[links()]Ngay trong những ngày đầu tháng 3, ngoài việc ra quyết định cưỡng chế, cơ quan chức trách còn cấp mới giấy đăng ký kinh doanh được cho là có nhiều “ mờ ám”…
Như Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, năm 2010, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định số 210 thu hồi 223.443m2 đất giao cho UBND Tp. Hạ Long bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng cảng tổng hợp thuộc hệ thống cảng Cái Lân, dự án này do Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama làm chủ đầu tư. Quyết định này đồng nghĩa với việc Công ty TNHH Hoài Nam chính thức bị “cắt” 13.708m2 để phục vụ dự án.
Dù Lilama đã thoái vốn nhưng Giấy đăng ký kinh doanh thay đổi lần 3 cấp cho Công ty Cổ phần Cảng và Vận tải Lilama vẫn có tên cổ đông là Lilama! |
Tuy nhiên, dù mang “họ” Lilama, nhưng tháng 10/2012, Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) đã chính thức thoái vốn tại Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama. Theo đó, Nghị quyết HĐQT số 397, ngày 8/10/2012 của Lilama đã quyết nghị “thoái vốn tại Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama” bằng việc “chấm dứt quyền sử dụng thương hiệu Lilama” tại công ty này. Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Lilama, cho biết, giá trị vốn góp của Lilama vào doanh nghiệp nói trên là 15% “bằng giá trị thương hiệu”.
Mặc dù Lilama đã chính thức thoái vốn, nhưng trong một diễn biến mới nhất, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Ninh vẫn cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh có tên cổ đông là tổng công ty này.
Theo đó, ngày 17/3/2013, Phòng đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Ninh) chính thức cấp “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần” (đăng ký thay đổi lần 3) cho Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama. Với giấy đăng ký mới này, Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập. Đáng chú ý, Lilama vẫn là cổ đông có tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần này với số vốn sở hữu 15%, tương đương 3 tỷ đồng.
Trong một động thái khác, ngay sau khi Pháp luật Việt Nam có bài phản ánh, là đơn vị cũng thuộc diện phải “nhường đất” cho dự án xây cảng theo Quyết định 210 của tỉnh Quảng Ninh, đại diện Công ty TNHH quốc tế Sao Bắc cũng gửi đơn kiến nghị tỉnh này làm rõ những khuất tất trong quá trình ban hành các văn bản ảnh hưởng đến quền và lợi ích của doanh nghiệp.
Tài liệu của Pháp luật Việt Nam có được cho thấy, trước kiến nghị của đơn vị thu hồi đất, tại biên bản làm việc liên ngành do Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Ninh với các bên (sở Tài chính, Ban quản lý khu kinh tế, UBND Tp. Hạ Long) ngày 19/3/2013 đã thống nhất để Sở Tài nguyên & Môi trường chỉ đạo phòng đo đạc bản đồ kiểm tra văn bản cụ thể, nhằm trả lời khiếu nại của hai doanh nghiệp rằng “khu vực đo vẽ chưa chính xác” nên dẫn đến việc thu hồi đất là chưa đúng.
Nhưng khi câu trả lời theo như biên bản ngày 19/3/2013 chưa được thực thi, thì hai ngày sau đó, ngày 21/3/2013, UBND Tp. Hạ Long đã ký đồng thời hai quyết định cưỡng chế thu hồi đất (số 245; 249) gửi Công ty TNHH Hoài Nam và Công ty TNHH quốc tế Sao Bắc. Lý do ban hành quyết định cưỡng chế nói trên được Tp. Hạ Long cho rằng cả hai doanh nghiệp này “không thực hiện Quyết định 210 của tỉnh Quảng Ninh”, “gây cản trở kế hoạch giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án”.
Bình luận về sự việc này, đại diện của Công ty TNHH Hoài Nam và Công ty TNHH quốc tế Sao Bắc cho biết sẽ yêu cầu Tp. Hạ Long huỷ bỏ quyết định cưỡng chế 245 và 249.
Việt Hưng