Nhìn lại những biến động thế giới 2019

Nước Anh tiếp tục tiến trình ra khỏi EU
Nước Anh tiếp tục tiến trình ra khỏi EU
(PLVN) - Thế giới năm 2019 có những diễn biến bất ngờ mới với tác động to lớn và hệ luỵ sâu sắc trên nhiều phương diện. Nhưng ở vào thời điểm này, nhìn lại thì thấy chưa đủ để làm cho thế giới năm 2019 khác biệt cơ bản so với trước. 

1. Chiều hướng chuyển động của thế giới trong năm 2019 tiếp tục nhiều hơn là khác biệt so với những năm trước. Ở khu vực này hay trong quốc gia nọ có những biến động rất dữ dội, thậm chí đến mức có thể được coi là đột biến, nhưng phạm vi tác động của chúng chỉ giới hạn ở trong khuôn khổ khu vực hay quốc gia ấy. Ở những nơi ấy, tình hình chính trị an ninh và ổn định xã hội không được đảm bảo nhưng về cơ bản thì tình hình chính trị an ninh và ổn định chung trên thế giới vẫn không khác biệt gì nhiều so với năm trước. Thế giới vẫn không ngừng biến động nhưng không hỗn loạn.

Những cuộc xung đột vũ trang ở khu vực và nội chiến ở quốc gia như ở Afghanistan, Trung Đông, Syria, Yemen, Libya... vẫn dai dẳng nhưng những diễn biến mới chưa làm thay đổi cục diện chiến lược chung. Mỹ và Taliban đàm phán hoà bình nhưng chưa đạt được thoả thuận cuối cùng. Afghanistan vẫn đan xen giữa chiến sự và đàm phán để chờ đến thời điểm Mỹ và đồng minh triệt thoái hoàn toàn quân đội ra khỏi Afghanistan. Mỹ đã rút quân ra khỏi Syria; và Nga cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đã thoả thuận về cục diện chính trị và an ninh cho thời hậu chiến ở đất nước này; nhưng việc thực hiện nó lại là chuyện của những năm sau này chứ chưa phải là chuyện ở thời hiện tại. 

Việc Mỹ triệt thoái quân đội ra khỏi Syria là một trong hai sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2019 ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh; vì như thế đâu có khác gì nhường sân khấu cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện. 

Sự kiện nổi bật thứ hai là việc Mỹ cùng đồng minh và Iran xô đẩy nhau đến mức độ đối địch chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Hai bên đã triển khai quân đội ở vùng Vịnh, đã bố trí thế trận chính trị cũng như dư luận để sẵn sàng đấu chọi nhau. 

Có thể nhận ra được từ hai sự kiện nổi bật này tác động chi phối diễn biến tình hình tiếp theo là Mỹ giảm can dự quân sự trực tiếp; cũng như Mỹ và Iran tuy vẫn còn đối địch nhau nhưng sẽ không để xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp với nhau, càng không sa vào chiến tranh với nhau.

2. Trong năm 2019, không có cuộc xung đột khu vực nào hay vấn đề chính trị an ninh thế giới lớn nào được giải quyết. Ngoài chiến sự ở Syria, mối quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên và Iran được để ý đến nhiều do liên quan đến cùng vấn đề là chương trình hạt nhân của hai nước kia và do trong thực chất đấy là chuyện quan hệ song phương giữa Mỹ và hai nước ấy. 

Ở đây, diễn biến theo hai chiều hướng khác nhau. Giữa Mỹ và Iran đi từ găng đến dịu, từ có giải pháp đến không còn giải pháp; trong khi giữa Mỹ và Triều Tiên thì ngược lại. Nhưng cả hai chuyện giống nhau ở chỗ đều chưa đâu vào đâu và đều sẽ có bất ngờ mới trong năm tới do đều đóng vai trò rất quan trọng với cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ trong năm tới.

Mối quan hệ giữa các nước lớn với nhau luôn có tác động rất sâu sắc tới diễn biến tình hình thế giới trên mọi phương diện, đặc biệt là mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ với Nga. EU, Nhật Bản, Ấn Độ hay một vài đối tác khác vẫn chỉ có tầm ảnh hưởng ở khu vực hay châu lục là chủ yếu. 

