Miền Trung luôn là đỉnh điểm của nắng nóng, nên vùng đất khô cằn này cộng với “gió Lào, cát trắng” đã trở thành một “đặc sản” về khí hậu mà ai từng sống hay trải nghiệm qua đây đều nhớ mãi.
Nhà thơ Huy Cận đã từng thốt lên trong bài thơ “Nhớ hờ”: “Ôi! nắng vàng sao mà nhớ nhung!/Có ai đàn lẻ để tơ chùng?/Có ai tiễn biệt nơi xa ấy/Xui bước chân đây cũng ngại ngùng…”.
Đó là câu chuyện của cảm xúc, tình nhớ, nhưng với tôi nắng là cả một ký ức khó quên nơi quê nghèo.
Mẹ tôi là giáo viên dạy cấp 2 ở trường làng nghèo. Ba tôi hồi đó định đi Đông Âu, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ thì ông không còn cơ hội nữa. Ông thất nghiệp, ở nhà đi buôn bán đủ thứ, từ làm nông dân, rồi buôn chè xanh, rồi làm hàng xáo (mua thóc về rồi xay xát thành gạo mang đi bán)...
Cuộc sống cơ cực nơi làng quê nghèo bỏng rát khiến ba tôi tính nóng như lửa. Trẻ con bọn tôi cũng phụ ba mẹ, nhưng trốn đi chơi là chủ yếu. Đi chơi thì đủ trò. Trời trưa tháng 5 nắng như đổ lửa mà vẫn đi bắt cá, chạch, rồi bắt ếch nhái, rồi chạy đi tắm sông, bàn tính chuyện ăn trộm ổi, chanh... của nhà hàng xóm.
Và những lần trốn đi chơi vậy, bọn tôi lại no đòn, nhưng đâu lại vào đấy. Tuổi thơ lam lũ, dữ dội dưới cái nắng miền Trung đó khiến tôi nhớ mãi công việc cơ cực của ba.
Nghề hàng xáo phải đi khắp làng quê hỏi nhà ai bán thóc không để mua. Mua xong mang đi xát gạo, rồi phải làm sạch, mang đi chợ bán. Hồi đó lời lãi cũng không đáng là bao, nhưng được cái nhà lúc nào cũng đầy gạo, chả sợ lo đói.
Với chiếc xe đạp cà tàng, ba tôi đi khắp nơi, lúc đi thì nhẹ nhàng, lúc về có cả tạ gạo trên xe đạp… Hồi đó, bọn tôi coi đó là chuyện thường mà không biết ba đã quá vất vả làm lụng buôn bán ở chợ quê nuôi nấng ba anh em tôi ăn học đàng hoàng.
Tôi thích ngắm hoa mướp trong nắng trưa. Buổi trưa ở quê nắng chói chang lắm, nên có câu hát: “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc”, có nghĩa là bầu trời không có một gợn mây, chỉ có cái nắng bỏng rát bàn chân.
Đó là những buổi trưa yên tĩnh, gió ít và nhiều khi không có gió thổi. Người quê đều ngủ trưa như một cách trốn nắng, trẻ con bọn tôi thì hầu như không ngủ. Nắng cứ chói chang vậy, các bông hoa mướp nở ra vàng rực rất đẹp. Nó đẹp như một sự thách thức với nhiệt độ quá cao và sự khô khan xung quanh. Bướm và chuồn chuồn trêu đùa, khiến cho dàn mướp thật sinh động.
Buổi trưa, ngồi ngắm hoa mướp chừng 15 phút sẽ hoa mắt, như bị ảo giác mà dân quê gọi là “say nắng”. Màu vàng của hoa, cùng với sự bay lượn của bướm đầy sắc màu, cái nắng gắt chiếu thẳng đứng rất khó chịu khiến cho mắt và cơ thể con người bị lảo đảo nếu ngắm nhìn quá lâu.
Lại phải trốn vào trong nhà hay tìm nơi mát mẻ cho đôi mắt dịu lại, rồi lại nhìn ra vườn mướp tìm sự nhảy múa của nắng, của hoa, của bướm…
Sự yên tĩnh của làng quê miền Trung những ngày hè là như vậy. Chói chang, bỏng rát và có chút gì đó cô độc.
Bây giờ ba tôi đã già, ông bỏ nghề buôn bán từ lâu. Ông chỉ đạp xe qua nhà bác uống nước chè, nói chuyện tào lao rồi về. Dáng ông chậm rãi trong nắng chiều và thảnh thơi hơn.
Mưa hay nắng đều có kỷ niệm với con người. Mùa nào cũng đáng yêu, đáng thương và nhớ. Nó có thể là mùa của lam lũ, khô cằn, lũ lụt nhưng cũng là mùa của tươi mới, hy vọng.
Buổi sáng hôm nay, tôi lại nhớ nắng, nhớ cái kỷ niệm thơ dại, khốn khó đó biết bao…