TS Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho hay, trường vừa dạy học trực tiếp trở lại hơn tuần nay mà có nhiều sinh viên mắc COVID-19, số liệu chưa thống kê được.
Còn theo ghi nhận của Trường ĐH Công nghệ TP HCM, từ ngày 14/2 đến nay có khoảng 10 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại trường. Trong khi Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP HCM cũng ghi nhận 3 nhân viên, 1 giảng viên và 8 sinh viên là F0.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM có khoảng 40 trường hợp sinh viên liên quan đến COVID-19 diện cách ly y tế tại nhà.
Từ ngày 15/2, Trường ĐH Kinh tế TP HCM bắt đầu tổ chức học tập trung cho tất cả người học đủ điều kiện về y tế. Đến thời điểm này trường đã ghi nhận các trường hợp F0 đầu tiên và có hơn 30 lớp học đã chuyển sang hình thức trực tuyến.
Các trường học đã lên phương án phòng dịch khi sinh viên trở lại trường. Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho biết ngoài điều kiện đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, người học cần thực hiện khai báo y tế trước khi đến trường. Hệ thống khai báo y tế này giúp giám sát thông tin người ra vào trường và kịp thời truy vết, khoanh vùng để xử lý các lớp học khi cần thiết.
Các lớp học được tổ chức sĩ số nhỏ, khoảng 20 sinh viên tham gia tại phòng thực hành, xưởng thí nghiệm. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, trạm y tế lập tức thực hiện xét nghiệm nhanh những người liên quan, tổ chức cách ly, khử khuẩn theo quy định.
Tương tự, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có nhiều phương án kiểm soát dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động đào tạo. Cụ thể, đảm bảo yêu cầu giãn cách trong phòng học và làm việc, hạn chế những hoạt động có giao tiếp gần trong lớp học, hạn chế tối đa việc giao tiếp giữa các lớp trong cùng tầng và giữa các tầng. Theo dõi, ghi nhận kịp thời người vắng mặt và lý do để xử lý nếu có liên quan đến dịch.
Theo ThS Trương Thị Ngọc Bích, giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP HCM, nếu sinh viên hoặc giảng viên là F0 phải báo ban phòng chống dịch xử lý theo quy trình.
"Giảng viên, sinh viên sẽ chuyển sang giảng dạy online, học online tại nhà và kiểm tra sức khỏe, đến khi âm tính báo lại cho trường để sắp xếp quay lại giảng dạy, học trực tiếp. Giảng viên là F0 vẫn dạy online. Trường hợp giảng viên không đảm bảo sức khỏe, khoa phụ trách sẽ báo cáo có phương án thay thế giảng viên", bà Bích nói.
Trong khi đó, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số trường đại học ở phía Bắc như: Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Học viện Ngoại Giao, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hoãn cho sinh viên trở lại trường trực tiếp.