"Như trăng trong đêm" là một chương trình thường niên về điện ảnh Việt Nam liên thời kỳ, lần đầu tiên được tổ chức năm 2020. Chủ đề bao trùm năm nay sẽ tập trung vào những chuyển động giữa điện ảnh và Thủ đô Hà Nội, tiếp tục là “những ngõ đi vào di sản phim đến từ góc nhìn của ngày hôm nay” - theo lời của nghệ sỹ thị giác Trương Quế Chi.
Sự kiện sẽ kéo dài từ ngày 9/3 đến ngày 3/4, do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD (Hội Điện ảnh Việt Nam) phối hợp với Viện phim Việt Nam, quỹ phát điển điện ảnh Đông Nam Á Purin Pictures, các trung tâm văn hóa Nhật, Pháp tại Hà Nội và nhiều đơn vị khác cùng tổ chức.
Muôn màu Hà Nội cũ qua điện ảnh
Được trình chiếu tại "Như trăng trong đêm" đều là những bộ phim cũ, phim độc lập mang nhiều giá trị điện ảnh mà đến nay vẫn còn tươi mới. Phim được các thành viên của cộng đồng "Như trăng trong đêm" và học viên lớp Giám tuyển thuộc trung tâm TPD chọn ra để trình chiếu.
Mở đầu chuỗi sự kiện là bộ phim điện ảnh được làm năm 1992 của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, mang tên “Hãy tha thứ cho em.” Tác phẩm giống như một lời tuyên ngôn táo bạo của giới trẻ tại Hà Nội thập niên 90, kéo người xem đi từ những giảng đường đến những buổi biểu diễn nhạc rock, có áo phông quần bò, có những cuộc vui chơi, nổi loạn, có thái độ tự do, phóng túng, có cả đứa con ngoài giá thú…
Thanh niên Hà Nội đầu những năm 90 trong ''Hãy tha thứ cho em.'' (Ảnh chụp từ phim) |
“Hãy tha thứ cho em” khắc họa một thời có sự chuyển giao mạnh mẽ của xã hội, giữa thế hệ từng trải qua đau thương chiến tranh với thế hệ sinh ra trong thời bình. Trong cái nhìn cởi mở, nhóm giám tuyển miêu tả “phim thở hơi thở của tuổi trẻ, một sức sống mới.”
Cũng nhẩn nha trên đường phố Hà Nội 20 năm trước là bộ phim tâm lý xã hội “Của rơi” (2002, Vương Đức) sẽ được chiếu ngày 24/3 sắp tới.
Khi xem phim, khán giả không chỉ theo chân thầy giáo Thắng (Nghệ sĩ ưu tú Đức Khuê) đối mặt với tình huống oái oăm rơi từ trên trời rơi xuống, bước qua cuộc sống có phần tẻ nhạt do anh tự chọn, mà còn cùng anh lắng lại trong những không gian nhà cổ, quán rượu quen gần Văn Miếu khi cuộc sống Hà Nội vẫn không ngừng trở mình.
Xa hơn mốc những năm 90, 2000 và thể loại phim truyện, Hà Nội của "Như trăng trong đêm" lần này còn đi về những năm 1958 và cả tới 2018, qua những thước phim tài liệu được chiếu ngày 18/3 tới đây.
Theo ban tổ chức, nếu như những cảnh phim năm 58 - “Phong cảnh Hà Nội” của hai đạo diễn Bùi Đình Hạc, Nguyễn Đăng Bẩy - mở ra tương lai sau ngày giải phóng Thủ đô, có sự hài hòa với thiên nhiên, gợi cảm giác về sự thoáng đãng, nhiều khoảng hở; thì đến 60 năm sau, “Đường Bưởi” của hai nhà làm phim Trần Phương Thảo và Swann Dubus lại khắc họa một Hà Nội có “bề mặt đô thị dày vô tận, thủng để lại đầy,” trên nền bối cảnh đó là những người phá dỡ và dọn phế liệu.
