Tai nạn thảm khốc
Vào ngày định mệnh 29/12/1972, chiếc máy bay Lockheed L-1011-1 Tristar được điều khiển bởi tổ bay gồm cơ trưởng Bob Loft, một quân nhân kỳ cựu với hơn 30 năm kinh nghiệm bay, cơ phó Albert John Stockstill và kỹ sư hàng không Donald Louis ‘Don’ Repo, cùng 10 tiếp viên và 163 hành khách. Chiếc máy bay đang trên đường tới Sân bay Quốc tế Miami sau khi khởi hành từ Sân bay Quốc tế John F. Kennedy (JFK) ở New York vào lúc 9h20 tối.
Tại thời điểm đó, chiếc Lockheed L-1011-1 Tristar vốn được biết đến là một trong những chiếc máy bay hiện đại và công nghệ tiên tiến nhất và là niềm tự hào của hạm đội hàng không dân dụng nước Mỹ. Trước khi tai nạn kinh hoàng xảy ra, 163 hành khách và 13 thành viên phi hành đoàn cũng đang hân hoan, mong chờ thời khắc được tận hưởng năm mới dưới ánh mặt trời của Florida sau khi hạ cánh.
Hai tiếng sau khi cất cánh, vào lúc 11h32 phút tối, Lockheed L-1011-1 Tristar chuẩn bị hạ cánh, trong buồng lái bắt đầu phát sinh vấn đề, đèn báo hạ cánh không nháy sáng và thiết bị ở mũi phía trước máy bay đã bị khóa cứng, khiến cơ trưởng và cơ phó bị phân tâm.
Mặc dù tổ bay đã bật thiết bị bộ phận hạ cánh nhiều lần, nhưng đèn báo màu xanh lá vẫn không bật. Tín hiệu bên trong buồng lái không xác nhận cho thiết bị hạ cánh nên cơ trưởng Bob Loft buộc phải hủy việc đáp xuống sân bay, và thông báo cho Trạm Kiểm soát Không lưu (ATC) về tình huống này. ATC yêu cầu cơ trưởng giữ độ cao trong lúc tìm cách khắc phục.
Trên máy bay, tất cả thành viên tổ lái đều tập trung vào vấn đề cần giải quyết. Bật chế độ tự lái ở độ cao 800m trên khu vực đầm lầy Everglades, họ bắt tay vào công việc sửa chữa chiếc đèn bị hỏng. Lúc này, việc chiếc đèn báo hiệu hạ cánh bị hỏng khiến cả phi hành đoàn náo loạn, đến nỗi không ai nhận ra mình vừa gạt nhầm cần điều khiển, vô tình khiến tắt hệ thống tự lái.
Tồi tệ hơn, vì mải loay hoay với chiếc đèn báo, cả tổ lái không nhận ra máy bay đang hạ độ cao với tốc độ hơn 300km/h. Cho đến khi phát hiện ra, đã quá muộn để xử lý tình huống.
Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), chiếc máy bay mang số hiệu 401 của hãng Eastern Airlines đâm xuống vùng đầm lầy Everglades, bang Florida. Phần thân chính của máy bay bị vỡ tan thành 4 phần, cả một vùng đầm lầy tối tăm rực sáng một góc trời vì vụ nổ. “Chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn, nhiên liệu rò rỉ tràn làn khắp nơi.
Chỉ có 75 người sống sót. 101 người thiệt mạng, trong đó cơ phó Stockstill tử nạn ngay tại chỗ. Cơ trưởng Bob Loft ban đầu vẫn sống sót, nhưng trước khi được nhóm cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát, ông đã qua đời. Kỹ sư Don Repo sống sót trên đường tới bệnh viện, song do bị thương quá nặng nên cũng không thể thoát nạn. Thảm họa của chuyến bay này vẫn là một trong những điều tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không Mỹ”, báo cáo của NTSB cho biết.
Những câu chuyện ma mị
Mọi chuyện không dừng lại tại đây, sau vụ tai nạn tàn khốc, hàng loạt những câu chuyện ma mị bắt đầu xuất hiện. Những người may mắn sống sót liên tiếp gặp phải những câu chuyện kỳ lạ về hồn ma của những người đã chết trong chuyến bay xấu số.
Đầu tiên, ngay tại hiện trường vụ tai nạn, nhân viên cứu hộ quanh khu vực này cho rằng thỉnh thoảng nhìn thấy hơn 20 “bóng ma” vẫn lảng vảng. Trong đó có “hồn ma” cơ trưởng Bob Loft từng xuất hiện trước một tiếp viên cùng tổ lái trong vụ rơi máy bay và nói rằng: “Sẽ không có tai nạn như vậy xảy ra nữa đâu, chúng tôi sẽ không cho phép chuyện này xảy ra một lần nữa”.
Thời gian sau đó, một số bộ phận còn nguyên vẹn của máy bay xấu số được sử dụng, lắp ráp trên các máy bay khác của hãng Eastern Airlines. Cũng từ đây, nhiều chuyện bí ẩn liên tiếp xảy ra, hiện tượng dị thường liên tiếp xảy ra trên các chuyến bay khác nhau của L-1011.
