[links()]Ngày thứ 4 phiên xét xử vụ án “Trang trại Đồng Tâm” làm xôn xao dư luận Vĩnh Phúc trong 1 thời gian dài. Thời tiết ngoài trời có mát mẻ hơn so với những ngày trước, nhưng trong tòa, cái “nóng” đã lên đến cực điểm với phần tranh tụng của Luật sư bào chữa cho các bị can, bị cáo, đặc biệt là phần bào chữa cho bị cáo Lại Hữu Lân (Nguyên Bí thư thành ủy Vĩnh Yên).
Tại phiên tòa, Luật sư Hoàng Ngọc Biên trưởng VPLS Cát Tường đưa ra quan điểm đối với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, thiệt hại được coi là yếu tố bắt buộc cấu thành tội phạm, vì vậy cần phải đặt câu hỏi về việc: “Có hay không thiệt hại vật chất do các bị cáo gây ra cũng như việc VKS cần phải chứng minh, làm rõ, phải chỉ ra được cá nhân hay tổ chức nào đã bị những thiệt hại về vật chất và phi vật chất do chính các hành vi trái pháp luật của các bị cáo đã gây ra?. Việc xác định là người bị hại hay nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự là yếu tố bắt buộc để xác định có hậu quả hay không do các hành vi trái công vụ”.
Cũng theo phần bào chữa của Luật sư Hoàng Ngọc Biên, sẽ không đủ căn c/ứ pháp lý để quy buộc trách nhiệm hình sự cho các bị cáo nếu không thể chứng minh được ai là người bị thiệt hại số tiền trên, không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của các bị cáo với hậu quả xảy ra.
Một vấn đề mà những ngày qua dư luận tại Vĩnh Phúc hết sức quan tâm đó là chiếc ô tô bạc tỷ mà Nguyễn Anh Quân mua tặng Lại Hữu Lân. Vấn đề này, luật sư bào chữa đề nghị cơ quan công tố phải làm rõ, chứng minh được việc chiếc xe trên có phải “động lực” để ông Lân dùng quyền lực của mình “ưu tiên” cho Quân trong việc xây dựng dự án trang trại tại phường Đồng Tâm hay không.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Lại Hữu Lân, luật sư Trần Đình Triển cho rằng có nhiều tình tiết mới trong vụ án này cần được làm sáng tỏ. Đó là, 5 giám định viên của Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc tham gia giám định những thiệt hại, mức độ bồi thường trong dự án trang trại phường Đồng Tâm được Bộ Tư pháp cấp thẻ giám định viên từ ngày 10/1/2011 trong khi tại bản Kết luận giám định của Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc do 5 giám định viên nói trên được công bố vào ngày 7/1/2011. Điều này có nghĩa, thời điểm 5 giám định viên tham gia giám định chưa có thẻ giám định viên, chưa đủ tư cách để thực thi nhiệm vụ.
“Theo quy định pháp luật, khi tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, tòa án không phải lúc nào cũng hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn nên cần phải có giám định của cơ quan chuyên môn để đánh giá hành vi đúng, sai, mức độ thiệt hại. Việc giám định viên chưa được cấp thẻ mà vẫn tiến hành tham gia giám định mức thiệt hại có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” mà các cơ quan chức năng cần phải xem xét để xử lý nghiêm minh” – Luật sư Triển phân tích.
Cũng theo luật sư Triển, đây là vụ án được phát hiện, điều tra trên cơ sở khiếu nại, tố cáo của người dân, do vậy, trước hết cần giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo. Đơn cử như các cơ quan hành chính nhà nước sẽ là nơi thụ lý vụ việc trước, sau đó, mới có thể xem xét chuyển cơ quan tố tụng hồ sơ vụ việc. Nhưng, các cơ quan pháp luật đã hơi vội vàng quy kết các bị cáo, do đó, đã dẫn đến những thiếu sót.
Trong phần trả lời các câu hỏi luật sư đề ra, công tố viên dành khá nhiều thời gian cho việc giải thích từ ngữ, viện dẫn các quy định của pháp luật tố tụng và các văn bản liên quan đến tội danh của các bị cáo. Rất nhiều quan điểm của luật sư bị bác bỏ. Đại diện VKS cho rằng: trong từ điển không có “dự án ma”, nhưng ai cũng sẽ hiểu được nghĩa của cụm từ này. Cáo trạng có dùng thuật ngữ này nhưng là để trong ngoặc kép. Trả lời kết quả giám định về thiệt hại, công tố viên cho rằng số liệu chính xác, bởi nó đã được thành lập cả một hội đồng, tính toán có cơ sở khoa học.
Câu hỏi của luật sư Trần Đình Triển về việc các Giám định viên chưa được cấp thẻ mà vẫn tiến hành tham gia giám định, công tố viên “nhường” quyền trả lời cho giám định viên có mặt tại phiên tòa. Bà Phí Thị Lâm (Sở TN&MT Vĩnh Phúc) cho rằng quyết định bổ nhiệm giám định viên được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký từ ngày 30/12/2010 nên các giám định viên đã đảm bảo theo quy định của pháp luật khi hành nghề.
Cũng trong hôm nay, dư luận lại có dịp được “nóng" lên sau khi Luật sư Trần Đình Triển cung cấp cho HĐXX một đĩa ghi âm mà theo theo luật sư Triển có chứa nội dung cuộc nói chuyện giữa Viện phó VKS tỉnh Vĩnh Phúc và bị cáo Lại Hữu Lân. Viện phó VKS đã nhiều lần thuyết phục bị cáo Lại Hữu Lân không nên thuê luật sư nếu muốn mức án nhẹ nhàng.
Nhặt nhạnh ngoài phòng xử Hôm nay, khi các Luật sư của bị cáo Lại Hữu Lân đã có yêu cầu HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo này bởi sức khỏe bị cáo không tốt, một cậu thanh niên tầm 20 tuổi đứng ngoài phòng xử nói khẽ, nhưng đủ cho mọi người xung quanh nghe thấy: "Phạm tội thì phải chịu tội, khỏe hay yếu liên quan gì". Không ít người đã tỏ ra bất bình trước câu nói đó. Một cụ già tầm 70 tuổi nói: "Phạm tội hay không, đã có pháp luật điều tra, xét xử. Ông Lân cũng đã già rồi. Nghe nói hồi đương chức ông ấy cũng có không ít công lao, mang không ít dự án đầu tư lớn về cho thành phố, cho tỉnh mình. Nghe nói ông Lân cũng vì tiếp khách, phải uống bia, rượu nhiều nên sức khỏe mới suy sụp như thế. Công lao ông ấy không ít, sức khỏe thì yếu thấy rõ, nên việc "ưu tiên" cho ông Lân cũng đâu phải không nên". |
Hoàng Phan