Vượt xa về cả doanh số bán hàng và lợi nhuận, mỹ phẩm giả đang xâm chiếm thị trường Hà Nội nói riêng, thị trường cả nước nói chung. Theo khảo sát do Công ty Nielsen và Tổ đặc trách quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thực hiện, 47% mỹ phẩm ở Hà Nội là giả. Đặc điểm chung của các sản phẩm này là đều rất rẻ, thậm chí được khuyến mãi tới 55%, mua 1 tặng 1... Đây là một thực trạng đã và đang gây nhức nhối, hoang mang cho người tiêu dùng.
Hàng giả “thống trị” chợ cóc
Dân trong nghề buôn mỹ phẩm vẫn thường ghé tai nhau mà bảo rằng, ở Sài Gòn có chợ Kim Biên, còn Hà Nội có chợ Đồng Xuân, đó là những “thánh địa” của mỹ phẩm giả, đến đó muốn mua hàng gì cũng có (?).
Khách hàng tìm đến mỹ phẩm rẻ tiền hầu hết là sinh viên và người có thu nhập thấp. |
Có mặt tại một gian hàng kinh doanh mỹ phẩm nằm ở tầng 1, chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào đầu giờ sáng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh khá tấp nập của người mua, kẻ bán. Thấy tôi tần ngần nhìn lô hàng (phấn, son) đang được bầy la liệt trên mặt bàn trước gian hàng, chị chủ có khuôn mặt sắc sảo vội đon đả mời chào: “Mua gì vậy em?”. “Chị có hàng mỹ phẩm của Hàn Quốc không?” - tôi hỏi. Chị chủ giúi vào tay chúng tôi hộp phấn nhãn hiệu Essance, có giá trên thị trường là 96.000 đồng/hộp.
Thấy tôi lưỡng lự, chị tiếp lời: “Hàng mới về đấy! Giá lẻ là 45.000 đồng/hộp, còn giá buôn chỉ 40.000 đồng thôi em”. Cầm hộp phấn trên tay, chúng tôi không khỏi giật mình bởi giá của hộp phấn Essance có bề ngoài không khác là mấy so với hộp phấn có giá 96.000 đồng. Theo chị chủ lý giải: “Vì chưa có tem kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng nên nó mới có giá rẻ như vậy!”.
Trong một gian hàng mỹ phẩm khác tại chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy), các loại son dưỡng môi, phấn nền, kem dưỡng da của Maybelline, Nivea hay Olay đủ loại màu sắc, kiểu dáng được rao với giá chỉ 50.000 đồng/sản phẩm, tuy nhiên nếu người mua kỳ kèo, người bán thậm chí hạ giá chỉ còn 25.000 đồng. Đa phần khách mua là các cô gái trẻ, sinh viên có, học sinh phổ thông có hoặc các cô gái làm nghề thu nhập thấp.
Tại chợ đêm sinh viên (Cầu Giấy), chợ đêm phố cổ (Hàng Ngang, Hàng Đào), các chợ mối lớn như Nghĩa Tân, Đồng Xa, chợ Ngã Tư Sở, Mỹ Đình, một số hội chợ triển lãm... cũng dễ dàng tìm thấy những gian hàng nhỏ không tên bày bán la liệt những thỏi son môi, phấn má, sơn móng tay, nước hoa... kiểu này. Chúng được đựng trong chiếc rá nhựa, xếp cùng những rá hàng “thập cẩm” khác như móc khóa, băng đĩa... trên những chiếc bàn ọp ẹp. Người mua cứ việc bới tung cả rá hàng mỹ phẩm để lựa chọn và thử thoải mái. Loại nào cũng có giá chỉ 20.000 - 50.000 đồng/sản phẩm.
Kiểu bán mỹ phẩm như bán rau này cũng thường thấy tại các “shop vỉa hè” vào buổi tối, nhất là cạnh các trường đại học. Trong đó, đoạn phố Nguyễn Chí Thanh, Xuân Thủy, Nguyễn Quý Đức là những địa chỉ quen thuộc của cánh sinh viên nữ thích làm dáng. Điều đặc biệt là người bán cũng thường là sinh viên tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập.
T.H. - chủ sạp mỹ phẩm dạo ở đường Nguyễn Quý Đức chia sẻ: “Bọn em có mối hàng ở chợ Đồng Xuân. Một thỏi son Naris giá 60.000 đồng, phấn Revlon 10.000 đồng, mascara Essance 16.000 đồng... Nói chung là giá mềm nên bán khá chạy. Chị tính, chỉ mất vài chục nghìn mà dùng cả năm ai chẳng thích”.
“Tuồn” vào các shop
Không chỉ mỹ phẩm bán dạo, bán đống nơi vỉa hè mới là hàng kém chất lượng mà ngay những cửa hàng kinh doanh tại các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Khâm Thiên, Bạch Mai, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Lương Văn Can..., mỹ phẩm rởm cũng xuất hiện rất nhiều. Không có máy soi da, không nhân viên tư vấn, chuyên gia trang điểm... nhưng các cửa hàng mỹ phẩm đó vẫn tấp nập khách do đánh trúng tâm lý của đa số chị em: thích dùng mỹ phẩm “hàng hiệu” nhưng giá rẻ!
