Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đình Lộc, Báo Pháp luật Việt Nam xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Hà Hùng Cường, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam với tiêu đề “Nhớ anh Nguyễn Đình Lộc - vị Bộ trưởng Tư pháp trí tuệ, tâm huyết và liêm chính”.
Những ngày cuối năm Canh Tý này, tôi thật sự bàng hoàng khi nhận được tin về sự ra đi của Anh Nguyễn Đình Lộc. Trong niềm xúc cảm ấy, bao kỷ niệm sâu sắc về Anh, về những năm tháng có may mắn được gần gũi, làm việc cùng Anh và được Anh rèn luyện lại hiện về. Chắc không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai từng được làm việc với Anh đều thấy trong Anh hội tụ hình ảnh của một người thầy mẫu mực, một nhà luật học uyên thâm, giàu ý tưởng sáng tạo và một nhà quản lý tâm huyết, liêm chính, có nhiều đóng góp lớn với Bộ, ngành Tư pháp và đất nước.
Anh Nguyễn Đình Lộc sinh ngày 13/9/1935, quê quán xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Mồ côi cả cha và mẹ từ nhỏ, nhưng với nghị lực vốn có, Anh bám đời, bám trường và tự học để học hết cấp III - Trường Huỳnh Thúc Kháng với kết quả xuất sắc, được Nhà nước cử đi học đại học Luật ở một trường đại học danh giá bậc nhất của Liên Xô cũ - Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp. Cũng tại trường đại học này, năm 1978, Anh là một trong vài người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Luật.
Trước khi đảm nhận cương vị Bộ trưởng Tư pháp, Anh từng là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có nhiều công lao, đóng góp cho việc tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Có lẽ chính vì vậy, Anh đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao trọng trách làm Bộ trưởng Tư pháp 10 năm liền (1992-2002).
Những đóng góp và dấu ấn mà Anh để lại trong 10 năm đó thực sự là nền tảng vững chắc cho những chặng đường phát triển đầy tự hào của Bộ, ngành Tư pháp.
Giai đoạn Anh đảm nhận cương vị Bộ trưởng Tư pháp là giai đoạn lịch sử rất đặc biệt. Đây là 10 năm đầu Việt Nam triển khai thi hành Hiến pháp năm 1992 (bản Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ Đổi mới).
Đây cũng chính là thời kỳ tiến trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập được gia tốc với sự diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, mang tính bản lề trong tiến trình Đổi mới như: Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ (năm 1994), gia nhập ASEAN (năm 1995), gia nhập APEC (năm 1998), ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2000).
Ở giai đoạn này, Đảng ta chính thức chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân (từ năm 1994) và sau đó chủ trương này được hiến định trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vào năm 2001.
Đây cũng là giai đoạn nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước, kinh tế Việt Nam nhiều năm liền tăng trưởng ở mức cao đồng thời trụ vững trước nhiều tác động bất lợi của cuộc Khủng hoảng tài chính khu vực châu Á (các năm 1998-1999).
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội rất đặc biệt đó, nhu cầu xây dựng thể chế, thiết lập nền tảng pháp lý để kịp thời phục vụ tiến trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, mở cửa, hội nhập, xây dựng Nhà nước pháp quyền được đặt ra một cách cấp thiết. Bằng trí tuệ uyên bác, với tư duy sắc sảo và trình độ luật học uyên thâm, Anh đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho việc lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, ngành Tư pháp hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước giao phó, nhất là việc chủ trì xây dựng và tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội những đạo luật mang tính rường cột của nước nhà.
Trong số những văn bản đó phải kể tới Bộ luật Dân sự năm 1995 (Bộ luật Dân sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Bộ luật Hình sự năm 1999 (Bộ luật Hình sự đầu tiên của thời kỳ Đổi mới). Trong các bộ luật ấy, đều có dấu ấn rõ nét của Anh cả về định hướng nội dung tư tưởng, tư duy thiết kế và kỹ thuật lập pháp.
Thực tiễn hơn 1/4 thế kỷ qua cho thấy những tư tưởng nền tảng cùng nhiều quy định của các bộ luật kể trên vẫn còn nguyên giá trị và được kế thừa trong tiến trình lập pháp. Trong đó, phải kể tới các quy định ghi nhận, bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ tự do cam kết, thỏa thuận (tự do hợp đồng), các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các quy định về thừa kế, các quy định về giao dịch dân sự liên quan tới đất đai, các quy định về sở hữu trí tuệ và các quy định dân sự có yếu tố nước ngoài.
Đây là các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995 với tư cách là nền tảng pháp lý cho các quan hệ tư được xác lập, thực hiện và bảo vệ, qua đó, thúc đẩy tiến trình giải phóng năng lực sản xuất, phát triển các loại thị trường và bảo đảm cho các giao dịch dân sự, kinh tế trong tiến trình hội nhập quốc tế được diễn ra thuận lợi.
