Ít ai biết rằng, đằng sau những tấm huy chương vàng đó là những ngày khổ luyện gian lao và thi đấu miệt mài của các vận động viên ( VĐV) - những người đã đưa Quốc ca Việt Nam vang lên tại những sân chơi đỉnh cao.
Hậu phương vững vàng của cử tạ khuyết tật Lê Văn Công
Người mà tôi muốn nhắc đến đầu tiên không phải VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh - cái tên quá lẫy lừng mà là VĐV khuyết tật Lê Văn Công. Chiến thắng của anh tại Paralympics ở Rio de Janeiro, Brazil quả là vĩ đại cho một con người vượt qua chính mình.
Lê Văn Công (32 tuổi) sinh ra tại Hà Tĩnh, bị chứng tóp teo chân từ nhỏ do mẹ bị sốt xuất huyết trong thời gian mang thai. Năm 2005, anh vào TP HCM học ngành kỹ thuật điện tử, làm đủ nghề để mưu sinh như mộc, đánh máy thuê… Cuộc sống càng khó khăn vất vả hơn khi đi xin việc mà không được nhận vì là người khuyết tật..
Thế nhưng, rạng sáng 9/9 (giờ VN), VĐV Lê Văn Công đã giành HCV và phá kỷ lục hạng cân 49 kg nam môn cử tạ tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympics ở Rio de Janeiro, Brazil. Đây là tấm huy chương đầu tiên của Thể thao Việt Nam tại các kỳ Paralympics, kể từ khi bắt đầu tham dự năm 2000.
VĐV khuyết tật Lê Văn Công |
Trước khi lên đường thi đấu, con trai của anh Lê Tuấn Anh đã động viên: “Con mới đạt điểm 10 ở trường, bố ráng phấn đấu giành HCV nhé”. Câu nói ấy đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho đô cử sinh năm 1984, quê Hà Tĩnh. Ít người biết rằng trong lúc thi đấu, vai của Lê Văn Công vẫn hay bị nhói đau bởi vết thương từ tai nạn giao thông cách đây 5 năm.
Vợ Công làm nghề may vá, nhưng đã nghỉ làm chăm con thứ hai, gia đình nhỏ có một ngôi nhà nhỏ ở tận Long An nên Công phải đi xe máy tới 2 tiếng đồng hồ tới chỗ tập luyện. Thu nhập gia đình trông cậy vào Công từ các mức tiền thưởng. Với những VĐV khuyết tật thể thao, đây là sự động viên rất lớn cả về kinh tế lẫn cơ hội cho chính mình.
Chị Chu Thị Tám, vợ của lực sỹ Lê Văn Công bày tỏ cảm xúc: Rạng sáng 9/9 (giờ VN) chị cùng mẹ ruột của mình xem chồng thi đấu qua chiếc điện thoại. Do hai con nhỏ còn đang ngủ, chị phải ra ngoài hiên ngồi xem từ đầu đến cuối. Lúc chồng mình giành HCV, chị cố kìm nén cảm xúc để không la lớn bởi xung quanh hàng xóm đều đã ngủ say. Một hạnh phúc lớn lao nhưng thầm kín.
Trong Thư gửi VĐV Huy chương Vàng Paralympics Lê Văn Công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Nỗ lực vượt bậc của vận động viên Lê Văn Công góp phần cổ vũ, động viên mọi người dân, nhất là người khuyết tật tích cực tham gia tập luyện thể dục thể thao, hoà nhập với cộng đồng, vươn lên làm chủ cuộc sống”.
Phát súng “chấn động địa cầu”
Khác với VĐV Lê Văn Công, VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh là cái tên quen thuộc với thể thao Việt Nam (TTVN), anh đã giành quá nhiều HCV giải đấu trong nước và khu vực. Anh cũng đã có nhiều thất bại mà tưởng chừng không phải đợi đến bây giờ khi anh bước sang tuổi 41, tấm HCV Olympic mới thuộc sở hữu của anh.
