Anh Bảo (34 tuổi, kỹ sư có khí) ấm ức: ’Đi đâu, vợ tôi cũng kể chuyện ngày xưa gia đình cô ấy chê tôi vì tôi ‘xí trai quá’. Đúng mình gầy gò, xấu trai thật nhưng cứ thấy vợ kể chuyện như thương hại thế mà tức’.
Những lúc như vậy, anh Bảo nhăn nhó: “Đừng bảo anh xấu trai nữa” thì vợ xuề xòa: “Em trêu tý mà dỗi à? Em đồng ý lấy anh là em đã coi trọng anh hơn những chàng trai khác rồi”. Biết vợ không có ý khinh thường mình nhưng nghe vợ thao thao: “Lúc ấy chẳng muốn cưới anh Bảo vì sợ con mình sau này cũng xấu trai như bố” là anh lại chạnh lòng.
Còn anh Nam (quận 1, TP HCM) mê nhất món thịt kho tàu nhưng vợ anh ghét cay đắng món này. "Đề xuất món thịt kho tàu là vợ tôi giãy lên phản đối rồi chê bai đủ đường nào là ‘toàn mỡ’, bổ béo gì’, ‘anh bụng to thế mà còn hám mỡ à?’ hoặc có khi là: ‘Thích món ăn Tàu, sao không lấy vợ Tàu?’...” – Anh Nam hậm hực.
(Ảnh minh họa) |
Bị vợ thoái thác nhiều, anh Nam nản chí. Tuy thôi không đòi hỏi nhưng trong lòng anh vẫn ức vợ. Hôm nào thèm quá, anh Nam chọn cách ra hàng ăn cho “đỡ nhức đầu”. Một lần, anh Nam mua một suất thịt kho tàu về cho cô con gái 3 tuổi cùng ăn, vợ anh trông thấy, gặt phăng món ăn vào thùng rác, miệng không ngớt cằn nhằn.
Anh Nam thở dài: “Người ta nói tình yêu của đàn ông thông qua cái dạ dày. Vì vợ ghét món thịt kho tàu nên cái dạ dày của mình như ngừng hoạt động ... một nửa”.
Với anh Hoàn (36 tuổi, Hà Nội), nỗi ấm ức của anh là hay bị vợ “cướp công”. “Tôi làm cật lực, tích cóp từng đồng để mua đất, xây nhà... Vậy mà vợ tôi hơi tý là ca bài: ‘Không nhờ bố mẹ em thì anh đâu có được ngày hôm nay?’. Ý là vì ngày xưa bố mẹ vợ lo cho tôi một ‘chỗ ấm’ ở bộ lớn”.
Anh Duy (Hải Phòng) có tâm trạng khác. Cưới vợ gần 6 tháng, tháng nào anh Duy cũng thành thật “khai báo” lương thưởng và góp vào quỹ vợ. Đến khi có mấy anh bạn cùng Đại học đến chơi, anh Duy muốn vợ đưa tiền ra hàng đãi bạn nhưng vợ anh lạnh lùng: “Không có”. Những lần sau đó, muốn xin vợ dù chỉ một đồng, anh phải trình bày lý do mà lý do chính đáng mới được vợ “duyệt”. Còn chuyện đãi bạn thì vì nguyên nhân gì, vợ anh cũng nhất mực từ chối.
“Giá vợ tôi tâm lý hơn một chút thì tôi cũng không đến nước xấu mặt thế này đâu. Nào mình có hoang phí ném tiền qua cửa sổ đâu. Chỉ là xã giao bình thường cũng bị vợ cản” – anh Duy chán nản nói. Anh Duy bảo, lần xin tiền vợ không thành, anh Duy dỗi, quyết “chiến tranh lạnh”. Vợ anh không vừa, cũng mặt nặng mày nhẹ, còn khóc lóc kể với gia đình hai bên: “Anh ấy lấy tiền đàn đúm trong khi vợ chồng chẳng có đồng nào chuẩn bị sinh con?”.
Đàn ông cũng ấm ức
Không chỉ phụ nữ mới có vô số điều phàn nàn về chồng mình. Đàn ông cũng vậy. Vì thế, lắng nghe, đáp ứng những nhu cầu dù là nhỏ nhất, không “lấn lướt” nhau được coi là bí quyết giữ hòa khí trong nhà. Tất nhiên đã là con người thì không ai có thể mười phân vẹn tròn. Người bị ấm ức nên mạnh dạn trao đổi để người bạn đời biết cách điều chỉnh. Ngoài ra, cũng tránh cầu toàn quá để cuộc sống chung bớt ngột ngạt.
Theo Me&be