Linh thiêng phần lễ, sôi nổi phần hội
Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày lễ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, người Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Tổ - Đền Hùng, xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ; điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt Nam, nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Người Việt Nam có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, có chung một đền thờ Tổ để tri ân. “Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim có tổ. Người có tông”.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 gắn với Tuần văn hóa - Du lịch Đất Tổ diễn ra từ ngày 20 - 29/4 (tức mùng 1 - 10 tháng 3 Âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị xã trong tỉnh.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023 thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ; đồng thời, tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân cả nước trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên.
Phần lễ được tổ chức trang trọng thể, tập trung vào các hoạt động chính như Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Bên cạnh nghi lễ truyền thống, các hoạt động phần hội năm nay có nhiều điểm mới, gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành các chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ.
Nổi bật là chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 và Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, diễn ra vào ngày 21/4 tại Quảng trường Hùng Vương; Hội thảo quốc tế Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam; Giải bơi chải và trình diễn ván chèo đứng trên hồ Công viên Văn Lang; Giải bóng đá Cúp Hùng Vương; Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương; Hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023; Hội chợ triển lãm thương mại công thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ năm 2023; Liên hoan Văn hóa ẩm thực Đất Tổ; Hội trại văn hóa và Liên hoan văn nghệ quần chúng phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với những truyền thuyết về vua Hùng. (Ảnh: Thống Nhất) |
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy, Ban Tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, năm nay còn diễn ra các hoạt động đặc sắc kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại có sức lan tỏa rộng rãi như: Triển lãm Di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam; Lễ hội áo dài trẻ em Việt Nam “Hướng về nguồn cội”; trình diễn trang phục áo dài dân tộc Việt Nam; Giải đua xe đạp phong trào các câu lạc bộ Việt Trì mở rộng; tổ chức đoàn famtrip “Hành trình du lịch sắc màu Trung du”.
Qua đó, giúp du khách được trải nghiệm nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa đất Tổ. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án đón tiếp, các kế hoạch dự trù khi lượng khách tăng cao đột biến; triển khai quy hoạch hàng quán, kiểm soát chất lượng dịch vụ cũng như các kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ và dịch bệnh; phương án cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống có thể xảy ra.
101 cách tưởng nhớ tri ân tổ tiên của dân tộc
Năm nay, Phú Thọ tiếp tục vận động, khuyến khích các gia đình trên địa bàn chuẩn bị mâm cơm đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên của dân tộc trong ngày 10/3 Âm lịch.
Nếu như các gia đình đến Đền Vua Hùng tưởng niệm thì một số gia đình lại chọn cách… tri ân tại gia. Ấy là, họ làm mâm cơm với các món ăn cổ truyền dân tộc và đặc biệt còn gói bánh chưng, bánh dày để kính dâng lên các vua Hùng. Nhà bác Lại Thế Hùng ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) nhớ lại những năm trước, vào ngày Giỗ Tổ gia đình chộn rộn tìm đặt mua lá rong để gói bánh chưng, lá chuối để gói bánh dày. Bởi theo bác Hùng thì đây là hai loại bánh mang hồn dân tộc. Bánh chưng, bánh dày liên quan đến truyền thuyết Lang Liêu, xảy ra vào đời Vua Hùng thứ 6. Trong đó vị Hoàng tử Lang Liêu đã được báo mộng để làm ra chiếc bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời, còn bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, dùng để dâng cho vua cha trong ngày đầu xuân.
Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy được tổ chức hằng năm thể hiện lòng tri ân và niềm tự hào về truyền thống văn hoá độc đáo của dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Liên) |
Gia đình quây quần vừa gói bánh chưng, bánh dày vừa được bác Hùng kể về sự tích trên như muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc; Giải thích ý nghĩa của bánh chưng, bánh dày; Tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước… Năm 2023, gia đình bác Lại Thế Hùng sẽ gói nhiều bánh chưng, bánh dày hơn, bởi con trai bác Hùng định cư tại Pháp sẽ về thăm gia đình, quê hương vào đúng dịp này.
Rủ nhau đến các nhà sách sưu tầm các truyện dân gian, truyền thuyết về thời các Vua Hùng để đọc cho con là sự lựa chọn của một số gia đình trẻ ở Hà Nội. “Con Rồng, cháu Tiên; Bánh chưng, bánh dày; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thủy Tinh; Sự Tích dưa hấu; Chử Đồng Tử, Truyền thuyết “Vua Hùng trồng kê ra lúa”. “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”, “Hát Xoan”, “Bách nghệ khôi hài”… được nhiều ông bố, bà mẹ để đầu giường mỗi khi đọc truyện cho con. Chị Nguyễn Thị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Tôi luôn muốn các con tôi hiểu rõ về ý nghĩa truyện dân gian, truyền thuyết về thời các Vua Hùng. Các truyện dân gian thời Hùng Vương luôn đề cao tinh thần nhân đạo và qua đó giúp con hiểu sâu sắc hơn lòng yêu ghét của nhân dân; tình yêu quê hương, đất nước; yêu chính nghĩa, ghét phi nghĩa; yêu điều thiện, ghét điều ác… đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Đó là phẩm chất, là truyền thống cao đẹp của con người Việt Nam ta trải qua mấy nghìn năm lịch sử”.
Lại có gia đình nhớ tới các Vua Hùng bằng cách bật youtube nghe các bài Hát Xoan để thưởng thức. Anh Cao Công Trí (Gia Lâm, Hà Nội) rất thích nghe Hát Xoan đặt biệt vào dịp tháng 3 âm lịch. Bởi theo anh, Hát Xoan rất có giá trị và đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Trên chặng đường dài đó, loại hình nghệ thuật này đã được nhiều người có vị thế và uy tín trong xã hội, nhiều văn nhân thi sĩ nâng đỡ, tạo điều kiện cho phát triển. Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa... Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Đối với anh, nghe Hát Xoan cũng là sở thích và cũng là cách để anh tưởng nhớ đến thời đại các Vua Hùng. Những năm đầu mới lập gia đình, vợ anh không thích sở thích này nhưng biết giá trị và ý nghĩa của Hát Xoan, sở thích ấy đã lan sang cả gia đình và những người trong dòng tộc.
Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân…