Cây thuốc nam từ lâu đã là tinh hoa y học của người Việt. Xa xưa, cha ông ta đã biết sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh, bồi bổ cơ thể. Nhưng hiện nay, có nhiều cây dược liệu quý đang dần bị lãng quên và có nguy cơ tuyệt chủng. Chính vì vậy, tuổi trẻ Đam Rông đã xây dựng công trình thanh niên “Vườn thuốc nam” để bảo tồn những cây thuốc quý, phục vụ cho công tác chữa bệnh bằng đông y.
Y sỹ trẻ Vũ Thanh Hoa giới thiệu cây thuốc nam trong vườn thanh niên. |
Với diện tích gần 100m2 trong khuôn viên Trạm Y tế xã Đạ Rsal, nhiều loại cây thuốc nam đang được các đoàn viên, thanh niên thuộc Huyện Đoàn Đam Rông trồng và chăm sóc cẩn thận. Đến nay, toàn vườn có gần 100 loài cây thuốc khác nhau. Nếu nhìn vào, người ta có cảm giác như một rừng cây tự nhiên, vì các cây thuốc trong vườn được trồng theo phương pháp hỗn giao, với nhiều tầng cây thu hẹp. Tầng trên cùng là cây thân gỗ lớn và những cây ăn quả như, mít, ổi, bách xanh… Những cây này vừa là tán che phủ, vừa là giá thể cho các cây dây leo hoặc làm giá đỡ cho các cây thân cỏ ở dưới. Đến với công trình thanh niên vườn cây thuốc nam của tuổi trẻ Đam Rông, chúng tôi được y sĩ trẻ của Trạm Y tế xã Đạ Rsal Vũ Thanh Hoa tỉ mỉ kể về tên, cũng như công dụng chữa bệnh của các loại cây thuốc ở đây. Chỉ vào một cây có lá mọc so le, cành màu đen, y sĩ Vũ Thanh Hoa nói: “Đây là cây phèn đen. Theo y học cổ truyền, cây phèn đen chữa được rất nhiều bệnh. Rễ của nó có vị chát, tính lạnh, có tác dụng tiêu viêm, thu liễm, chỉ tả; được dùng trị lỵ, tiêu chảy, viêm ruột, viêm gan,... Lá phèn đen có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, lợi tiểu. Vỏ thân phèn đen dùng để chữa tiểu tiện khó...”. Lần lượt cô chỉ đến cây đinh lăng, cây mạch môn đông và giải thích: “ Đinh lăng là một loại cây họ hàng với nhân sâm, có tác dụng tốt cho sức khỏe khi sử dụng. Có thể dùng làm thuốc bổ gây ăn ngon miệng, ngủ tốt, tăng cân, giúp cơ thể chóng hồi phục sau khi mổ, hay sau khi bị ốm nặng. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy đinh lăng có tác dụng an thần và làm tăng tác dụng của thuốc chống sốt rét. Trong nhân dân, có nơi còn dùng rễ đinh lăng để chữa ho, thông tiểu, thông sữa và chữa kiết lỵ. Hoặc dùng lá đinh lăng giã nát để đắp vết thương… Còn với cây mạch môn đông thì rất tốt trong điều trị các bệnh về hô hấp (đặc biệt trong ho có đờm, trong xơ nhiễm), bồi dưỡng cơ thể và giải nhiệt, có tác dụng tốt trong điều trị tăng tiết sữa sản phụ sau khi sinh”. Cứ thế, cô y sĩ Vũ Thanh Hoa giảng giải cho chúng tôi về các cây thuốc như một thầy thuốc đông y đang truyền nghề cho đệ tử. Qua đây, chúng tôi cũng thấy được tinh hoa của y học dân tộc mình thật là tuyệt diệu. Từ thời xa xưa, khi khoa học còn chưa phát triển, trên thế giới có nhiều loại bệnh chưa có thuốc chữa thì cha ông chúng ta đã biết dùng những cây lá trong vườn để chữa bệnh hiệu quả. Đến nay, tuy Tây y đã rất phát triển nhưng các nhà khoa học trên thế giới vẫn đặc biệt quan tâm nghiên cứu tác dụng chữa bệnh của cây thuốc nam. Vì vậy, với việc trồng, chăm sóc và bảo tồn các cây thuốc nam trong công trình thanh niên của tuổi trẻ Đam Rông là một việc làm hết sức đáng quý. Vườn thuốc nam này không chỉ phục vụ cho công tác chữa bệnh cho bà con đồng bào tại địa phương, mà còn giúp các đoàn viên thanh niên có ý thức hơn trong việc phát huy, bảo tồn những nguồn dược liệu quý đang trên bờ tuyệt chủng. Ngoài ra, vườn thuốc nam này cũng là nơi thực tập sinh vật cảnh cho học sinh tại địa phương, giúp các em nhận biết tác dụng chữa bệnh của mỗi loại cây để có thể sử dụng khi cần thiết. Bác sĩ K’Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, cho biết: “Với địa bàn vùng sâu vùng xa như Đam Rông thì việc có vườn thuốc nam như thế này là rất tốt. Ở đây, các thiết bị để chữa bệnh bằng tây y còn thiếu thốn, nên sử dụng thuốc nam là một việc làm quan trọng. Chữa bệnh bằng đông y chi phí thấp và ít bị tác dụng phụ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những chương trình tập huấn sử dụng cây thuốc nam cho các cán bộ y tế trong huyện. Và vườn thuốc nam của đoàn thanh niên sẽ là nơi để các cán bộ y tế tham quan thực tập”. Tuy vườn thuốc nam của tuổi trẻ Đam Rông mới được trồng chưa lâu, nhưng bà con nhân dân trong vùng đã biết đến và khá quan tâm. Nhiều người khi bị rắn cắn hay mắc một số bệnh thông thường như cảm cúm, nhức xương khớp, đau bụng… vẫn thường đến xin lá thuốc và được các cán bộ y tế ở Trạm hướng dẫn sử dụng hiệu quả. Nhiều người còn đến xin giống cây thuốc để mang về trồng trong vườn nhà mình, phòng lúc cần dùng tới. Ngược lại, có một số người có cây thuốc quý trong vườn nhà mình thì mang đến tặng cho thanh niên để họ trồng và bảo tồn nguồn giống. Hiện nay, vườn thuốc nam này đang tiếp tục được mở rộng diện tích và trồng thêm nhiều loại cây nữa. Anh Nguyễn Văn Hoàng - Bí thư Huyện Đoàn Đam Rông, cho biết: “Đây là một công trình thanh niên được phát động từ giữa năm 2010 và mỗi đoàn viên, thanh niên trong các cơ sở Đoàn của huyện được giao sưu tầm và trồng 3 giống cây thuốc nam trong công trình. Trong thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục vận động đoàn viên, thanh niên trong huyện sưu tầm thêm nhiều loại cây thuốc quý nữa để làm cho vườn thuốc nam trong công trình thanh niên này ngày càng phong phú và đa dạng”. Không chỉ có ở Đam Rông, mà ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, cũng đang thực hiện công trình thanh niên tại trạm y tế xã. Hàng chục giống cây thuốc nam như: Ké đầu ngựa, cối xay, cúc tần, mẫu đơn, ngưu tất, xuyên tâm liên, sâm đại hành… đang được trồng và chăm sóc tươi tốt tại đây. Như vậy, với hai công trình thanh niên trồng cây thuốc nam với hàng trăm cây thảo dược như thế, hy vọng những cây thuốc quý sẽ mãi được bảo tồn và phát triển; và cũng hy vọng là tinh hoa y học của cha ông được giới trẻ phát huy trong việc kết hợp với y học hiện đại chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn.
Duy Danh