Năm 1977, cả nước thực hiện chủ trương sáp nhập cấp 1 và cấp 2 vào một trường, gọi là Phổ thông cơ sở. Thuở ấy, xã nào cũng có Trường cấp 1 nhưng vài ba xã mới có một trường cấp 2. Đến khi thành lập Trường phổ thông cơ sở thì tất cả các xã đều có cấp 2, dùng chung một cơ sở vật chất của cấp 1 trước đó.
Đúng lúc sự nghiệp cải cách giáo dục manh nha bằng sự kiện sáp nhập hoành tráng này thì tôi, một giáo viên thường được đề bạt làm Hiệu phó, điều về phụ trách Trường phổ thông cơ sở Hưng Long (thuộc huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Đây là một xã giáp trung tâm huyện, đất rộng, người đông, dân cư pha trộn, Kinh, Mường, Dao…đủ cả. Có xóm Thung Bằng nổi tiếng với những đồi chè xanh tươi, còn gọi là xóm Di Dân vì toàn người nơi xa đến.
Năm ấy, ngành Giáo dục chủ trương đưa lao động sản xuất vào trường học, các trường được phép cho học sinh lao động mỗi tuần 2 đến 3 buổi. Thầy trò chúng tôi đã lao động cật lực để chuyển về và dựng lên nhà cửa của Bệnh viện huyện sơ tán để lại thành nhà ở giáo viên và lớp học.
Những quả đồi sim mua lau lách sau trường đón nhận mồ hôi của thầy trò đổ xuống biến thành những vườn sắn xanh tươi. Chẳng biết cô giáo nào năm ấy còn nhớ không khi cùng tôi, vào 5 giờ sáng mùa đông lạnh giá, nhổ khóm sắn tê cóng bởi sương đêm, chuẩn bị bữa sáng cho anh em. Vạt chè của trường được những bàn tay của các học sinh, con em của đất chè chăm sóc và chế biến, đủ để các thầy dùng và tiếp khách.
Mẻ chè các em vừa sao xong, còn nóng hổi, pha một ấm mời thầy uống thử, sau này, thưởng thức đủ các loại trà thượng hạng nhưng dư vị trong tôi chẳng loại chè nào có thể so sánh được với ấm trà thấm đậm tình thầy trò đó.
Thời ấy, bởi việc sáp nhập là điển hình cho cách làm duy ý chí nên chẳng có một sự chuẩn bị nào. Học sinh tăng gấp đôi mà cơ sở vật chất thì vẫn vậy, học 2 đến 3 ca một ngày là chuyện phổ biến. Buổi sáng, học trò lớp 7 to lộc ngộc gò lưng trên cái bàn lùn tịt của lớp 1, đến khi được trang bị thêm bàn ghế thì lại đến lượt buổi chiều, các em lớp 1 rướn ngực lên chiếc bàn cao kều.
Hầu như đầu buổi học nào cũng xảy ra “chiến tranh bàn ghế”, lớp nọ sang khuân ghế của lớp kia, cô giáo nào cũng đứng về phía học sinh lớp mình, chuyện nhỏ mà xung đột gay gắt, có khi thầy Hiệu trưởng cũng phải trốn để tránh bị nghe chửi vì cái lỗi không phải của mình và cũng vì bất lực nữa! Giáo viên thiếu, cấp 1 có cô phải dạy 2 lớp, cấp 2 mỗi thầy đảm đương đến 24 tiết một tuần, đồng lương chết đói, phần lớn nhà giáo thành nhà nông thực thụ mà không ai kêu ca gì cả.
Đơn giản là phụ huynh và học sinh còn khổ hơn mình nhiều. Mỗi kỳ khai giảng, tôi lại nhìn thấy khối học sinh đứng trước mặt mình mỗi năm một xám ngoét đi, vì ngày càng ít đi những cha mẹ sắm được cho con bộ quần áo mới nhân ngày khai trường. Việc lắp ghép cơ học cấp 1 với cấp 2 sinh ra nhiều nghịch lý khi chung một Ban giám hiệu mà chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên hai cấp khác biệt, độ tuổi học sinh chênh lệch, cùng một Hội đồng giáo dục mà chẳng hiểu nhau, ông nói gà bà nói vịt.
Tôi may mắn có hai ông hiệu phó, nguyên là những hiệu trưởng cấp 1 kỳ cựu đã giúp tôi rất nhiều trong việc quản lý và giữ gìn sự yên ấm trong mái trường bị kết hợp bằng một cuộc hôn phối vội vàng và cưỡng ép. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ tới hai ông giáo già ấy, trong tôi vẫn vẹn nguyên một sự ngưỡng mộ chân thành.
Sở dĩ tôi có tâm trạng hoài niệm một dĩ vãng xa xăm và viết nên những dòng này là bởi mới đây thôi, tôi nhận tin mừng cả 2 trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hưng Long (sau cuộc hôn phối không thành đã tách ra nhiều năm nay) đều đạt chuẩn quốc gia.
Đặc biệt là Trường trung học cơ sở Hưng Long là trường đầu tiên và duy nhất trong khối Trung học cơ sở của huyện miền núi Yên Lập vinh dự nhận danh hiệu này. Mái lá cọ năm xưa đã được thay thế bằng những dãy nhà hai tầng khang trang và bề thế, còn đâu những bộ bàn ghế cọc cạch, nặng nề với mặt bàn nghiêng, có hộc mà chỉ thấy bàn ghế hợp chuẩn, vững chãi và thanh thoát- sự kết hợp tuyệt vời giữa gỗ và sắt, sản phẩm của công nghệ tiên tiến.
Trường có Phòng truyền thống, Phòng thí nghiệm,…lại có một trang Web để lưu giữ kỷ niệm và giao lưu nghề nghiệp, hội tụ đủ tiêu chí cần thiết để trở thành trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, ấn tượng nhất đối với tôi không phải những thứ đó mà là việc làm của các thầy, cô giáo ở đây. Nhiều năm nay, họ bỏ ra một phần lương để đóng góp xây dựng nhà trường. Họ tiến hành “xã hội hóa giáo dục” ngay trong lòng giáo dục.
Động thái này nhiều ý nghĩa bởi về bản chất nó khác xa với hành vi quyên góp rầm rộ, với “Sổ vàng” đầy tính thương mại và phi tự nguyện, với những lời kêu gọi hay ho mà bản thân người kêu gọi không một xu đóng góp chỉ nhăm nhăm bớt xén của sự nghiệp trồng người.
Thành quả hôm nay là do nhiều yếu tố và nhân tố làm nên, dĩ nhiên rồi, một hiệu trưởng năng nổ, một đội ngũ nhiệt tình, được chính quyền quan tâm, được nhân dân ủng hộ,…Nghe ra, vẫn sáo rỗng và nhàm chán như báo cáo tổng kết mà không liệt kê đầy đủ thì không được. Tôi biết Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Đường, cái tên cũng thú vị ở chỗ ông thầy này không chỉ “đăng đường thuyết giáo” mà ông trực tiếp làm đủ các thứ việc với một sự say mê hiếm có cho ngôi trường mà ông gắn bó.
“Bao năm xa một mái trường/ Hôm nay nghe tiếng yêu thương gọi về”. Vâng, tôi về với tâm thức của mình và bằng một bài báo nhỏ, như thắt nút một sợi dây gắn kết quá khứ với hiện tại. Và, những đồng nghiệp của tôi ngày ấy, Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, các bạn có về không?
Phùng Ngọc Đức