Nhói lòng cảnh mẹ già bán rau lấy tiền nuôi con nằm liệt một chỗ

Mọi sinh hoạt của chị Hà đều một tay cụ Sáu lo liệu.
Mọi sinh hoạt của chị Hà đều một tay cụ Sáu lo liệu.
(PLO) -“Những ngày mưa dầm, không hái được rau bán, không có tiền mua tã, băng bông nên con Hà phải trần như mộng. Những lúc như thế, tôi vất vả hơn, phải đỡ cho con đi vệ sinh nhiều lần trong ngày. Mà đi nhiều thì nó đau, tôi lại càng đứt ruột”, cụ Sáu nghẹn ngào.

“Cựa một cái là toàn thân đau nhói”

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Lê Thị Sáu (77 tuổi, ở khu phố Ninh Tịnh 5, phường 9, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vào một buổi trưa nắng gắt. Trong căn nhà chật chội, nóng bức, ẩm thấp, dột nát, không có gì đáng giá là một người phụ nữ có thân hình nhỏ thó, gầy gò, gương mặt hốc hác nằm liệt trên chiếc giường cũ, đôi chân teo nhỏ bất động.

Đó là chị Lê Thị Thanh Hà (SN 1973, con gái cụ Sáu). Cạnh đó, người mẹ già yếu, mắt đã mờ đục đang lom khom dọn dẹp lại mấy chiếc ghế cũ.

Bên cốc nước trà xanh còn nóng ấm, cụ Sáu kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống khốn khó của gia đình và tai nạn kinh hoàng đã cướp đi ước mơ dang dở của con gái cụ hơn 20 năm qua. Xen lẫn trong câu chuyện buồn đó là những giọt nước mắt vàng đục lăn trên gò má nhăn nheo của người mẹ già và ánh mắt thẫn thờ của chị Hà. 

Cụ Sáu có tất cả 5 người con, chị Hà là con gái đầu. Vì cuộc sống gia đình nghèo khó nên ngay từ nhỏ chị Hà đã phải bươn chải làm lụng, phụ giúp cha mẹ kiếm cái ăn cái mặc cho cả gia đình. Lớn lên, cũng như bao người con gái khác, chị cũng có mối tình đầu với người con trai ở địa phương.

Yêu nhau một thời gian, đôi lứa cũng thề non hẹn biển sẽ nên vợ thành chồng. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, năm 23 tuổi, một tai nạn bất ngờ xảy ra đã cướp đi những ước mơ về tương lại của chị.

“Đó là vào một buổi chiều tối cuối tháng 3/1996, khi ấy trời mưa lâm râm, tôi đi làm đồng về thì giẫm phải ni lông phủ trên miệng 1 cái giếng người ta đang đào dở dang nên té xuống dưới. Cái giếng sâu 13 mét, tôi chỉ còn đủ sức gắng kêu mấy tiếng. May mà lúc đó có mấy thanh niên đi ngang qua nên họ hô hào rồi đưa tôi lên. Sau đó, tôi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Bác sĩ bảo tôi bị gãy xương sống, toàn bộ phần mông bị dập nát, hai chân bị liệt”, chị Hà kể.

Để duy trì sự sống cho con, cụ Sáu phải bán một phần mảnh đất của gia đình. Nhưng ca phẫu thuật không thành công, chị Hà bị liệt nằm bất động, hai chân teo dần không cử động được, cột sống phải đóng đinh để phần lưng có thể ngồi được. Do ảnh hưởng của cột sống và bại liệt dẫn đến chị bị viêm đường tiết liệu, toàn bộ phần mông lở loét, không đi tiểu được, có lần đi tiểu ra máu. 

Suốt 20 năm qua, toàn bộ phần mông của chị Hà liên tục chảy mủ, rỉ nước khiến chị sống trong đau đớn nhưng phải cố chịu đựng vì không có tiền chữa trị.

“Những ngày thời tiết bình thường thì cơn đau đỡ hơn. Nhưng nếu nắng gắt như mấy hôm nay thì cơn đau kéo dài, ê ẩm cả người, còn trời lạnh thì phải cắn răng chịu đựng, cựa một cái là toàn thân như bị ai đó lấy kim chích vào, rồi phần mông rỉ nước vàng, người như cái chuối bị nũng vậy”, chị Hà nghẹn ngào.

Cụ Sáu nghẹn ngào: “Con Hà bị tai nạn, những năm đầu tôi cùng với mấy đứa em của nó thay nhau chăm sóc. Nhưng mấy đứa nhỏ lớn lên, có vợ có chồng ra ở riêng nên mười mấy năm qua mọi sinh hoạt cá nhân của nó đều tay tôi lo. Nó là con mình đứt ruột đẻ ra mà, nó bệnh mình không lo thì ai lo. Nhưng khổ nỗi cuộc sống khó khăn nên cứ mãi thiếu trước hụt sau”.

Theo lời cụ Sáu, cách đây 5 năm, chồng cụ qua đời vì bệnh tật nên gia đình giờ chỉ còn hai mẹ con. Cuộc sống đã khó khăn lại càng khốn khổ hơn. Để có cái ăn, hàng ngày cụ Sáu phải đi hái rau rồi đem ra chợ bán được đồng nào hay đồng nấy để lo mắm muối cho hai mẹ con.

