Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay tại Davos là “Tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại” (rethink, redesign and rebuild) đã được nhận định là “chuẩn không cần chỉnh” khi mà nền kinh tế thế giới bắt đầu quá trình hồi phục sau thời gian dài khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên, Jeremy Warner, một nhà phân tích kinh tế có hạng ở nước Anh cho rằng chủ đề rất đúng, hay, nhưng chưa đủ.
Quan cảnh tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2010. |
Theo ông là chủ đề cần phải thêm 2 “r” nữa đó là repent (hối cải) và reform (cải cách). Ý ông muốn xoáy vào cách thức làm việc của các chính phủ và ngân hàng lớn cần phải nhìn lại cách làm việc của mình trong thời gian gượng dậy với hai mặt tích cực và tiêu cực để tiếp tục phát huy, nghĩa là phải biết hối cải để cải cách mạnh mẽ hơn.
Nếu chỉ là việc loại bỏ độc quyền, quỹ đầu tư hợp tác và các hoạt động đầu tư tư nhân từ “ô dù” của các ngân hàng thương mại lớn là không hề đáng kể. Lý do là kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu năm 2008, hầu hết các ngân hàng đã cắt giảm kinh doanh độc quyền nên tỷ lệ là không đáng kể trong các khoản thu và lợi nhuận. Kế hoạch đưa ra là hạn chế các ngân hàng nhỏ, chỉ thực hiện các giao dịch dựa trên việc gửi và cho vay của khách hàng, cấm các hoạt động thương mại có dấu hiệu vụ lợi hay xa hơn nữa là chấm dứt mô hình hoạt động của các ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ toàn năng. Ngoài ra, còn có cả kế hoạch cân đối lại hệ thống tư nhân. Như vậy là quá nhiều nhưng thực tế chẳng có gì mới. Qua đó thấy được chúng ta đang sống trong giai đoạn mà những vấn đề mấu chốt về tài chính đều không chắc chắn nên rất cần sự cải cách.
Cùng vào thời điểm này năm ngoái, là giai đoạn khủng hoảng của giới ngân hàng và nền kinh tế thế giới đang rơi tự do. Không ít ông chủ đã tính con đường… quyên sinh để tự giải thoát. May mắn là sau đó cũng dần dần hồi phục nhưng đó không phải là dấu hiệu của sự bền vững. Nhiều chính phủ đã phải phát hành công trái với số lượng lớn chưa từng thấy nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong tương lai. Chính vì thế mà quá trình hồi phục chậm vì chưa đủ xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư đổ tiền trở lại.
Các ngân hàng lớn lại tỏ ra lo lắng với cách làm đó rất dễ tạo ra một cuộc khủng hoảng nữa. Nhiều thị trường mới nổi đã chấp nhận bỏ qua mô hình ngân hàng truyền thống trong việc phát triển ngành dịch vụ tài chính. Thay vì lập ra mạng lưới chi nhánh để thu nhận tiền gửi và giải quyết các yêu cầu của khách hàng, nhiều ngân hàng đã giao dịch qua điện thoại di động và Internet. Trước mắt, cách thức này giúp giảm chi phí đáng kể nhưng về lâu về dài có thể gặp phải khó khăn rất lớn trong công tác quản lý và cơ cấu hoạt động.
Davos lần này với chủ đề “Tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại” kèm theo sự hy vọng đây như một bước chuyển tiếp, thậm chí là bệ phóng để nền kinh tế thế giới bật mạnh trở lại nhưng thực chất nó chỉ mang tính phản ánh những gì đang diễn ra hơn là chờ mong điều tốt đẹp sẽ đến. Những thách thức trước mắt là rất lớn nên rất cần Davos nhìn lại toàn bộ những nỗ lực đã qua để gượng dậy sau khủng hoảng, nhằm tìm ra con đường cải cách phù hợp nhất, lâu bền nhất.
ANH THƯ