Nhiều trung tâm y tế gian nan tuyển bác sĩ

Hoạt động khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. (Nguồn: TTYT Cần Giờ)
Hoạt động khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. (Nguồn: TTYT Cần Giờ)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, nhiều trung tâm y tế và trạm y tế trên khắp cả nước đang đối mặt với tình trạng khó khăn trong việc tuyển dụng bác sĩ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng.

Nhiều trạm y tế TP Hồ Chí Minh khó tuyển bác sĩ

Vừa qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội việc làm lần hai. Đã có 53 đơn vị y tế tham gia tuyển dụng 370 vị trí để bổ sung nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, so với chỉ tiêu đặt ra, con số đơn vị y tế tuyển dụng được bác sĩ là khá “khiêm tốn”: chỉ tuyển được 143, chưa đạt 50% nhu cầu, 10 đơn vị y tế tuyển đủ số lượng, 30 đơn vị tuyển được bác sĩ nhưng chưa đủ chỉ tiêu, 13 đơn vị không tuyển được bác sĩ.

Đặc biệt, các đơn vị tuyển được ít bác sĩ hoặc không tuyển dụng được bác sĩ thuộc về các trung tâm y tế, trạm y tế. Trong đó, có trường hợp Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ không tuyển dụng được bác sĩ nào. Đây cũng là năm thứ 2 Cần Giờ không tuyển được bác sĩ cho các trung tâm y tế huyện.

Trước đó, lãnh đạo huyện Cần Giờ cho biết đã có rất nhiều chính sách ưu đãi để thu hút bác sĩ về huyện làm như bố trí nhà công vụ, tạo điều kiện học sau đại học, tạo cơ hội tăng thu nhập và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp... tuy nhiên vẫn không thể thu hút được các bác sĩ về công tác.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngoài Cần Giờ thì một số huyện ngoại thành khác cũng thường “gặp khó” trong tuyển dụng bác sĩ về trạm y tế. Đơn cử thống kê năm 2023 cho thấy huyện Bình Chánh có 16 xã thì có đến 8 trạm y tế chưa có bác sĩ. Để giải quyết tình trạng này thì bác sĩ tuyến trung tâm phải xuống hỗ trợ các tuyến xã thường xuyên. Tại huyện Hóc Môn, hiện nhu cầu cần tuyển bác sĩ cho các trạm y tế lên đến hàng chục người, nhiều trạm y tế vẫn chưa có bác sĩ.

Câu chuyện gian nan trong tuyển dụng bác sĩ của các trung tâm y tế, trạm y tế đã diễn ra nhiều năm nay và trên cả nước chứ không chỉ tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các trạm y tế tuyến xã, vùng sâu, vùng xa thì câu chuyện tuyển dụng bác sĩ càng khó khăn hơn bao giờ hết. Thống kê mới đây cho thấy, hiện có 92,4% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc.

Thu nhập không phải vấn đề chính

Phân tích các nguyên nhân khiến trung tâm y tế, trạm y tế khó khăn trong tuyển dụng, thiếu lực lượng bác sĩ, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành y tế thành phố, đặc biệt là tuyến cơ sở đang “khát” nhân lực trong nhiều năm nay.

Một trong những nguyên nhân mà các đơn vị y tế công lập không tuyển đủ được số bác sĩ so với nhu cầu vì hiện có nhiều bệnh viện tư nhân mở ra và không ít bác sĩ trẻ đã chọn làm việc tại các bệnh viện tư nhân.

Một số chuyên gia trong ngành y tế đưa ra phân tích, nguyên nhân thiếu bác sĩ cho tuyến cơ sở, trung tâm y tế, trạm y tế là bởi chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập, thiếu cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp, chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh. Đặc biệt, các trung tâm y tế ở vùng sâu, vùng xa thường gặp khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, dễ làm bác sĩ trẻ “nản lòng”.

Theo nhiều bác sĩ trẻ, vấn đề không hoàn toàn nằm ở chế độ đãi ngộ hay thu nhập mà cơ hội cọ xát, nâng cao năng lực, cơ hội học tập... mới là điều mà các bác sĩ trẻ quan tâm hàng đầu.

Có mặt tại Ngày hội việc làm, bác sĩ L.T.P - bác sĩ mới hoàn thành chương trình thực hành 18 tháng tại một bệnh viện hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh cho biết, cô không có ý định ứng tuyển vì công việc chưa phù hợp với nhu cầu.

Theo bác sĩ L.T.P, làm việc tại các trung tâm y tế mức lương không quá thấp, công việc cũng không phải quá cực nhọc nhưng nhiều bác sĩ trẻ, mới ra trường không lựa chọn vì họ muốn có cơ hội được va chạm, cọ xát nhiều hơn, tích lũy kinh nghiệm trong nghề, học hỏi các đồng nghiệp đi trước dày dạn kinh nghiệm...

Tại các trạm y tế, trung tâm y tế cơ sở, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, các loại hình bệnh được tiếp xúc không đa dạng như tuyến trên, cơ hội thực hành về chuyên môn không nhiều, nên các bác sĩ trẻ sợ bị “lụt nghề”.

Có thể nói, tình trạng thiếu hụt bác sĩ tại tuyến cơ sở là một vấn đề quan trọng của ngành Y tế, cần được giải quyết một cách thấu đáo. Để làm được điều này, cần có sự lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của lực lượng bác sĩ trẻ.

Bên cạnh tăng phúc lợi, cải thiện môi trường làm việc, thì việc đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở và thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã là những giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực ngành y cho tuyến cơ sở.

Đọc thêm

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu
(PLVN) - Ngày 21/12, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, tổ chức lễ ra mắt hệ thống máy MRI 3.0 Tesla - công nghệ AI tầm soát đột quỵ. Đồng thời, hệ thống máy MRI 3.0 Tesla hỗ trợ tầm soát, chẩn đoán chính xác các bệnh lý phức tạp về thần kinh, mạch máu, ung thư…

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.