Vừa bước vào đại lý mỹ phẩm L.G. (Hàng Đường, Hoàn Kiếm), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những hàng, mẫu mã mỹ phẩm phong phú, nhiều màu sắc và đội ngũ nhân viên “hùng hậu”, mỗi người phụ trách một gian hàng (nước hoa, kem dưỡng, phấn...) khác nhau. Khi được hỏi ở đây có sản phẩm make-up như: M.A.C, L’oreal hoặc Dior thì bà chủ cửa hàng chỉ vào gian hàng: “Ở trong đó em! Vào đó mà lựa chọn”. Thấy phóng viên đi vào khu vực phía bên trong, cô nhân viên bán hàng nói: “Đối với sản phẩm M.A.C chúng em chỉ có loại đánh mắt thôi, chứ trang điểm thì không có chị ạ, chị chọn màu đi”.
Quan sát một lúc lâu, chúng tôi thấy có nhiều loại mỹ phẩm được bày bán, khi thắc mắc về nguồn gốc, xuất xứ của những hộp phấn đánh mắt của hãng M.A.C thì cô nhân viên nhanh nhảu: “Hàng bên em được sản xuất từ Thái Lan chị ạ, hộp nhỏ 65.000 còn hộp to chúng em bán 100.000 đồng”. Vô cùng ngạc nhiên trước câu trả lời đó, tôi hỏi vặn: “Tưởng M.A.C chỉ được sản xuất duy nhất ở Canada thôi?” thì nhận được câu trả lời: “Em nói thật với chị là sản phẩm này chỉ có sản xuất ở Mỹ là tốt nhất chứ chẳng có ở đâu là tốt cả”.
Còn khi hỏi tới sản phẩm kem dưỡng của L’oreal thì nhân viên bán hàng liền lấy cho tôi một hộp kem dưỡng ban ngày của L’oreal với giá 160.000 đồng, xuất xứ từ Indonesia. Nguồn gốc lạ nên tôi liền thắc mắc và hỏi mua sản phẩm của Pháp thì nhanh tay, chị ta lấy cho tôi một sản phẩm khác có đề giá là 300.000 đồng. Sợ tôi phản ứng, vừa đưa hàng, chị nhân viên vội nói: “Hai sản phẩm này khác nhau lắm, một đằng 165, một đằng 300 thì chắc chắn chất lượng cũng khác nhau”.
Tôi hỏi tại sao một số đại lý khác có giá khoảng 170.000 - 200.000 đồng thì chị này nói như bổ vào mặt: “Đây là sản phẩm có thương hiệu từ xưa đến nay rồi, đảm bảo đây là hàng xách tay xịn. Mà hàng của Pháp làm gì có sản phẩm nào hơn 100.000 đồng, shop đểu hết đấy”. Để ý trên vỏ hộp của những sản phẩm này không hề có tem bảo hành hoặc tem phụ ghi nguồn gốc, xuất xứ. Sau khi chúng tôi hỏi lý do thì nhận được lời giải thích là hàng xách tay không có tem bảo hành, tem chống hàng giả, xách trực tiếp từ Pháp về luôn.
Trước thái độ thờ ơ của nhân viên bán hàng, chúng tôi mua một sản phẩm dưỡng da của L’oreal rồi ngậm ngùi bước ra khỏi shop mỹ phẩm L.G và bước sang một tiệm mỹ phẩm khác có tên T.N (Phùng Hưng, Hoàn Kiếm). Tuy mặt bằng của shop này có vẻ nhỏ hơn shop L.G nhưng cách trang trí như là một shop mỹ phẩm “chính hãng”.
Thấy tôi bước vào, cô nhân viên nở một nụ cười thân thiện: “Chào chị! Em có thể giúp gì cho chị?”. Ngỏ lời muốn tư vấn một số loại trang điểm nổi tiếng, cô nhân viên không để mất cơ hội: “Chúng em có hàng xách tay của Dior nhập bên Đức, chất lượng rất tốt”.
Thấy tôi ra vẻ lăn tăn, cô nhân viên vội nói: “Đối với những sản phẩm dầu gội đầu, chúng em chủ yếu lấy hàng ở châu Á, còn những hàng make-up chúng em lấy bên châu Âu, đặc biệt là Đức”.
Về việc Dior chỉ có phấn, không có kem lót kem nền, cô nhân viên giải thích: “Đây là sản phẩm rất đắt nên chúng em lấy hàng theo yêu cầu của khách hàng nên không lấy cả bộ của sản phẩm, chỉ khi nào người mua yêu cầu thì chúng em mới lấy”.
Thấy tôi tỏ vẻ ngần ngại, cô nhân viên “cò thêm”: “Em khuyên chị nên lấy L’roeal dùng rất tốt, nhiều khách hàng quen của chúng em hay dùng sản phẩm này lắm, mà có đủ bộ luôn, hàng này sản xuất ở Đức”. Sau một phút bối rối, cô nhân viên đính chính lại “À không chị ạ! L’oreal sản xuất ở Pháp. Da chị trắng có thể dùng loại này, em nghĩ rất hợp đó. Đây là hãng chỉ những người sành mới biết chị ạ…”.
P.V