Những bé gái bị đánh cắp tuổi thơ ở Nepal

(PLO) - Dù đã bị luật pháp cấm nhưng truyền thống bán con cho các gia đình giàu có vẫn khá phổ biến tại Nepal. Những bé gái nhiều mới chỉ 6 tuổi đã trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành và lạm dụng tình dục sau khi bị đưa đến nhà chủ.
Cô bé 9 tuổi Manjita Chaudhary chưa từng qua đêm xa nhà cho đến khi bị cha ruột bán cho một cảnh sát viên người Nepal với giá 25 USD. Sau đó, đứa trẻ bị buộc phải rời gia đình ở miền Tây tới nhà của người chủ ở gần biên giới Ấn Độ, cách nhà cô khoảng 200km. Cuộc sống khổ cực của Chaudhary chính thức bắt đầu từ đó. 
Mỗi ngày, cô bé phải dậy từ 4h, lau chùi nhà cửa, rửa bát đĩa, nấu ăn rồi đến nhà của những người anh em của ông chủ để làm các công việc tương tự cho đến khi chìm vào giấc ngủ ngắn ngủi lúc nửa đêm. “Tôi không thể làm xuể được công việc, vì thế bà chủ thường xuyên dùng nồi và chảo để đánh tôi. Bà ấy còn dọa sẽ bán tôi cho một người đàn ông khác. Tuy rất sợ,  nhưng tôi thậm chí còn không được khóc trước mặt họ mà phải lén lút khóc thầm trong nhà tắm” - Chaudhary, hiện 22 tuổi, kể lại. 
Cô Chaudhary. Ảnh: Internet
Cô Chaudhary. Ảnh: Internet  
Khi gặp lại cha một năm sau đó, Chaudhary đã cầu xin ông cho trở về nhà nhưng cha cô – vốn là một phu bốc vác tại kho hàng – nói rằng ông không thể nuôi nổi cô hay em gái của cô. Em gái của Chaudhary cũng bị bán làm người giúp việc cho một gia đình khác. 
Chaudhary là một trong rất nhiều bé gái bị ràng buộc bằng giao kèo “kamlari” ở Nepal. Mỗi năm, vào tháng Giêng, khi cộng đồng người Tharu ở Nepal tổ chức lễ Maghi để đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, các gia đình người Tharu nghèo khó cũng đồng thời ký những hợp đồng với giá trị chỉ khoảng 2.500 rupee (25 USD) một năm để những gia đình khác đem con về nhà và “tùy ý sử dụng”. Các em có thể trở thành nạn nhân trong các vụ đánh đập hay bạo lực tình dục khi bị giữ trong những nhà tù ảo do người chủ lập ra.
Thực trạng bất hợp pháp này đang lan tràn tại Nepal, nơi cảnh tượng những đứa trẻ bị buộc phải làm trong các cửa hàng, nhà riêng hoặc thậm chí là những công trường xây dựng diễn ra khá phổ biến. Một thế kỷ trước, người Tharu được sở hữu các cánh đồng của họ và sống ở vùng đồng bằng tương đối cô lập Terai. Song, khi bệnh sốt rét lan tràn tại khu vực này vào năm 1960, người Tharu đã bị những nông dân thuộc tầng lớp cao hơn chiếm đất và trở thành nông nô mắc nợ trên chính mảnh đất của họ. Nhiều người, giống như cha mẹ nghèo khó của Chaudhary, đã bán con gái của họ làm nô lệ trong nhà, từ đó tạo ra truyền thống kamlari. 
Mặc dù truyền thống kamlari có nguồn gốc từ vùng đồng bằng phía Tây Nam Nepal nhưng các nhà hoạt động nói rằng thực trạng này hiện lại đang tồn tại với sự bảo trợ của các gia đình giàu có tại thủ đô của nước này. Ông Kamal Guragain – chuyên gia về pháp lý tại tổ chức phi lợi nhuận Nhân quyền và các dịch vụ xã hội cho trẻ em – phụ nữ Nepal) - ước tính, nước này hiện có khoảng 1.000 em bé trở thành nạn nhân của truyền thống kamlari, trong đó có đến một nửa đang làm việc tại Kathmandu.
Kể từ năm 2006, truyền thống này đã bị cấm nhưng cho đến nay nó vẫn tồn tại dai dẳng trên khắp đất nước này. Đến nay, chưa có bất kỳ chủ nhà nào bị phạt vì thuê mướn hay đối xử tệ với kamlari, dù ông Guragain đã nộp hồ sơ nhiều vụ việc và yêu cầu nhà chức trách truy tố các đối tượng vi phạm cũng như bồi thường cho các nạn nhân. “Kamlari vẫn tồn tại vì những người chủ lao động không bị tống giam hay bị truy tố dù họ đang vi phạm luật pháp” – ông Guragain nói. 
Sau vụ việc một kamlari 12 tuổi tử vong vì bị bỏng trong lúc làm việc tại nhà chủ hồi tháng 3 năm ngoái, các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại nhiều địa phương ở Nepal, buộc Chính phủ phải tuyên bố sẽ có các hành động mạnh mẽ để chấm dứt thực trạng này. Các nhà hoạt động nói rằng, gần một năm đã trôi qua nhưng những thay đổi vẫn còn rất hạn chế. 
Trở lại câu chuyện của Chaudhary, trong suốt 3 năm làm kamlari, cô đã phải chịu sự quấy rối tình dục và hành hạ về thể xác. May mắn thay, cô đã được một số nhà hoạt động tại Quỹ Tuổi trẻ Nepal giải cứu. Tổ chức này đã tiếp cận cha cô và hứa sẽ hỗ trợ nuôi dưỡng cũng như tạo điều kiện cho các con gái của họ đi học nếu họ đồng ý chấm dứt hợp đồng cho thuê con. Ở tuổi 12, Chaudhary đã được học đọc và viết. 
Hiện nay, cô đã có một công ty may mặc riêng khá thành công. Song, những vết thương từ thời thơ ấu vẫn còn ám ảnh trong tâm trí cô. Cô cũng là một người tích cực vận động cho việc chấm dứt truyền thống kamlari ở Nepal. “Tôi đã bị đánh cắp tuổi thơ. Đó là quãng thời gian vô cùng kinh khủng và tôi sẽ làm mọi thứ có thể để chấm dứt tình trạng này, để giải phóng cho các bé gái” – cô nói.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.