Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Bảo, những năm qua được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, thành phố, hệ thống đê, kè, cống của huyện tương đối hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ PCLB-TKCN. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thiên tai, thời tiết trong mùa bão, lũ so với yêu cầu đặt ra, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều vị trí đê, kè, cống xung yếu không an toàn.
Kè Thượng Lộc qua địa bàn xã Dũng Tiến (Vĩnh Bảo) chân kè bị sạt, mặt kè nhiều chỗ bị sụt, lún, không bảo đảm an toàn. |
Thực tế, tuyến đê chống bão của huyện mới được thiết kế đối phó với bão cấp 8, 9 vì vậy còn bộc lộ nhiều điểm xung yếu khi có bão lớn xảy ra. Đơn cử, tại một số đoạn đê tả sông Hóa thuộc địa phận các xã: Hiệp Hòa, Vĩnh Phong, Cộng Hiền, đê hữu Thái Bình thuộc địa phận xã Vĩnh An…cao trình mặt đê thấp, mặt đê nhỏ, mái đê phía trong đồng bị vi phạm nhiều, rò rỉ qua thân đê… Tại ột số đoạn kè như Hiệp Hòa 1 xã Hiệp Hòa, Thâm Động 2 xã Đồng Minh, Thượng Lộc xã Dũng Tiến chân mái kè bị sạt, hư hỏng nặng. Một số cống như cống Trắng (Dũng Tiến), Kênh Trạch (Hưng Nhân), Phần Thượng (Vĩnh Phong), Ba Làng (Cao Minh), Thiết Tranh (Vĩnh An), Tân Liên, Trung Am, Triền Am (Lý Học), cống Nam Am (Tam Cường)…do xây dựng từ lâu nên thân cống ngắn, tường cánh, thân cống, mang cống bị hư hỏng…Nhiều năm qua, tại nhiều tuyến đê sông của huyện Vĩnh Bảo xảy ra tình trạng hộ kinh doanh bến bãi, xây dựng cầu cảng trái phép, đào ao, đắp đầm nuôi trồng thủy sản, tự ý xây nhà vi phạm hành lang vấn đề. Các phương tiện vận tải cày xới mặt đê diễn ra từ lâu trên nhiều tuyến đê chưa được giải quyết. Tại các xã Dũng Tiến, Giang Biên, Việt Tiến, An Hòa, Hiệp Hòa, Thắng Thủy có đê nằm dọc các tuyến đê sông Hóa, Luộc, Thái Bình tình trạng đê điều bị xâm lấn diễn ra thường xuyên. Hoạt động kinh doanh bến bãi nuôi thả cá của một số hộ dân vẫn diễn ra bình thường, có phần sôi động hơn. Đoạn đê phòng hộ và con đường hộ đê thì cứ phải oằn mình gánh chịu sự tàn phá của các loại phương tiện đã bị liệt vào danh sách cấm lưu hành (xe công nông). Bờ kè đê cũng bị huỷ hoại do hằng ngày phải “tiếp đón” các sà lan cập bến làm hằng. Nguy hiểm nhất là đoạn bờ kè chưa được đá hoá đã bị xói mòn sát tận chân đê. Với thực trạng này, một số vị trí được quan tâm đầu tư bằng nguồn vốn tu bổ đê điều thường xuyên hằng năm của thành phố, nhưng do kinh phí đầu tư còn hạn chế nên so với yêu cầu chẳng thấm tháp là bao. Vì vậy, nhiều vị trí đê, kè cống xung yếu đến nay vẫn đang chờ nguồn vốn.
Thực tế này đặt ra cho huyện Vĩnh Bảo, các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường phối hợp, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công kết hợp giám sát chất lượng tu bổ hệ thống đê, kè nhằm chủ động đối phó có hiệu quả diễn biến thời tiết khi mùa mưa bão đến gần. Đồng thời, kiên quyết hơn trong việc xử lý các vụ vi phạm hệ thống đê, kè cống trên địa bàn. Thành phố quan tâm tiếp tục bố trí nguồn vốn tu bổ, nâng cấp kịp thời những vị trí đê, kè, cống xung yếu mất an toàn. ./.
Minh Hiển