Đó là vụ án xét xử nhân viên y tế Niels Hoegel ở Đức. Người này năm nay 41 tuổi. Ở những bệnh viện mà anh ta đã làm việc đều có nhiều bệnh nhán chết bất ngờ, đều chết sau khi không thể hồi sức cấp cứu được nữa, đều chết khi người này luôn ở bên cạnh và tham gia công việc hồi sức cấp cứu.
Cách làm của anh ta rất đơn giản là truyền những loại thuốc nhất định vào tĩnh mạch của bệnh nhân khiến hệ thống tuần hoàn của bệnh nhân bị vô hiệu hoá và bệnh nhân cần được cấp cứu hồi sức, nhưng đều rồi không thể sống được. Động cơ mục đích của anh ta được đồng nghiệp ca tụng về tinh thần trách nhiệm trong tham gia hồi sức cấp cứu bệnh nhân. Đơn giản chỉ có vậy mà lại không thể hiểu nổi đối với tất cả mọi người.
Ở nước Đức cho tới nay, người này không phải là nhân viên y tế duy nhất chủ ý sát hại hàng loạt bệnh nhân trong bệnh viện. Nhưng Niels Hoegel lập kỷ lục về số lượng người bị sát hại. Trong quá trình điều tra vụ việc, phía điều tra đã lập được danh sách 332 người thuộc diện “rất có thể đã bị Hoegel sát hại”.
Đối tượng Niels Hoegel |
Nhưng vì 232 người trong số ấy đã được hoả táng sau khi chết nên không còn có thể xác định ra được nguyên nhân chết. Người ta đã khai quật tất cả 100 người còn lại và xác định chính xác có 85 người vị Hoegel sát hại theo cách trên. Đối với 15 người khác, bên điều tra không loại bỏ được hết mọi nghi ngờ, nhưng cũng lại không dám khẳng định Hoegel là thủ phạm.
Mười năm trước đây, Hoegel đã bị xét xử về tội sát hại 3 người và bị kết án tù chung thân. Ở nước Đức, cứ phạm tội chủ ý giết người là bị kết án tù chung thân, nhưng sau 15 năm tù thì lại có thể được trả tự do. Vấn đề ở chỗ thủ phạm giết một người hay nhiều người thì cũng chỉ tù chung thân.
Ở một số nước trên thế giới có luật cộng gộp mức án tù chung thân. Chẳng hạn như nếu Hoegel bị xét xử theo luật Mỹ thì vừa rồi anh ta sẽ bị kết án 85 lần tù chung thân và nếu cứ sau 15 năm cho 1 án tù chung thân người này mới có thể được trả tự do thì anh ta sẽ ngồi tù cả thảy ít nhất 1275 năm.
Câu hỏi được đặt ra sau vụ án lớn này là tại sao trong bệnh viện lại có thể xảy ra những chuyện tày đình như vậy trong suốt thời gian dài. Trách nhiệm của chính quyền, của bệnh viện và của đội ngũ nhân viên làm việc trong đó đến đâu mà không ngăn chặn được và phát hiện ra sớm được.
Câu hỏi được đặt ra là pháp luật hiện hành với khung hình phạt như thế có đủ hiệu ứng và tác dụng răn đe cũng như trừng phạt hay không. Nhưng có lẽ câu hỏi khó trả lời nhất là tại sao con người lại có thể nhẫn tâm và tàn ác với đồng loại đến như vậy, cho dù đấy chỉ là hành động của những cá nhân riêng biệt.