Bóng đá hay những môn điền kinh khác thì chúng ta khó có được HCV Olympic nhưng với bắn súng thì chúng ta kỳ vọng vào Hoàng Xuân Vinh, một người đầy kinh nghiệm trận mạc. Một người mà ngưỡng cửa vinh quang rất gần nhưng đã khép lại bao lần.
VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh |
Rạng sáng ngày 7/8/2016, xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh đã làm nên đại chiến công hiển hách cho thể thao Việt Nam với tấm HCV Olympic - tấm HCV thế vận hội đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam, đồng thời phá kỷ lục thế vận hội.
Thời khắc lịch sử Hoàng Xuân Vinh bắn phát đạn “ấn định” chiến thắng ngọt ngào với số điểm 202,5 điểm ở nội dung 10m súng hơi. Tất cả những người chứng kiến bàng hoàng, thậm chí chưa tin vào những gì mình vừa nhìn thấy. Con người nhiều trải nghiệm chiến thắng và thất bại đã khóc cho chiến thắng anh chờ đợi mỏi mòn cũng như khát khao của TTVN có được tấm HCV Olympic.
Tôi không thể có thêm mỹ từ nào để viết về anh, tên của anh sẽ là nguồn cảm hứng cho thế hệ tiếp nối, không chỉ trong thể thao mà nhiều công việc khác. Sự bền bĩ luôn là yếu tố hàng đầu để đi đến thành công.
VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên |
Một năm tuổi trẻ của “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên
Khác với VĐV gạo cội như ở trên, Ánh Viên quá trẻ, thành công đến sớm và cũng có thất bại. Nhưng với người trẻ như vậy là chuyện thường, nó như là trải nghiệm cho em trên con đường chinh phục đường đua xanh. Được ví là “tiểu tiên cá”, Ánh Viên vẫn luôn là kỳ vọng lớn cho TTVN ở đấu trường quốc tế.
Năm 2016 là một năm có thể coi là “ thất bại” đối với Ánh Viên, vì phong độ và đẳng cấp của em đã có được hơn hẳn với những gì em thể hiện trong năm nay. Nhưng với người trẻ tuổi như em “thất bại là mẹ thành công”.
“Olympic 2016 này là thất bại của em và em sẽ cố gắng không lặp lại. Em muốn nói lời xin lỗi người hâm mộ vì làm không tốt phần thi của mình”.
Khi được hỏi về kế hoạch tiếp theo, Ánh Viên trả lời: “Em sẽ tiếp tục tập luyện để cải thiện thành tích. Phía trước sẽ là giải vô địch châu Á và tiếp theo là giải vô địch thế giới”.
Một năm nhiều chơi vơi, nhưng với người trẻ chả có gì là không thể thay đổi, chinh phục những đường đua mới ở những giải đấu sắp tới là thử thách của em. Chúng ta vẫn tin tưởng Ánh Viên sẽ viết nên những kỷ lục mới và tấm HCV mà em chờ đợi sẽ được em nắm giữ. Tấm gương của những người anh như Hoàng Xuân Vinh, Lê Văn Công sẽ là động lực cho em vững vàng trong những cuộc chinh phục tiếp theo.
Bài báo nhỏ bé của tôi không thể nhắc hết được tên của các VĐV đang tập luyện, thi đấu cho thể thao nước nhà, từ VĐV bơi lội trẻ tuổi Ánh Viên, đội tuyển bóng đá Nữ, Nam, các VĐV điền kinh, bóng bàn, cầu lông, thể dục dụng cụ…Họ tiếp tục con đường khắc nghiệt của mình để mong một ngày tên mình được xướng vang trên đấu trường quốc tế, quốc ca hùng tráng lại hát vang “…Tiến lên, cùng tiến lên. Nước non Việt Nam ta vững bền” ( Văn Cao)