Theo New York Times, việc từ chức của ông Sessions đã chấm dứt mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai ông kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống.
Trên thực tế, trước đây, ông Sessions là một trong những nghị sỹ đầu tiên ủng hộ ông Trump tranh cử tổng thống.
Tuy nhiên, mối quan hệ này đã đi xuống, trở thành một trong những cuộc đối đầu công khai căng thẳng nhất trong lịch sử Mỹ giữa một vị tổng tư lệnh và một thành viên cao cấp trong nội các sau khi ông Sessions tách mình khỏi cuộc điều tra về cáo buộc có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga nhằm tránh những xung đột lợi ích.
Quyết định này của ông Sessions và những tiến triển của cuộc điều tra dưới sự lãnh đạo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã dẫn tới việc Tổng thống Mỹ, cả trực tiếp và trên kênh Twitter của ông, thường xuyên công kích Bộ Tư pháp và bản thân ông Sessions.
Hồi tháng 8 vừa qua, ông Trump nói móc ông Sessions là người lúc nào cũng sợ hãi và không hành động, không kiểm soát được bộ do mình đứng đầu, yếu kém.
Cũng trong tháng đó, khi ông Trump tiếp tục có những phát biểu chỉ trích mình, ông Sessions đã ra tuyên bố phản bác Tổng thống và tuyên bố: “Khi tôi là Bộ trưởng tư pháp, mọi hành động của Bộ Tư pháp sẽ không bị ảnh hưởng một cách không phù hợp bởi những cân nhắc về chính trị. Tôi yêu cầu tiêu chuẩn cao nhất và khi những tiêu chuẩn cao nhất không được thực thi, tôi sẽ ra tay”.
Ông Trump cũng công khai thúc giục ông Sessions mở cuộc điều tra về đối thủ của ông là bà Hillary Clinton và các thành viên khác của đảng Dân chủ nhưng ông Sessions đã không làm theo.
Trong nhiều tháng qua, ông Trump đã tuyên bố muốn thay ông Sessions nhưng các nhà làm luật và giới chức Mỹ cho rằng việc sa thải Bộ trưởng Tư pháp trước bầu cử giữa kỳ sẽ có hậu quả tiêu cực với Đảng Cộng hòa.
Chính vì vậy nên nhiều người không bất ngờ khi ông Sessions từ chức chỉ một ngày sau cuộc bầu cử vốn chứng kiến đảng Cộng hòa chỉ giữ được quyền kiểm soát Thượng viện.