Với 14,7 triệu ha rừng, độ che phủ ở mức 42%, Việt Nam có nhiều thuận lợi và đang triển khai nhiều chương trình để đẩy nhanh thực hiện chuyển nhượng carbon rừng.
Ông Trần Quốc Cảnh - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đưa thêm nhiều diện tích rừng của Việt Nam tham gia vào thị trường giao dịch chuyển nhượng tín chỉ carbon, khi rừng Việt Nam được nhận định là còn nhiều tiềm năng cho thị trường này.
Hơn 41 triệu USD từ bán tín chỉ carbon rừng đầu tiên mà Việt Nam nhận được là kết quả của thỏa thuận chi trả giảm phát thải 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) (gọi tắt là ERPA), ký kết năm 2020. Số tiền này sẽ được chuyển toàn bộ về các địa phương tham gia để chi trả cho các chủ rừng và cộng đồng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện đến ngày 31/12/2025.
Để quy định cách thức các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng được hưởng lợi từ dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng từ ERPA, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ được tham gia thí điểm ERPA với WB. Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả, tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường theo quy định. Qua đó, huy động thêm nguồn thu cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng của tỉnh.
Dự kiến, nguồn thu từ kết quả giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện chi trả cho hơn 205 ngàn ha rừng tự nhiên (100% diện tích rừng tự nhiên của tỉnh), góp phần nâng tổng diện tích rừng được chi trả lên hơn 212 ngàn ha rừng, chiếm hơn 75% diện tích rừng toàn tỉnh.
Căn cứ Quyết định số 641/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/02/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Kế hoạch chia sẻ lợi ích từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 30/11/2023 của UBND tỉnh về Kế hoạch tài chính năm 2023 nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo đó, nguồn thu từ kết quả giảm phát thải được chia làm 3 kỳ tương ứng với thời gian từ năm 2023 đến 2025.
Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Quốc Cảnh (thứ 3 từ phải sang) cùng cộng đồng tuần tra, bảo vệ rừng. (Ảnh: PV) |
Dựa trên diện tích rừng tự nhiên theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng hàng năm và kết quả hấp thụ giảm phát thải của rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, số tiền quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong 3 năm (2023 - 2025) là khoảng 5,609 triệu USD (tương đương 131 tỷ đồng). Trong đó, năm 2023 tỉnh được điều phối số tiền hơn 37 tỷ đồng để thực hiện chi trả thông qua tài khoản ngân hàng, hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho 800 chủ rừng, gồm 721 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, 11 chủ rừng là tổ chức, 58 UBND xã và 10 tổ chức khác có rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, nhiều cộng đồng dân cư, thôn, bản tham gia thỏa thuận quản lý rừng với các chủ rừng là tổ chức sẽ được hỗ trợ kinh phí phát triển sinh kế lên đến 50 triệu đồng/cộng đồng/năm và chi phí khoán bảo vệ rừng lên đến 90% nguồn tiền được ERPA chi trả của các chủ rừng là tổ chức. Mức khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư tham gia thỏa thuận hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức sẽ được chi trả từ 300.000 - 450.000 đồng/ha phụ thuộc vào khu vực rừng nhận khoán nằm trong hay ngoài các lưu vực chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trước đây.
Ông Nguyễn Tất Tùng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ nguồn giảm phát thải sẽ là nguồn tài chính bổ sung quan trọng góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn/bản trên địa bàn tỉnh nâng cao đời sống, bảo đảm cuộc sống nhờ rừng, hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý bảo vệ rừng và là nguồn tài chính hỗ trợ cấp thiết đầu tư các công trình, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác bảo vệ rừng góp phần gia tăng hiệu quả giảm mất rừng, phát triển rừng bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh các hoạt động liên quan nhằm xây dựng chính sách, quy định, hợp tác phát triển thị trường carbon rừng, góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển.