Còn mãi “Búp sen xanh”
Tác phẩm ghi dấu ấn nhất của Sơn Tùng có lẽ vẫn là “Búp sen xanh”. Đây cũng là công trình ông đầu tư nhiều thời gian và công sức nhất, bắt đầu từ năm 1948, hoàn thành vào năm 1980. Bằng những chuyến đi không biết mệt mỏi, những cuộc tìm kiếm kiên trì, ông đã tái dựng một chặng đường gian khó nhưng đẹp đẽ và thơ mộng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 3/1982, “Búp sen xanh” với 30.200 bản ra đời đã gây một tiếng vang lớn, mở ra cách tiếp cận hoàn toàn mới về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.
“Búp sen xanh” viết về thời thơ ấu và những năm đầu tuổi 20 của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong độ dài khoảng 300 trang, được nhà văn chia làm 3 chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”. Tác giả cũng đưa người đọc về với làng quê xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Sen quê nội, làng Hoàng Trù quê ngoại, với những câu dân ca, ví giặm. Theo bước chân của Bác khi còn thơ ấu với tên gọi Nguyễn Sinh Côn, đến khi trở thành người thanh niên Nguyễn Tất Thành, người đọc lại biết đến kinh thành Huế cổ kính, dòng sông Hương lững lờ, với đình Dương Nổ, Trường Pháp - Việt Đông Ba, Trường Quốc học hay bến Nhà Rồng, với phong tục tập quán, lời ăn, tiếng nói mỗi một vùng được thể hiện một cách tự nhiên, thấm thía.
Nhà văn từng chia sẻ: “Tôi nghĩ mọi tình cảm của tôi đều bắt đầu từ sự kính trọng. Nhưng nếu chỉ kính trọng và có nhiều tư liệu thì vẫn chưa đủ, mà phải thật sự yêu quý một tài năng, một nhân cách. Đã có nhiều đoạn tôi viết trong nước mắt, như đoạn Bác ở Huế. Đó là Tết Tân Sửu (1901), mẹ mất, cha đi vắng chỉ còn một mình cậu bé Côn với em nhỏ chưa đầy một tuổi... Nhiều người đọc đến đoạn này cũng đã rơi nước mắt.
Khi viết, tôi đã hình dung ra hình ảnh Bác Hồ còn nhỏ tuổi, đầy mơ ước như bao trẻ em khác, mơ áo mới, với tiếng pháo ngày Tết lại phải đi sau quan tài mẹ. Rồi hình ảnh Người ngồi bế em trước bàn thờ mẹ quạnh quẽ và đơn độc trong ba ngày Tết Tân Sửu. Ngay những người bạn của Bác ở Huế, khi kể lại cho tôi câu chuyện này cũng đã không cầm được nước mắt.
Ngay khi miền Nam vừa giải phóng, tôi vội vã thu xếp một chuyến đi xuyên Việt, đến những nơi từng in dấu chân của Bác để sưu tầm tư liệu. Đó thực sự là cả một hành trình tươi nguyên trong ký ức để sau này tôi đưa vào “Búp sen xanh””.
“Búp sen xanh” liên tục được tái bản, một điều hiếm thấy trong đời sống văn học Việt Nam. |
Gần 40 năm kể từ ngày ra mắt, với không ít thăng trầm, đến nay tiểu thuyết “Búp sen xanh” liên tục được tái bản, một điều hiếm thấy trong đời sống văn học Việt Nam. Tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới và chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh…
Anh hùng Lao động đặc biệt
Sơn Tùng là một nhà văn đặc biệt, một Anh hùng Lao động, một thương binh 1/4 mang trên mình 14 vết thương, ba mảnh đạn còn găm trong sọ não. Nhưng bằng nghị lực và trí lực phi thường, ông vẫn làm việc và sáng tác, tạo dấu ấn đậm nét trong nền văn học nước nhà, thực sự là “người có trí mệnh” như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dành cho ông.
Trong căn nhà cũ kỹ ở ngõ nhỏ của khu tập thể Văn Chương, Hà Nội, Sơn Tùng đã đón tiếp các nhà hoạt động chính trị, nhà ngoại giao, nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ, nhà báo, những “tao nhân mặc khách” ở trong và ngoài nước. Từ năm 1974 đến nay, với khoảng 40 đầu sách, trong đó hơn 20 đầu sách viết về Bác Hồ, sức làm việc phi thường của nhà văn thương binh đã khiến nhiều người khâm phục.
Nay Sơn Tùng đã đi về cõi vĩnh hằng, nhiều nhà văn, nhà thơ, độc giả không khỏi bày tỏ niềm tiếc thương. Trên trang cá nhân, nhà văn Thiên Sơn, cháu họ của nhà văn viết: “Xin nghiêng mình tiễn biệt ông, người thầy lớn nhất của tôi. Một nhân cách đáng ngưỡng mộ bậc nhất mà tôi từng gặp trong đời. Ông để lại một tấm gương lao động quên mình và là một biểu tượng của sự liêm khiết, một nhà văn có phẩm giá”.
Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ cũng bày tỏ: “Chú Sơn Tùng - nhà văn, thương binh nặng, Anh hùng Lao động đã sống, viết trong khổ đau, bần hàn cùng cực vẫn ngạo nghễ, cao thượng, son sắt, đanh thép. Một con người phi thường và hiếm hoi”.
Nhà văn Sơn Tùng (Bùi Sơn Tùng) sinh năm 1928, tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An. Khi 16 tuổi, Sơn Tùng tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên ở địa phương. Sau khi Hà Nội giải phóng, Sơn Tùng học Trường Đại học Nhân dân, sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961, ông viết cho Báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên Báo Tiền Phong. Năm 1967, ông được điều vào Nam thành lập và phụ trách tờ Thanh niên Giải phóng. Năm 1971, ông bị thương nặng và rời chiến trường miền Nam với 80% thương tật.
Tháng 7/2011, Sơn Tùng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Ông trở thành nhà văn đầu tiên Hội nhà văn đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động khi đang còn sống (Trước Sơn Tùng, có một nhà văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng là liệt sĩ Chu Cẩm Phong).
Một số tác phẩm của Sơn Tùng: “Bên khung cửa sổ” (1974), “Nhớ nguồn” (1975), “Con người và con đường” (1976), “Trần Phú” (1980), “Nguyễn Hữu Tiến” (1981), “Bông sen vàng” (1990, 2016), “Trái tim quả đất” (1990), “Hoa râm bụt” (1990), “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh” (2005), “Bác ở nơi đây” (2005), “Tấm chân dung Bác Hồ” (2013), “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” (2015), “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh” (2016)...