Tuy nhiên, tuổi già, gánh nặng gia đình và việc chống chọi với bệnh thoái hóa cột sống, bệnh rối loạn tiền đình khiến cụ Sáu cũng kiệt sức. Mặc dù vậy, vì thương con, không nỡ nhìn con bị bệnh tật hành hạ, cụ cố gượng sống làm điểm tựa cho con. 

Hơn 20 năm qua, chị Hà vật vã với bệnh tật.
Hơn 20 năm qua, chị Hà vật vã với bệnh tật.

“Có lúc tôi chỉ muốn chết đi để khỏi làm khổ mẹ”

Sau khi bị tai nạn nằm liệt giường, mối tình đầu của chị Hà cũng vỡ tan. Ước mơ được làm mẹ của chị cũng mãi chỉ là ước mơ. Nhưng chị không trách cứ người yêu mà chỉ tiếc thương cho số phận mình.

Đêm về là lúc chị hoang mang nhất, bởi lúc ấy không còn âm thanh nữa, chị cảm nhận rõ ràng sự buồn tẻ của chiếc giường, sự lạnh lẽo khi phải nằm một chỗ, điều mà chị sẽ phải sống cùng trong suốt phần đời còn lại.

Nhưng rồi, chị không nghĩ nhiều về tương lai của mình nữa mà chỉ lo cho gia đình. Ngay từ nhỏ chị đã tự lập, rồi phụ giúp bố mẹ lo cho các em. Nhưng giờ đây, chị lại trở thành gánh nặng, khiến bao nhiêu người phải lao tâm, khổ tứ, chạy vạy khắp nơi chữa bệnh cho mình. Thậm chí chị đã từng có ý định tự tử để giải thoát cho bản thân và gia đình. 

Chị Hà rưng rưng nước mắt: “Những ngày trái gió trở trời, cơn đau hành hạ dữ dội, mẹ và các em thấy vậy nên chạy vạy vay mượn tiền bạc rồi đưa tôi vào TP. Hồ Chí Minh khám và điều trị. Mẹ thì già yếu, đến nay mắt đã kém những vẫn lo cho tôi từng ngày. Có lúc tôi chỉ muốn chết đi để khỏi làm khổ mẹ, khổ các em”.

Được biết, mỗi tháng, chi phí cho tã, thuốc, nước sát trùng để lo cho chị Hà tốn mất hơn 1 triệu đồng. Đó là số tiền mà những ngày nắng ráo cụ Sáu đi hái rau dành dụm được để lo cho con.

“Những ngày mưa dầm, không hái được rau là không có tiền mua tã, băng bông nên con Hà phải trần như mộng. Những lúc như thế, tôi vất vả hơn, phải đỡ cho con đi vệ sinh nhiều lần trong ngày. Mà đi nhiều thì nó đau nhiều, tôi lại càng đứt ruột”, cụ Sáu nghẹn ngào.

Chứng kiến cảnh đời nghiệt ngã của hai mẹ con cụ Sáu, bà Trần Thị Giang (hàng xóm) xót xa: “Chẳng ai ở trong khu phố này lại khổ như hai mẹ con cụ Sáu. Bản thân già yếu, bệnh tật lại nuôi con bại liệt mấy chục năm nay. Nhiều lúc cụ không có lấy nổi nghìn lẻ mua thuốc cho con gái. Nhìn cảnh ấy, ai cũng xót xa. Mà mấy đứa con nhỏ của cụ đứa nào cũng nghèo, con cái nheo nhóc nên không giúp được gì cả”.

Nhìn cảnh đời éo le của mẹ con cụ Sáu, rất nhiều người hàng xóm xung quanh đã kêu gọi nhau quyên góp, ủng hộ để cụ có được cuộc sống ổn định hơn. Người có nhiều thì giúp cụ vài ba trăm nghìn, người có ít thì giúp vài cân gạo, có những người hoàn cảnh khó khăn thì qua giúp cụ dọn dẹp nhà cửa.

“Ở đây bà con rất tốt bụng, thường xuyên giúp đỡ tôi lúc khó khăn. Tôi luôn biết ơn bà con. Bây giờ, tôi sợ nhất là mình đã già yếu, không biết nhắm mắt xuôi tay khi nào. Tôi mà chết đi thì lấy ai lo cho con Hà. Rồi nó sẽ như thế nào…”, cụ Sáu tâm sự.

Ông Ngô Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường 9, cho biết: “Gia đình cụ Sáu có hoàn cảnh khó khăn nhất ở địa phương. Bà con ở đây cũng thường xuyên giúp đỡ cụ, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám không thoát ra được vì cụ già yếu, con thì bệnh tật chỉ nằm một chỗ. Chính quyền nắm rất rõ hoàn cảnh của cụ Sáu nên đã quan tâm giúp đỡ như cấp bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, thường xuyên thăm hỏi động viên”. 

Nhiều năm nay, người dân ở khu phố Ninh Tịnh 5 đã quen cảnh một bà mẹ già, bệnh tật, hái rau đem ra chợ bán nuôi con bại liệt. Rồi những lần, hình ảnh người mẹ nghèo cõng con trên vai đi chữa bệnh. Chắc chắn, một hành động nhỏ của những tấm lòng hảo tâm sẽ làm vơi đi sự khó khăn, làm ấm lòng và thắp lên niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp này của hai mẹ con cụ Sáu.

Bạn đọc và tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ hai mẹ con cụ Sáu, xin liên hệ chị Lê Thị Thanh Hà (ở khu phố Ninh Tịnh 5, phường 9, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), số điện thoại: 0168.5574.597.

Đọc thêm

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.