Mùa xuân, tháng 3 âm lịch có tiết Thanh minh. Dịp Thanh minh người ta đi tảo mộ để nhớ về tổ tiên, các cụ… Tôi lại nhớ về ông nội…Ông nội tôi mất đã lâu lắm rồi, tôi cũng không biết là năm nào. Tất cả là chỉ nghe bà nội kể lại:
Ông sinh khoảng năm 1875, có cha là một người võ nghệ cao cường. (Cụ nội tôi là Cụ Quyền từng phục vụ trong quân đội triều đình dưới sự chỉ huy của Kinh lược Bắc Kỳ khi đó là Hoàng Cao Khải đi dẹp giặc giã hồi thập niên 70-80 của thế kỷ XIX).
Thế chiến thứ nhất (1914-1918) Ông nội tôi bị đưa sang Pháp làm nấu bếp cho binh lính An Nam sang châu Âu đánh nhau cho Pháp. Ông nội tôi bị đưa sang đó khi tuổi đã gần 40, độ tuổi quá lớn để làm công việc này khi ấy…
Bỏ lại quê nhà bà nội tôi với 3 con nhỏ (bác tôi lớn nhất mới lên 10, bố tôi lên 6 và chú tôi mới lên 2), Ông nội sang phục dịch binh lính chiến trường trong hoàn cảnh vô cùng thê lương cộng với khí hậu khắc nghiệt băng tuyết giá lạnh mùa đông của châu Âu…
Sau mấy năm hết hạn phục dịch, Ông nội tôi hồi hương, trở về Việt Nam. Thật đau buồn chỉ vài năm sau khi trở về, Ông nội tôi qua đời khi tuổi mới có 47, tức là ông mất khoảng năm 1922-1923. Đã gần trăm năm trôi qua kể từ ngày Ông mất. Ngày nay tìm hiểu các nguồn tư liệu mới biết rằng còn có hàng vạn người An Nam thời đó có số phận như Ông nội tôi.
Các nguồn tư liệu để lại cho biết, trong Chiến tranh thế giới thứ I (1914-1918) có 93.411 người Đông Dương được đưa sang Pháp. Trong đó có 43.430 lính chiến đấu, 9.019 y tá, 5.339 người phục dịch và hành chính, 48.981 lính thợ chuyên nghiệp như thợ máy, thợ sơn, thợ da, thợ làm thuốc súng, làm vũ khí, lái xe, bác sĩ, kỹ sư, tải thương…
Đài tưởng niệm lính Đông Dương tử trận trong Thế chiến I tại nghĩa trang Saint – Pierre, Aix-en- Provence, Pháp. |
Chiểu theo gốc tích quê quán, trong số ấy thì có 24% người miền Bắc , 32% người miền Trung, 22% người miền Nam và 22% người Cam Bốt. Như vậy người xứ An Nam chiếm gần 80% tổng số người Đông Dương được đưa sang Pháp hồi Thế chiến thứ I.
Khi đó các giới Chỉ huy của Pháp có một định kiến về lính An Nam. Thậm chí ban đầu, họ còn không muốn đưa lính An Nam sang Pháp vì sợ người An Nam không chịu được giá lạnh, băng tuyết mùa đông của châu Âu…
Thế rồi thực tế không phải như vậy mà ngược lại! Lính Đông Dương so về số lượng chỉ đứng sau lính da đen người xứ Sênêgal. Lính Senêgan được gọi là “lực lượng đen”, họ rất đông, có tới hơn 200.000 người.
Không chỉ đóng góp về người, xứ Đông Dương cũng đóng góp tiền của rất nhiều, tới 541 triệu quan Pháp cho chi phí chiến tranh của Pháp. Đây là số tiền vô cùng lớn khi đó. Lúc ấy đã có câu vè: “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc”!
Chẳng những thế, 175 khẩu đại bác từ Đông Dương được chuyển về Pháp. Hàng ngàn tấn hàng hóa các loại cũng được chuyển từ xứ An Nam sang cung ứng cho chiến trường tại Pháp.
