Ông Lê Văn Cuông |
Được tin tưởng nhất lại vi phạm nghiêm trọng
Ông Cuông nhìn nhận: “Trước đây dư luận thường hay nói là “tắm từ vai trở xuống”, còn cán bộ cao cấp rất ít khi bị xử lý, điều đó làm cho pháp luật không nghiêm và có tính bất bình đẳng. Đặc biệt người ta cho rằng trong lĩnh vực quân đội và công an cũng có thể có nhiều sai phạm.
Đây là lực lượng được tôi luyện, tuyển chọn kỹ càng, được coi như “thanh bảo kiếm” của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tiêu cực và tội phạm thì cũng có nhiều người “nhúng chàm”, tuy nhiên việc xử lý nhiều lúc, nhiều nơi còn “nhẹ trên, nặng dưới”, “xử lý nội bộ”… khiến quyết tâm “không có vùng cấm” bị nghi ngờ chỉ là khẩu hiệu. Nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác”.
Theo phân tích của nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, vấn đề dung túng, né tránh sai phạm chính là một trong những nguyên nhân làm phát sinh ngày càng nghiêm trọng và phức tạp tình hình tham nhũng, bởi lực lượng công an là một trong những công cụ hữu hiệu để phòng chống tham nhũng (PCTN) nhưng một vài cán bộ bị tha hóa lại “bật đèn xanh” cho tham nhũng phát triển.
Dư luận cũng thấy hiện tượng hoặc diễn biến tiêu cực xảy ra trong lực lượng này nên có xì xào, nhưng vì không được phát hiện, làm sáng tỏ và xử lý nghiêm túc nên đã nảy sinh nghi ngờ. Vì thế, khi một số tướng lĩnh bị truy tố hoặc bị xử lý kỷ luật thì họ không bất ngờ nhưng lại rất buồn. Những vi phạm của các cán bộ, tướng lĩnh cao cấp này đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đến cán bộ và cơ quan thực thi pháp luật.
“Cho nên đau là đau ở chỗ, là lực lượng được tin tưởng nhất, được đào tạo và rèn luyện để giúp Đảng và Nhà nước đấu tranh phòng chống tội phạm lại có cán bộ tướng lĩnh cấp cao vi phạm pháp luật. Nhưng bên cạnh đó cũng có vui, vì những “ung nhọt” và dư âm tiêu cực lâu nay bị che đậy hoặc xử lý nội bộ thì bây giờ đã được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh”- ông Lê Văn Cuông nói.
Thiệt hại lớn nhất là niềm tin
Đánh giá cao vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi đưa ra ánh sáng và làm rõ nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng, ông Cuông chia sẻ: Trước đây trong hoạt động giám sát quyền lực ở 2 lĩnh vực công an và quân đội còn hạn chế, kém hiệu quả.
“Nhưng bây giờ Đảng đã nói và làm, lời nói và hành động đã đi vào cuộc sống, không có “vùng cấm”, không có đối tượng nào có thể nằm ngoài vùng pháp luật; ai vi phạm đều bị xử lý, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy và xử lý nghiêm minh. Chưa bao giờ mà tiếng nói của Đảng có hiệu lực trong cuộc sống và lấy được niềm tin đối với người dân như lúc này.
Với xu thế có thể nói là mặc dù đau, mặc dù buồn vì đối tượng đáng tin cậy lại vi phạm pháp luật, gây nên thiệt hại cho đất nước- nhất là thiệt hại về niềm tin đối với lực lượng này- nhưng đã tạo nên niềm tin trong xã hội, nhân dân rất phấn khởi trước sự quyết liệt trong đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước ta”- ông Cuông tin tưởng.
Nhấn mạnh đến vai trò của cấp ủy và người đứng đầu, ông Lê Văn Cuông cho rằng, ở đâu người đứng đầu gương mẫu và có trách nhiệm thì ở đó ít xảy ra tiêu cực, tham nhũng; ngược lại ở nơi mà người đứng đầu thiếu gương mẫu, thậm chí đồng lõa để cho cấp dưới tung hoành thì nơi đó là mảnh đất cho tiêu cực phát triển.
Nếu nhiều năm trước, chúng ta chưa xử lý được ai (mặc dù đã có quy định người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm phải bị xử lý) thì gần đây đã bắt đầu có tín hiệu đáng mừng khi quy định này đi vào cuộc sống và tạo được đồng tình trong dư luận.
“Tôi tin tưởng trong thời gian tới, với đà này - tinh thần không chỉ người đương chức mà kể cả người về hưu, không chỉ những người trực tiếp mà những người gián tiếp đứng đầu tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm, sẽ tạo nên một hình ảnh rất rõ nét về công tác đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước ta” - ông Cuông nói.