Hầu hết tất cả những lần được thuật lại đều là “hồn ma” của Robert Loft và Don Repo xuất hiện. Các nhân chứng nói rằng, hình ảnh của họ vô cùng sống động và chân thực, giống như hình hài bằng xương thịt thật sự.
Tổ bay từ trál qua phải: Cơ trưởng Bob Loft, cơ phó Albert John Stockstill and kỹ sư hàng không Donald Louis Repo. |
Cụ thể, tiếp viên trong một chuyến bay L-1011 đã kể lại rằng, “hồn ma” của một phi công đã xuất hiện giữa chuyến bay cảnh báo cô về một ngọn lửa sắp bùng lên trong cabin. Và lời cảnh báo đó đã xảy ra vào ngày hôm sau.
Hay câu chuyện của Phó chủ tịch của Eastern Airlines trong một lần bay tới Miami vào năm 1973. Vì là khách VIP nên ông được ngồi ở khoang hạng nhất gần buồng lái. Khi di chuyển về chỗ ngồi của mình, ông nhìn thấy một phi công nên đã tiến tới nói chuyện.
Sau một hồi, ông nhận ra người mình đang nói chuyện là Bob Loft sợ suýt té xỉu. Sợ rằng có điểm báo xấu nào đó với chuyến bay nên ông đã yêu cầu kiểm tra kỹ lưỡng tất cả mọi thứ. Rất may chuyến bay đã hạ cánh an toàn cho đến phút cuối.
Một vài tháng sau đó, một phi hành đoàn tại sân bay JFK đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cơ trưởng Bob Loft ngồi trên boong máy bay. Ban đầu họ vẫn nói chuyện bình thường, cho đến khi nhận ra đó là Bob, “bóng ma” cũng biến mất. Chuyến bay bị hủy ngay sau đó vì quá hoang mang và lo sợ.
Hãng hàng không bị ám ảnh nhất thế giới
Thông thường trước khi thực hiện một chuyến bay, các kỹ sư máy bay sẽ tiến hành kiểm tra một lượt trước khi cất cánh. Vào một ngày đẹp trời, trong khi thực hiện công việc của mình như mọi khi, một kỹ sư máy bay đã choáng váng khi nhìn thấy Donald Luis Repo đi loanh quanh nơi gầm máy bay. Thậm chí anh còn nghe thấy Repo nói bên tai rằng: “Cậu không cần phải lo lắng về chuyến bay, tôi đã kiểm tra kỹ, tất cả đều an toàn”.
Một phi công khác lại kể có lần, anh đã hoang mang, lo lắng đến cực độ vì nghe thấy những tiếng gõ bất thường phía bên dưới khoang lái vọng lên. Nghi ngờ máy bay hoặc hệ thống điều khiển gặp sự cố, anh đã mở cửa buồng máy để kiểm tra. Cuối cùng, anh bàng hoàng mặt đối mặt với Don Repo. Từ bất ngờ anh chuyển sang sợ hãi khi Repo biến mất ngay trước mặt anh.
Những câu chuyện ma mị ngày càng trở nên ly kỳ hơn. Một hành khách nữ kể lại bà đã nhìn thấy ai đó với nước da tái mét, xám xịt ngồi trên ghế máy bay, bất động và không có bất kỳ phản ứng nào. Bà lo lắng trước biểu hiện lạ kỳ của người này nên đã gọi tiếp viên tới để tìm hiểu thêm. Thế nhưng, người đàn ông kia biến mất ngay trước mắt bà và cả những hành khách khác.
Nữ hành khách hoảng sợ đến nỗi các thành viên tổ bay phải dùng vũ lực kiềm chế cho đến khi bà bình tĩnh trở lại. Họ cho bà xem ảnh của vài nhân viên hãng hàng không để nhận diện và bà chọn ra Don Repo, người đã chết trong tai nạn máy bay ngày 29/12/1972.
Những câu chuyện trên chỉ là vài ví dụ trong hàng loạt vụ được cho là chạm trán “hồn ma” Loft và Repo của phi công, tiếp viên, hành khách và Phó Giám đốc điều hành hãng hàng không Eastern Air Lines. Các nhà điều tra cũng đã tiến hành tìm hiểu những hiện tượng tâm linh này, song sau đó bị hãng Eastern Airlines từ chối hợp tác.
Điều thú vị là, trong khi từ chối và tránh đề cập bất kỳ chủ đề nào liên quan đến hồn ma, hãng Eastern Airlines âm thầm loại bỏ tất cả các bộ phận đã lấy từ chuyến bay số hiệu 401. Ngay sau khi các bộ phận ấy bị loại bỏ ra khỏi những chiếc máy bay khác, người ta không còn nghe hay nhìn thấy hiện tượng kỳ bí kể từ đó.
Năm 1991, hãng Eastern Airlines phá sản. Mặc dù không còn tồn tại nữa, nhưng di sản mà Hãng để lại chính là danh hiệu Hãng hàng không bị ám ảnh nhất thế giới.