) nương tựa vào ông, bà ngoại. Khít tròn 13 tuổi nhưng chỉ cao 1m, nặng 13kg. Thể trạng nhỏ bé là vậy, hàng ngày cậu học trò vẫn đều đặn đi bộ băng rừng, vượt 4km đường đèo dốc hiểm trở đến trường học tập.
Cô giáo Võ Thị Thanh Thủy - Hiệu phó Trường Tiểu học số 2 Di Lăng hiện là người đỡ đầu cho Khít. Ngoài hỗ trợ lương thực, cô Thủy thường xuyên mua quần áo, sách vở... đến làng thăm hỏi chăm sóc, động viên Khít nỗ lực học hành.
“Em Khít là một học sinh khuyết tật nên mong muốn lớn nhất của các thầy, cô giáo là giúp em đọc trôi chảy, thành thạo những phép tính đơn giản. Đồng thời giúp Khít mạnh dạn giao tiếp với bạn bè và mọi người. Đáp lại niềm mong mỏi đó, Khít luôn cố gắng học tập. Thầy cô chưa bao giờ phàn nàn điều gì về cậu học trò đặc biệt này”, cô Thủy cho biết.
Yêu thương không toan tính
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, toàn huyện Sơn Hà có 550 thầy, cô giáo ở 39 đơn vị trường học nhận đỡ đầu cho 935 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, các em được nhận đỡ đầu đều phát triển tốt, có sự tiến bộ trong học tập, không còn ý định nghỉ học và đặc biệt là tâm lý của các em được cải thiện đáng kể. Nếu trước năm 2015, tình trạng học sinh đi học kiểu “giã gạo” trên địa bàn huyện khoảng 30%, đến nay chỉ còn dưới 8% tùy vào từng trường.
Theo bà Thành, sau hơn 2 năm triển khai, phong trào “Giáo viên nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh học yếu, học sinh có nguy cơ bỏ học” đã lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều thầy, cô giáo dành tâm huyết, tình yêu thương chăm sóc học sinh như con ruột của mình. Nhờ đó, các em thích đến trường hơn, học tập tiến bộ, chất lượng giáo dục của huyện từ đó cũng được nâng lên.
“Tùy theo hoàn cảnh của từng học sinh mà các thầy, cô giáo có những giải pháp riêng, tất cả nhằm hỗ trợ, giúp đỡ để các em được đến trường, tự tin hơn trong giao tiếp, có kết quả học tập tốt hơn. Tôi mong rằng, giáo viên sẽ thật sự như người cha, người mẹ thứ hai của các em, để cho các em thêm một điểm tựa tinh thần”, bà Thành cho biết.
Nói rồi, bà Thành bảo: “Chẳng thể thống kê được đã có bao nhiêu áo quần, sách vở, đồ dùng học tập, gạo, mắm, xe đạp, những bữa ăn... mà các thầy, cô giáo đã hy sinh, đã đi xin cho trò. Và tôi nghĩ các thầy, cô giáo cũng chẳng thống kê những vật chất ấy vào như một thành tích trong báo cáo. Họ là những người đồng nghiệp tuyệt vời mà tôi may mắn có được”.
Ở huyện miền núi Sơn Hà này, có không ít các em học sinh vì lỡ mang bầu sớm nên không thể đến lớp được nữa. Trò chuyện với chúng tôi, hầu hết các thầy, cô đều phần trần về điều này. Họ cho rằng nỗi lo lớn nhất hiện nay là hệ lụy tảo hôn vẫn còn dai dẳng ở huyện vùng cao này.
Vấn đề này không chỉ riêng ngành giáo dục quan tâm mà các cấp, các ngành cũng cần chung tay giúp đỡ để tương lai con trẻ tránh được vòng luẩn quẩn đói nghèo.
Công việc dạy học tại vùng cao là công việc với muôn vàn những khó khăn, thử thách. Thế nhưng, bằng tình yêu nghề, mến trẻ hàng trăm thầy, cô giáo ở huyện miền núi Sơn Hà đã không quản ngại để ươm lên những mầm non tương lai của đất nước. Cũng nhờ vậy mà bao ước mơ của những trẻ em nghèo Sơn Hà đã được viết lên, niềm vui được đến trường đã không còn là điều xa xỉ.
Thiết nghĩ, tất cả những sự thay đổi với gần 1.000 học sinh nghèo này là món quà từ những tấm lòng tử tế. Giữa bát ngát núi đồi, tiếng các thầy, cô giáo đã trở thành tiếng gọi người thân, là điểm tựa yêu thương cho những học trò nghèo.