Các mối quan hệ giữa bộ ba nói trên trong năm 2019 về cơ bản không có biến động lớn và tiếp tục biến động theo chiều hướng chung đã định hình là giữa Trung Quốc và Nga thì tốt đẹp và tin cậy; giữa Mỹ với Nga hay giữa Mỹ với Trung Quốc không được cải thiện đáng kể gì nhưng cũng không xấu thêm đi một cách nghiêm trọng. Có thể coi chúng hiện vẫn ổn định một cách tương đối. Mỹ và Nga tiếp tục giằng co nhau về chính trị an ninh, quân sự và địa chiến lược, đặc biệt ở khu vực vùng Vịnh; trong khi Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược thông qua xung khắc thương mại. Trong năm 2020, các bên này sẽ vẫn tiếp tục như thế với nhau.

3. Trong khuôn khổ châu lục thì châu Âu và Mỹ Latin 2019 biến động dữ dội hơn cả. Châu Âu không chỉ với việc nước Anh ra khỏi EU mà còn cả những chuyển biến chính trị xã hội nội bộ ở nhiều quốc gia, ở sự trỗi dậy của lực lượng cực hữu, cực đoan, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa, ở trong EU với sự phân hoá và bất hoà nội bộ sâu sắc. Ở Mỹ Latin với cuộc đấu tranh chính trị quyền lực và xã hội ở nhiều quốc gia. Ở cả hai nơi này, năm 2020 sẽ cho thấy có thể vãn hồi ổn định chính trị xã hội hay là sẽ còn khủng hoảng chính trị xã hội và quyền lực quốc gia lâu dài?

Thế giới năm 2019 chưa xua tan được hết mọi lo ngại lâu nay về triển vọng nhanh chóng giải quyết được các vấn đề cấp thiết chung dai dẳng lâu nay. Kết quả ít ỏi của hội nghị của Liên Hợp quốc về bảo vệ khí hậu trái đất ở Madrid (Tây Ban Nha) là lời cảnh báo mạnh mẽ. Xung khắc thương mại và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn thách thức quyết liệt xu thế toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại trên phạm vi toàn thế giới. Phục hồi nhịp độ tăng trưởng cao cho kinh tế và thương mại thế giới vẫn là nhu cầu rất cấp thiết đối với cả thế giới. Việc thúc đẩy và đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương, của các tổ chức và thể chế đa phương càng thêm quan trọng hơn bao giờ hết.

Dự báo luôn là việc rất khó. Năm 2020, sự kiện được thế giới để ý đến nhiều nhất là cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Không loại trừ khả năng vì cuộc bầu cử này mà phía Mỹ sẽ có những động thái với tác động tới khía cạnh này hay phương diện kia của tình hình thế giới. Nhưng tác động ấy mạnh sâu đến đâu và có bền vững hay không thì lại phải trong năm sau nữa mới có thể rõ được. 

Tin cùng chuyên mục

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đọc thêm

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.

Một cầu thủ bóng đá được trao Huân chương Tự do Tổng thống

Messi giành Quả bóng vàng 2021. (Ảnh: Euro Sport)
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden vừa trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống – danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân Mỹ – cho siêu sao bóng đá Messi cùng 18 cá nhân xuất sắc khác. Buổi lễ tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ trong việc làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới
(PLVN) - Thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ phiên đấu giá cá ngừ vây xanh lập kỷ lục tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh tăng trở lại sau gần một thập kỷ tại Hàn Quốc, đến chương trình khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân sắp triển khai tại Indonesia. Đặc biệt, câu chuyện bé trai Zimbabwe sống sót kỳ diệu sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, với niềm tin vào những điều tốt đẹp...

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới
(PLVN) - Những ngày đầu năm mới 2025 chứng kiến loạt thảm họa và tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên khắp thế giới, từ động đất ở Ethiopia, cháy nổ ở Ấn Độ và Trung Quốc, đến các vụ xả súng và tai nạn giao thông kinh hoàng tại Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc). Mỗi sự cố đều để lại hậu quả nặng nề, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây ra tổn thất lớn về vật chất.