Một cảnh trong ''Đường Bưởi.'' (Ảnh chụp từ phim) |
Cùng một số phim kể trên, Như trăng trong đêm 3 cũng mang đến nhiều tác phẩm điện ảnh mà khán giả hiếm hoi có dịp xem, bởi đây là những bản phim do Viện phim Việt Nam cung cấp, hoặc là những thuộc sở hữu cá nhân không được chiếu rộng rãi, thường xuyên.
Điện ảnh của người trẻ
Trong buổi mở màn ngày 9/3 vừa qua, trình chiếu bộ phim “Hãy tha thứ cho em” tại Trung tâm văn hóa Pháp l’Espace, khán giả đăng ký đến xem phần lớn đều là thanh niên. Với số lượng đăng ký xem phim lớn và để đảm bảo giãn cách, ban tổ chức phải bổ sung thêm suất chiếu.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh lặng lẽ ngồi trên ghế hàng ghế thứ năm, cũng nhớ lại những ngày tháng tuổi trẻ. Được xem lại bộ phim sau 30 năm, ông bồi hồi nhớ lại thời điểm làm phim đầy khó khăn, phim nhựa để quay thì ít, lại phải tự chạy vạy khắp nơi xin cũng chỉ được khoản kinh phí nhỏ để tự làm phim… tất cả để cho ra bộ phim với mong ước có thể xoay vần thời thế.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (áo phao xanh) tại buổi chiếu phim. (Ảnh: TPD) |
Từ một hoạt động của lớp Giám tuyển tại Trung tâm TPD, "Như trăng trong đêm" đã tạo nên một cộng đồng cùng tên, tập hợp những người yêu điện ảnh cùng ngồi xuống với nhau để tìm lại và nghiên cứu những tác phẩm quý giá của Việt Nam.
Đối với chị Nguyễn Thu Phương, một thành viên ban tổ chức, cộng đồng "Như trăng trong đêm" sẽ tiếp cận rất nhiều phim rồi cùng nhau chọn ra những cái tên phù hợp nhất. Chị cũng tiết lộ rằng giữa các bộ phim/chùm phim trong chương trình sẽ có một mối nối mà đội ngũ giám tuyển không tiết lộ, để khán giả tự có những liên hệ cho riêng mình khi chương trình kết thúc.
Giờ đây, trong khi các rạp chiếu đã mở lại, tiếp tục công chiếu những bộ phim bom tấn, hiện đại thì tại những phòng chiếu nhỏ với những bộ phim xưa cũ và khiêm tốn hơn, "Như trăng trong đêm" càng có được sự quan tâm của người trẻ yêu nghệ thuật.
Khán giả trẻ tại buổi chiếu phim. (Ảnh: TPD) |
Đón những khán giả trẻ trong ngày chiếu đầu tiên, Giám đốc Trung tâm TPD, ông Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ: “Trong một năm qua, chúng ta đã dần mất sự giao tiếp, kết nối và tính cộng đồng mà cụ thể là cộng đồng điện ảnh. Tôi tin rằng điện ảnh có sức mạnh để mọi người có thể cùng hàn gắn và giúp nhau vượt qua những thời gian khó khăn này”.
Tên chương trình "Như trăng trong đêm" được lấy ý tưởng từ câu nói của đạo diễn Đài Loan nổi tiếng Thái Minh Lượng: "Phim như trăng trong đêm. Trăng trông như một với mọi người, nhưng cảm xúc gợi ra với mỗi người lại khác nhau.”
Bên cạnh trình chiếu các tác phẩm, chương trình còn có những buổi giao lưu với người làm phim, phối lại âm nhạc cho phim hoạt hình (Như trăng trong đêm 2) và nhiều hoạt động đa dạng khác.
Lịch trình và địa điểm tổ chức các hoạt động của Như trăng trong đêm 3 vẫn đang tiếp tục được cập nhật, khán giả quan tâm có thể theo dõi trực tiếp trên trang Facebook của sự kiện và trang Facebook của TPD.