(Đà Nẵng Xuân 2010) - Những tưởng năm 2009, bão táp tài chính thế giới và sóng gió thiên tai miền Trung, không đè bẹp thì cũng làm tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế Đà Nẵng... Nhưng rồi năm con Trâu nhọc nhằn vất vả khép lại trong tâm thế nhẹ nhàng phấn khởi.
GDP vẫn tăng 2 con số vượt 11,2% so với năm 2008. Các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch. Việt Nam đã thoát ra khỏi nhóm nước nghèo và có thu nhập trung bình với GDP đầu người là 1.024 đô-la/năm. Đà Nẵng còn vượt xa con số đó...
Có sống trong cảnh ngày nào cũng ngột ngạt vì kẹt xe, khói bụi, tiếng ồn, ngập nước, có thấm thía lúc nào cũng bực dọc vì tổn phí thời gian, tiền bạc, sức khỏe mới yêu quý lắm những thành tựu về xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, mới yêu thương hơn gương mặt ngày càng đẹp đẽ, tân kỳ của Đà Nẵng.
Con sông Hàn vắt ngang thành phố, những bãi biển đẹp nhất hành tinh và cả Bà Nà tiên cảnh... đâu chỉ là quà tặng của thiên nhiên mà còn mang dấu ấn biết bao công sức con người. Nhìn toàn cảnh thành phố ai chẳng thấy đây là thành quả của sự hội tụ giữa quyết sách tầm nhìn và bản lĩnh của những người lãnh đạo và tâm huyết, sự đồng thuận của đông đảo nhân dân thành phố.
Dù còn nhiều việc chưa làm tốt (mà có lẽ đến năm 2020 điều này vẫn tồn tại) thì chúng ta cũng thấy rất rõ những nỗ lực to lớn của Đà Nẵng trong bảo đảm cùng với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Không sợ những con số chẳng đẹp, không sợ thành tích bị suy giảm, Đà Nẵng đã nâng chuẩn nghèo. Đây chính là nâng cao trách nhiệm của Đảng, chính quyền và cộng đồng với việc chất lượng cuộc sống của người dân. Và thành phố “5 không”, thành phố “3 có”, những chương trình, những cuộc vận động giàu tính nhân văn như một áp lực đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết liệt hơn, rõ ràng hơn trong cuộc phấn đấu vì quyền con người, vì cuộc sống của những nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Lại thật đáng mừng, không bị trói buộc bởi những lo toan hằng ngày và bởi tư duy nhiệm kỳ, Đà Nẵng đã nhìn ra và bắt tay ngay vào những vấn đề hệ trọng trong tương lai. Một thành phố chỉ có 1.200km2 (đương nhiên là có cả huyện Hoàng Sa yêu dấu), có vị thế thuận lợi trong giao lưu quốc tế, giàu tiềm năng du lịch. Ngay từ khi mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có một cơ cấu kinh tế đẹp (nông nghiệp chỉ chiếm 8%). Cái gọi là tái cấu trúc nền kinh tế chính là nâng cao chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh, không bị mê hoặc, chi phối bởi những dự án công nghiệp cổ điển đồ sộ (sẽ làm tăng vọt GDP và các khoản thu ngân sách), thành phố đã chọn du lịch dịch vụ là mũi nhọn và quyết định xây dựng thành phố môi trường.
Năm 2010 và thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 mở ra cho Đà Nẵng một tương lai sáng đẹp. Và đây lại là lúc những nhân tố nội lực có ý nghĩa sống còn. Trận chiến đấu này, mà hình ảnh những buổi lễ khởi công hoành tráng với những chùm bóng bay rực rỡ, những đám mưa hoa giấy lấp lánh, những giai điệu rộn ràng được tăng âm cực mạnh hình như chẳng phù hợp với tính chất hết sức thầm lặng, bền bỉ mà vô cùng gian nan quyết liệt của nó.
Chúng ta thường ca ngợi sự vượt lên chính mình. Xin hiểu rằng, khẩu hiện này chỉ có ý nghĩa tích cực với những ai, những đối tượng nào ngay từ vạch xuất phát đã có sự thua thiệt, bất lợi, có thể dẫn đến buông xuôi tuyệt vọng.
Còn đối với tất cả mọi người, mọi cộng đồng, mọi quốc gia, trong thế giới hội nhập này, điều quan trọng là năng lực cạnh tranh, là không thua em kém chị, là sánh vai với các cường quốc năm châu.
Ngày hôm nay anh hơn chính anh ngày hôm qua, điều này nói chung cũng là tốt nhưng không có gì để hân hoan nhiều. Tăng tốc phát triển, chủ động hội nhập, khẩu hiệu ấy nói được chừng nào quan hệ biện chứng, giữa hai mặt của vấn đề tiến bộ so với mình và đua tranh với người.
Cách đây khoảng 400 năm, thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng vùng đất này từng được Lê Quý Đôn ca ngợi “Đoan quận công (Nguyễn Hoàng) có uy lược, xét kỹ nghiêm minh, không ai dám lừa dối, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, phép tắc công bằng, nghiêm giữ quân sĩ có kỷ luật, cấm chấp kẻ hung bạo. Quân dân hai xứ (*) đều mến yêu kính phục, thay đổi phong tục xấu, ai ai cũng cảm ơn mến đức. Chợ không có hai giá, trong dân gian không có trộm cướp, đêm không phải đóng cổng, thuyền ngoại quốc đến buôn bán, việc giao dịch phân minh, ai cũng cố gắng, toàn cõi nhân dân an cư lạc nghiệp”.
Nhắc lại chuyện này, không phải để chúng ta cùng nhau mơ ước bao giờ cho đến ngày xưa mà để cam kết cùng nhau làm thật tốt những gì mà 400 năm trước ông cha ta đã làm. Và hơn thế, với những gì đã làm và đã có, người Đà Nẵng thế kỷ 21 có thể (và rất cần) đặt cho mình những câu hỏi: Bao giờ thì Đà Nẵng sạch như Singapore? Làm gì để Đà Nẵng xanh như Hàng Châu? Làm thế nào để du lịch Đà Nẵng phồn thịnh, hấp dẫn như Ba-li, Phu-khẹt?
Những câu hỏi đó là của cuộc sống và chính là của chúng ta. Và người trả lời những câu hỏi đó bằng thực tế cuộc sống cũng đích thực là chúng ta.
Nguyễn Đình An
(*) Nguyễn Hoàng làm trấn thủ hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam