Định kiến “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Nhưng với Phương thì bà cô bên chồng chính là người mà cô cảm thấy gần gũi, tin tưởng nhất.
“Hóa ra, chẳng phải “giặc bên Ngô” nào cũng khó tính như mình tưởng”. Trang nghĩ thầm (Ảnh minh họa) |
“Giặc bên Ngô” mà Phương muốn nói tới là người phụ nữ trung niên, đảm đang, tháo vát. Trong gia đình, chị lo lắng, quan tâm chu đáo mọi chuyện, chăm chút từ món ăn, hy sinh việc học hành của cá nhân để đi làm kiếm tiền nuôi các em ăn học đến nơi đến chốn.
Bài học đầu tiên Phương được chị chồng răn dạy là việc… bếp núc. Vốn không thạo nấu nướng, cô làm gì cũng lóng ngóng, khiến chị chồng phải hướng dẫn tỉ mỉ từng tí một. Nghe chị chồng chỉ bảo nhẹ nhàng, ngày nào cũng xuống bếp phụ mình, Phương dần thay đổi suy nghĩ.
“Không ngờ giặc bên Ngô cũng… hiền lành, bao dung, không như mình nghĩ. Thậm chí, khi mình có bầu, “giặc bên Ngô” mua món này món kia cho mình. Cứ nghe ai nói món gì tốt cho bà bầu thì “giặc bên Ngô” đều đi mua cho bằng được, khi thì trứng ngỗng, khi thì cua... Sữa cho bà bầu cứ gần hết hộp cũ là có ngay hộp mới. Nghe tin mình phải sinh mổ, “giặc bên Ngô” lại cuống cuồng lo tìm bệnh viện, chuẩn bị những gì tốt nhất cho cuộc vượt cạn của em dâu được suôn sẻ”.
Vốn xuất thân là một cô gái tỉnh lẻ ở miền núi rừng Tây Bắc, về Hà Nội học đại học, Trang yêu và lấy Bình làm chồng. Gia đình Bình lại là người gốc Hà Nội. Ngôi nhà 4 tầng ở giữa phố Hai Bà Trưng, Hà Nội luôn ngập tràn không khí vui vẻ, tiếng nói, tiếng cười ríu rít của các thành viên trong gia đình.
Ban đầu, Trang cũng tự ti nhiều lắm, vì lấy chồng là người thành phố, mang tiếng thích dựa dẫm gia đình nhà chồng. Nhưng ngay từ lần đầu gặp mặt gia đình nhà Bình, cảm giác xa lạ trong cô gần như tan biết. Đến khi chính thức làm dâu, Trang thấy mình thật sự may mắn và hạnh phúc.
Trong gia đình nhà chồng, mỗi người mỗi việc, nhưng Trang thấy cuộc sống thật ấm áp vì mọi người luôn giúp đỡ lẫn nhau từ những việc nhỏ nhất. Thấy Trang quét dọn, lau nhà, các em cô cũng xắn tay vào giúp, hỏi han, tâm sự với cô đủ chuyện…
Trang cũng tâm sự với các em và khuyên nhủ chúng bằng cả tấm chân tình của mình. Có điều gì chưa hiểu về bố mẹ như sở thích, thói quen… Trang lại hỏi các em chồng. Cứ như vậy, tình cảm chị dâu, em chồng trong gia đình Trang thật đầm ấm.
“Có lần, do vội vàng đi làm vì sợ trễ cuộc họp với sếp vừa từ Sài Gòn ra, tôi bước xuống cầu thang vô tình làm vỡ chiếc bình rất quý của mẹ chồng để ở bậc tam cấp. Buổi tối, chờ lúc mẹ vui, tôi chủ động xin lỗi mẹ chuyện chiếc bình. Vừa nhắc đến chiếc bình, mẹ chồng đã vui vẻ nói: “Các em nó nói với mẹ rồi, chúng nó lớn người mà cứ hay đùa nghịch, mẹ giả vờ mắng cho một trận, thôi để lần khác mẹ bảo bà bạn tặng chiếc khác, vì nhà bác ấy ở bên Bát Tràng, nhiều bình còn đẹp hơn!”.
Cô ngỡ ngàng quay sang nhìn các em, thấy cả hai cô em nhoẻn miệng cười, rồi thì thầm với chị: “Mẹ tưởng chúng em làm vỡ đấy, bọn em nhận thay chị rồi”. Trang thấy trong lòng mình lấp lánh niềm vui, như tìm được thêm những người bạn, những “đồng minh” yêu quý.
“Hóa ra, chẳng phải “giặc bên Ngô” nào cũng khó tính như mình tưởng”. Trang nghĩ thầm.