Thậm chí hàng trăm xe xích lô từ An Nam cũng được gửi sang Pháp để phục vụ tải thương! Sự đóng góp của xứ An Nam thuộc địa cho chiến thắng trong Thế chiến 1 của Pháp là vô cùng lớn!
Thế nhưng, đổi lại là bao nhiêu vạn người và lượng hàng hoá khổng lồ từ xứ An Nam được các chuyến tầu biển chuyển qua đường châu Phi như Cameroune, Djibouti, Madagascar, Ai cập…sau đó đi tiếp về cảng Marseille, miền nam nước Pháp bên bờ Địa Trung Hải để cung ứng cho nước Pháp!
Con đường di chuyển vô cùng xa xôi, cực khổ lênh đênh trên biển nhiều tháng trời từ xứ Đông Dương để đến châu Âu khi ấy đã làm cho biết bao người chết vì ốm đau, bệnh tật, làm mồi cho cá biển… trước khi đặt chân được lên đất Pháp.
Chính phủ Pháp lúc đó cũng dành cho thành phần lính Đông Dương với các đặc thù riêng: cấp phát quần áo mùa đông may cỡ nhỏ hơn cho vừa khổ người; cái quần không cần phải cài cúc, chỉ có giây rút; rồi phân phát trầu, cau, gừng, ớt… Thậm chí thành lập cả một xưởng làm nước mắm trên đất Pháp để phục vụ lính xứ Đông Dương!
Cuối cùng, sau khi Pháp chấp nhận lính từ Đông Dương vào năm 1915, rất nhiều người trong số này lại không được đưa ra tiền tuyến, thậm chí còn không có mặt trên chiến trường!
Nhưng điều này không hề làm giảm những đóng góp to lớn của sắc lính Đông Dương, mà chủ yếu là An Nam, trong chiến tranh, góp phần đưa đến thắng lợi của phe Đồng minh, trong dó có Pháp. Những đóng góp ấy không chỉ ở trên chiến trường mà còn ở hậu phương trên đất Pháp.
Rất nhiều lính An Nam dù không ra chiến trường nhưng được đưa sang Pháp để làm thợ, thay thế cho công nhân Pháp được điều động ra chiến trường. Vì vậy, rất nhiều phụ nữ Pháp phải tham gia vào sản xuất công nghiệp chiến tranh và được lao động đàn ông An Nam hỗ trợ, từ đó mà xuất hiện từ “lính thợ”. Rồi từ đây đã có không ít những cuộc tình duyên Pháp - Việt giữa những người lính thợ An Nam và nữ công nhân Pháp…
Lính thợ cũng được tổ chức thành trung đoàn, đại đội…và mặc đồng phục như những quân nhân thực thụ. Nhưng phần lớn số họ làm việc trong các nhà máy ở hậu phương.
Trong số lính thợ An Nam sang Pháp thì có đến 9/10 xuất xứ từ tỉnh Thái Bình, một tỉnh đông dân ở Bắc Kỳ và rất nhiều người trong số đó không có đất cày.
Không chỉ đánh nhau trên đất Pháp, lính An Nam còn bị điều đi các chiến trường xa như: đánh nhau với lực lượng bônsêvich ở Nga (như trường hợp của anh thuỷ thủ mà sau này là Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên chiến hạm Pháp), đi chiến trường Bancăng, Trung Đông, Bắc Phi…
Có một điều rất trớ trêu là trong khá nhiều bức thư viết về nhà nhưng vì lý do nào đó bị bỏ lại mà người ta đọc được, tâm trạng của nhiều người lính An Nam khi đó - với vị thế là dân một xứ bị Pháp đô hộ, họ chỉ muốn Pháp thua trận!
Rất nhiều người trong số đó đã không được may mắn như Ông nội tôi. Họ đã bỏ xác, phơi xương, vĩnh viễn nằm lại ai biết nơi nao tận phương trời xa thẳm…
Viết đến đây tôi không khỏi ngậm ngùi…
Với những dòng này như một nén nhang tưởng nhớ các cụ…
Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các cụ!