Nước ối có vai trò như một chất đệm, chất dinh dưỡng, bảo vệ và giúp thai nhi phát triển. Những bất thường về nước ối có thể gây ra biến chứng khó lường, làm tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con.
ThS. BS Đặng Lê Dung Hạnh, BV Hùng Vương cho biết: "Trong giai đoạn đầu, nước ối được hình thành do sự thẩm thấu của huyết thanh mẹ, hoặc thẩm thấu từ huyết thanh con qua da thai nhi (giai đoạn này da thai nhi chưa bị sừng hóa nên nước có thể thẩm thấu qua da)".
Khi thai được 10-12 tuần tuổi, nước ối được hình thành do nước tiểu tiết ra từ thận và dịch phổi của thai nhi. Dịch ối đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động của đường tiêu hóa. Một điều cần lưu ý là thai càng già tháng thì dịch ối càng ít đi, dễ nhầm lẫn với biến chứng thiểu ối.
Lượng nước ối có thể ước lượng qua siêu âm được tính bằng cách chia khoang bụng mẹ làm bốn, đo khoang ối lớn nhất (cm) ở từng phần rồi cộng lại. Các bà mẹ cũng có thể nhận biết sự bất thường của nước ối qua việc tự sờ nắn bụng.
Bất thường về nước ối
Bất thường về nước ối có rất nhiều dạng: bất thường về khối lượng hay chất lượng nước ối, bất thường diễn ra cấp tính hay mạn tính, bất thường do sinh lý hay bệnh lý... Trong những trường hợp vừa nêu thì tình trạng thiểu ối, đa ối là hai tình trạng thường mắc phải và biến chứng khó lường, có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con.
Thiểu ối: Được nhận biết qua siêu âm khi khoang ối lớn nhất nhỏ hơn 20mm. Bà mẹ mang thai có thể tự mình nhận biết khi thấy bụng nhỏ hơn tuổi thai. Tuy nhiên cách này không chính xác vì trường hợp thai suy dinh dưỡng, bụng chắc hay mẹ gầy thì cũng có dấu hiệu tương tự. Khi thai già tháng hay mẹ thiếu nước là nguyên nhân sinh lý gây ra thiểu ối. Một số nguyên nhân bệnh lý như rối loạn biến dưỡng, bệnh lý mạch máu ở mẹ hay em bé không có thận, thiểu sản thận, tắc nghẽn đường tiết niệu do thiểu ối khiến thai suy dinh dưỡng và nhẹ cân.
Thiểu ối dẫn đến thai nhi bị biến dạng chi, biến dạng cơ mặt. Thiểu ối nếu tiến triển đến vô ối có thể dẫn đến thai chết lưu. Khi người mẹ chuyển dạ, thiểu ối có thể gây chèn ép rốn nặng dẫn đến tử vong thai nhi. Thiểu ối còn làm rối loạn cơn gò đối với người mẹ khiến cuộc chuyển dạ trở nên khó khăn. Khi bà mẹ được xác định thiểu ối, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân cũng như đánh giá mức độ, diễn tiến, hậu quả để có những bước xử lý.
Có trường hợp phải chấp nhận bỏ thai vì thai có bệnh lý trầm trọng và tuổi thai không cho phép giữ. Nếu giữ không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ lẫn thai nhi. Một số giải pháp làm tăng lượng nước ối bằng cách uống nước, truyền nước vào buồng ối. Biện pháp này chỉ áp dụng trong thời gian chờ tuổi thai phát triển và nuôi sống được nếu lấy ra sớm.
Đa ối: Sản phụ sẽ thấy bụng to hơn bình thường, nhất là đối với đa ối cấp. Sản phụ sẽ thấy bụng to hơn tuổi thai, sờ vào các phần thai, nghe tim thai khó khăn. Đa ối thường gặp ở thai non tháng, đa thai, bệnh lý về đường tiêu hóa hoặc hệ thần kinh.
Đa ối dẫn đến những nguy cơ cho thai nhi như sa dây rốn khi chuyển dạ, tử vong hay bệnh tật sau sanh non. Đối với bà mẹ đa ối cấp có thể gây chuyển dạ sanh non, khó thở; đa ối mạn gây băng huyết sau sanh và nhau bong non. Bác sĩ chuyên khoa có thể kéo dài tình trạng này bằng cách dẫn lưu ối để cứu cả mẹ lẫn con.
BS Hạnh cho biết thêm: một biến chứng có thể nói là nguy hiểm nhất đối với bà mẹ mang thai chính là thuyên tắc ối. Đây là tình trạng nước ối hiện diện trong tuần hoàn của mẹ, làm cho sản phụ tắc mạch, suy tuần hoàn và hô hấp cấp tính. Bệnh tuy hiếm gặp nhưng có ảnh hưởng nặng nề, hơn 50% trường hợp tử vong. Thuyên tắc ối không có yếu tố báo trước nguy cơ cũng như không có cách dự phòng.