Bộ luật Dân sự năm 1995 cũng chứa đựng những khái niệm, thuật ngữ pháp lý mang tính chuẩn mực mà Anh và các cộng sự đã dày công xây dựng. Các quy định về các tội phạm mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường lần đầu tiên được quy định khá toàn diện trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (thay thế các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985) đã góp phần bảo vệ trật tự xã hội mới, phù hợp yêu cầu của quá trình chuyển đổi trong những thập niên đầu của thời kỳ Đổi mới.
Một trong nhiều dấu ấn lập pháp khác mà Anh để lại chính là việc trực tiếp lãnh đạo, tổ chức tiến trình xây dựng dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Việt Nam ban hành vào năm 1996.
Với việc ban hành đạo luật này, công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương từng bước được đưa vào nền nếp, tạo tiền đề thiết lập một hệ thống pháp luật có tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong tiến trình hình thành các quy tắc xử sự chung điều chỉnh các quan hệ xã hội, qua đó, góp phần hiện thực hóa quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân do Hiến pháp năm 1992 ghi nhận.
Không thể không kể đến những đóng góp vô cùng quan trọng của Anh vào việc hình thành các chiến lược Cải cách pháp luật và Cải cách tư pháp của Đảng. Ấy là vào các năm 1999-2002, trước yêu cầu tiếp tục Đổi mới của đất nước, Anh đã chủ trì nghiên cứu một công trình đồ sộ về “Đánh giá nhu cầu phát triển của hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam”; tạo cơ sở lý luận và thực tiễn để sau đó Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Cũng trong giai đoạn 1992-2002, dưới sự lãnh đạo của Anh, nhiều thiết chế, thể chế về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự vốn gắn với kinh tế thị trường đã được hoàn thiện hoặc định hình như hộ tịch, quốc tịch, giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, luật sư, công chứng, trọng tài thương mại, hòa giải ở cơ sở, hệ thống thi hành án dân sự đã hình thành độc lập với cơ quan xét xử… Những thiết chế này đang đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của đất nước.
Và đi cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của công tác đào tạo cử nhân luật, mở rộng Trường Đại học Luật Hà Nội, thành lập Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh và công tác đào tạo các chức danh tư pháp, với việc thành lập Trường Đào tạo các chức danh tư pháp; tiền thân của Học viện Tư pháp ngày nay. Trong những học viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo luật này qua các kỳ Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội vừa qua, đều liên tục có hàng chục người tham gia Trung ương Đảng và Đại biểu Quốc hội mỗi khóa.
Trong công việc hằng ngày, Anh thật sự là tấm gương lớn về sự liêm chính, chí công vô tư, dĩ công vi thượng cùng sự tận tụy, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ. Anh luôn duy trì sự đam mê nghiên cứu, học hỏi cái mới và ham đọc sách tới tận những năm tháng cuối đời. Với từng nội dung tham mưu với Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Anh không ngừng trăn trở, suy tư về tính hợp lý cùng cơ sở lý luận và thực tiễn của mỗi đề xuất, bảo đảm mỗi ý kiến tham mưu đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân, của đất nước và dân tộc.
Nhận thức rõ trách nhiệm chính trị và xã hội của mình, Anh thường đòi hỏi rất cao về tinh thần trách nhiệm, sự cẩn trọng và tỉ mỉ trong công việc đối với đội ngũ tham mưu, nhất là với các lãnh đạo cấp Vụ, nhưng luôn trân trọng và kịp thời ghi nhận những đóng góp dù nhỏ nhất của các cán bộ, công chức, người lao động.
Chính nhờ tài năng, trí tuệ và nhân cách lớn ấy, Anh đã tập hợp chung quanh mình nhiều cộng sự giỏi, được đào tạo bài bản, học được ở Anh nhiều đức tính quý giá. Có lẽ chính nhờ sự nghiêm khắc của Anh cùng sức lan tỏa của tấm gương lớn đó, nhiều lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tư pháp đã có thêm cơ hội và động lực rèn luyện, trưởng thành, để lại nhiều đóng góp cho Bộ, Ngành và đất nước, trong đó có những đồng chí sau này được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó những trọng trách lớn.
Với đối tác nước ngoài, Anh luôn thân thiện, cởi mở, tinh tế trong ứng xử, vì thế rất được bạn bè quốc tế nể trọng. Trong cuộc sống đời thường, Anh là người có lối sống rất giản dị, tiết kiệm, gần gũi với những người chung quanh, thủy chung với bạn bè, đồng nghiệp.
Những đóng góp của Anh và những dấu ấn mà Anh để lại cho Bộ, ngành Tư pháp và đất nước không dễ gì kể hết. Sự ra đi của Anh không chỉ là tổn thất lớn với Bộ, ngành Tư pháp mà còn là tổn thất lớn với nền Luật học Việt Nam đương đại. Các thế hệ cán bộ của ngành Tư pháp luôn tự hào về Anh đáng kính và sẽ nhớ mãi Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc - cây đại thụ của nền Tư pháp, pháp luật Việt Nam hiện đại, vị Bộ trưởng Tư pháp trí tuệ, tâm huyết và liêm chính.