Theo đó, đa phần họ là người dân tỉnh lẻ lên Thủ đô chăm sóc người nhà đang điều trị bệnh hoặc đi khám bệnh. Những khuôn mặt mệt mỏi vì lo lắng cho người thân, cộng thêm nỗi vất vả trong những ngày thời tiết nắng nóng khắc nghiệt đang đẩy họ vào những ngày đầy khốn khó.
Đưa ánh mắt xa xăm hướng về phòng cháu nội đang được khám bệnh, ông Vũ Văn Định (Vũ Thư – Thái Bình) lo lắng: “Cháu tôi bị bệnh tim bẩm sinh, cháu nhập viện ở bệnh viện tỉnh nhưng các bác sĩ cho chuyển viện, đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám mà không biết tình hình sức khỏe cháu ra sao. Gia đình tôi huy động cả 5 người gồm ông bà nội, ông ngoại và bố mẹ cháu lên đây để thay phiên nhau chăm sóc cháu. Trời nắng, buổi trưa chúng tôi nghỉ tạm tại hành lang bệnh viện chứ ra ngoài nắng quá”.
Đối lập với cảnh đông đúc người thân, bà Nguyễn Thị Mỹ (65 tuổi, Thuận Thành, Bắc Ninh) bắt xe từ quê ra Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh. Bà chia sẻ: “Các con, cháu bảo đưa tôi đi khám bệnh nhưng tôi không đồng ý, hôm nay là thứ 3 các con phải đi làm và trời nắng con đi cùng cũng vất vả theo nên tôi tự bắt xe từ 4 giờ sáng lên viện khám tai mũi họng”.
Cô Bùi Thị Mùi ở Quốc Oai cho biết đã đi lên viện chăm cháu được một tuần nhưng chưa thấy hôm nào nắng nóng vất vả như mấy ngày nay. Buổi trưa ngoài lúc bế cháu, cô tranh thủ nằm chợp mắt tại ghế chờ của bệnh viện. Buổi tối muốn được ở cạnh chăm cháu, phụ giúp cho con dâu nên cô trải tấm ni lông nằm ở hành lang cạnh phòng bệnh. Cứ tới 5 giờ sáng mặt trời chiếu vào là không ngủ được tiếp.
Trước tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt cùng với lượng bệnh nhân tới viện ngày càng tăng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đề nghị tích cực chống nắng cho người bệnh. Theo đó, Cục đề nghị các bệnh viện cần bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt mát thông thoáng cho người bệnh trong thời gian chờ khám; lắp đặt điều hòa nhiệt độ (nếu có điều kiện), cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh,… đáp ứng kịp thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe.
Đồng thời, tiếp đón nhanh chóng giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; tăng cường phân luồng, cách ly, nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện; bảo đảm đủ thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng phương tiện cấp cứu các trường hợp do nắng nóng bất thường gây ra như tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hóa… Chủ động lên kế hoạch tiếp nhận, xử trí, điều trị các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, viêm màng não do não mô cầu,…