Những tấm gương sáng
Thời gian qua, những người có uy tín ở huyện Thuận Châu đã không quản ngại khó khăn, vất vả, đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc; hòa giải những mâu thuẫn phát sinh... Họ tiếp thêm tình gắn bó cộng đồng bền chặt, giúp người dân xích lại gần nhau, xây dựng cuộc sống đầm ấm, yên vui.
Tại xã vùng cao Long Hẹ (huyện Thuận Châu), ông Vàng Dúa Di, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ bản Chà Mạy không chỉ là cán bộ bản mà còn là người có uy tín được bà con tín nhiệm, tin yêu.
Người đàn ông rắn rỏi, nhanh nhẹn, khuôn mặt cương nghị, nước da rám nắng, năm nay 62 tuổi, gắn bó cả đời với vùng cao nên từng chứng kiến nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống đồng bào mình. Ông bảo: “Trước đây, người dân trong bản sống di cư tự do, tảo hôn, trồng cây thuốc phiện; tồn tại nhiều hủ tục như thách cưới cao ít nhất 10-20 đồng bạc trắng, người chết để trong nhà 4 - 5 ngày, mỗi ngày mổ 1 con bò hoặc trâu để làm ma, rất tốn kém. Nhiều gia đình không có tiền phải vay mượn mua trâu bò, có khi cả đời con mới trả hết nợ, cái vòng nghèo đói luẩn quẩn hết đời này sang đời khác...”.
“Tôi nghĩ, mình phải làm cái gì đó để giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, mà muốn được như vậy mình phải là người đi trước, làm trước mới vận động được bà con làm theo”.
Ông Di đến vận động trưởng các dòng họ, đến từng nhà tuyên truyền vận động. Ban đầu bà con trong bản không ai dám thay đổi tục lệ, sợ người trong dòng họ, sợ tổ tiên quở trách. Ông Di đã gương mẫu thực hiện trước trong gia đình. Khi con gái đi lấy chồng, gia đình ông không thách cưới, chỉ lấy 500 nghìn đồng và tổ chức cưới gọn nhẹ. Khi gia đình có người qua đời, ông Di họp gia đình, thống nhất tổ chức đám tang theo nếp sống văn minh, đưa người mất vào áo quan, để trong nhà không quá 2 ngày...
Bà con dân bản thấy việc cưới, việc tang trong gia đình vừa tiết kiệm, đảm bảo sức khỏe và bảo vệ môi trường nên các dòng họ, gia đình cũng làm theo. Điều mừng hơn là người dân trong bản không còn di cư tự do, yên tâm lao động sản xuất trên quê hương mình.
Tương tự, ông Lò Văn Lợi, ở bản Quỳnh Châu (xã Phổng Lái, Thuận Châu) cũng có những hành động xứng đáng là người uy tín được bà con dân bản tín nhiệm. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò tiên phong, ông Lợi tham gia vận động bà con dân bản hiểu lợi ích của xây dựng nông thôn mới, lợi ích của việc hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông.
Trước tiên, ông Lợi tự nguyện chặt cây, hiến 400m2 đất làm đường. Thấy vậy, nhiều hộ trong bản đã noi gương, cũng tích cực tự nguyện tham gia hiến cùng nhiều hoa màu trên đất. Giờ đây, đường vào bản được bê tông sạch đẹp, rộng rãi, thuận lợi cho người dân đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển sản xuất.
Ngoài những người tiên phong, dám nghĩ, dám làm như ông Di, ông Lợi, ở huyện Thuận Châu còn hàng trăm người có uy tín khác, là những người dẫn đường chỉ lối cho bà con làm theo cái hay, cái tốt.
Phát huy vai trò người uy tín
Thời gian qua, những người uy tín đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tham gia hòa giải, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp mẫu thuẫn, phát sinh trong cộng đồng; phát giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là những hành vi liên quan đến trồng cây thuốc phiện, truyền đạo trái phép, di cư tự do… góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Nhiều người có uy tín cũng là những người tiên phong trong phát triển kinh tế. |
Theo thống kê, huyện Thuận Châu hiện có 381 người có uy tín, gồm: Già làng, bí thư chi bộ, trưởng bản, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi... được người dân trong cộng đồng suy tôn, tín nhiệm. Trong số họ, nhiều người tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt huyết tham gia công tác ở cơ sở, là cầu nối quan trọng giữa người dân với cấp ủy, chính quyền trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Xuân Hoang, Phó Chủ tịch huyện Thuận Châu, cho biết: Với vốn hiểu biết, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa các dân tộc, người có uy tín giữ vai trò quan trọng trong việc vận động người dân giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tích cực vận động con cháu trong dòng họ đến lớp, đến trường học tập, tham gia xây dựng quỹ khuyến học, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, góp phần nâng cao hiểu biết và trình độ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, trong số 381 người có uy tín trên địa bàn huyện, có 94 người uy tín là đảng viên. Số lượng người uy tín là bí thư chi bộ kiêm trưởng bản ngày một tăng trong những năm gần đây, cho thấy các đảng viên đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, là hạt nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở cơ sở.
Có thể nói, người có uy tín như những cánh chim đầu đàn dẫn dắt người dân trong các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số luôn vững tin theo Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.