“Yêu cầu cải cách TTHC luôn được đặt ra ngay trong quá trình xây dựng thể chế, qua đó kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới TTHC, thực hiện nghiêm việc rà soát, chuẩn hóa TTHC theo quy định. Ngành Thuế đã thường xuyên, chủ động nghiên cứu, rà soát, trình Bộ Tài chính đơn giản hoá TTHC tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT), theo hướng cắt giảm những TTHC không còn phù hợp, gây khó khăn cho NNT…” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn phát biểu tại buổi Đối thoại về chính sách và TTHC thuế, hải quan năm 2018 hôm 27/11.
Giảm, đơn giản gần 100 thủ tục hành chính
Năm 2018, kết quả xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC 2018 (Chỉ số APCI 2018) thì ngành Thuế xếp thứ nhất trong 8 nhóm TTHC được đánh giá với chi phí tuân thủ là thấp nhất (là 73,75 nghìn đồng). Trong đó, thời gian thực hiện trung bình của DN cho một TTHC chỉ là 2,9 giờ làm việc. Tính đến nay đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 99,96% số DN thuộc diện quản lý thuế. Việt Nam cũng đã triển khai dịch vụ NTĐT tại 63/63 tỉnh, TP; tiếp tục triển khai thực hiện dịch vụ về kê khai, NTĐT; hoàn thuế điện tử; hóa đơn điện tử;…
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến cuối năm 2017 số TTHC trong lĩnh vực thuế là 298 TTHC, số TTHC lĩnh vực thuế giảm từ 385 xuống còn 298, giảm 87 TTHC so với thời điểm 31/12/2015. Năm 2018 Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2141 cắt giảm 07 thủ tục, đơn giản 02 thủ tục liên quan đến: khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với sản phẩm viễn thông; thủ tục khai khoản thu điều tiết và thủ tục hoàn thuế GTGT đối với một số sản phẩm máy móc; thủ tục khai thuế GTGT đối với cơ sở sản xuất thủy điện.
Trong tổng số 298 TTHC thuộc lĩnh vực thuế đều đã được chuẩn hóa và đã có tới 125 TTHC được thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4, Tổng cục Thuế đang tiếp tục rà soát đơn giản hoá 30 thủ tục theo để nâng cao hơn nữa số lượng TTHC đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.
Ngành Thuế cũng tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng, đến nay đã triển khai tại 63/63 tỉnh, TP và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Phối hợp với 49 ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử (NTĐT) với Tổng cục Thuế và 63 cục thuế triển khai dịch vụ NTĐT.
Đến nay, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ trên 98,10% số DN đang hoạt động. Mở rộng dịch vụ hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh, TP, tổ chức hỗ trợ cho các DN thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội và TP HCM. Hiện nay, Tổng cục Thuế đã triển khai dịch vụ thuế điện tử Etax cho NNT tại 30 cục thuế, dự kiến đến hết quý I/2019 sẽ hoàn thành việc triển khai áp dụng cho NNT trên cả nước.
Thời gian nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ
“Các chính sách và TTHC về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế; trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN lại rất sôi động, đa dạng. Do đó trong quá trình áp dụng các quy định của chính sách và TTHC vào thực tiễn không tránh khỏi có các khó khăn, vướng mắc... Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các DN để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các DN, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN về TTHC, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư tại Việt Nam...”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai
Với các giải pháp đồng bộ cả về chính sách lẫn ứng dụng công nghệ thông tin, theo kết quả tính toán dựa trên Bảng tính toán số giờ nộp thuế của Việt Nam, tính đến cuối năm 2016 thực tế số giờ nộp thuế của Việt Nam đã giảm được 420 giờ, còn 117 giờ.
Tuy nhiên, theo nguyên tắc tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) luôn có độ trễ 2 năm và một số các cải cách tạo thuận lợi cho DN và đã được áp dụng vài năm nay nhưng vẫn chưa được WB ghi nhận, vì vậy theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 vừa được WB công bố thì số giờ nộp thuế của Việt Nam còn 351 giờ. Trong số 351 giờ thì đến 334 giờ là thời gian dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thời gian cho việc nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ.
“Để có kết quả này chính là việc nhiều năm qua ngành Thuế đã tích cực triển khai các dịch vụ khai thuế, nộp thuế bằng phương thức điện tử cho tất cả các DN...” - ông Tuấn lý giải.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, để thực hiện cải thiện chỉ số nộp thuế trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB các năm tới thì Bộ Tài chính và cả ngành Thuế đều phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách thể chế để tạo thuận lợi hơn cho DN về cả mức độ và độ dễ dàng tiếp cận chính sách, đồng thời phải tăng cường thực hiện điện tử hóa các TTHC của DN. Đẩy mạnh dịch vụ công cấp độ 3, 4 cho hầu hết các TTHC, tăng cường dịch vụ hỗ trợ cho NNT …
“Ngoài giải pháp từ phía Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng rất cần sự đổi mới từ phía các DN. Các DN cũng cần phải ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán, đồng bộ việc ghi sổ kế toán với việc tính toán nghĩa vụ thuế từ đó mới có thể giảm được thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế, góp phần giảm thời gian nộp thuế…” - ông Cao Anh Tuấn phát biểu.
Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng tăng cao
Báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2017 đánh giá mức độ hài lòng của DN về ngành Thuế và Hải quan cho thấy, tỷ lệ DN hài lòng với các thủ tục thuế, hải quan, BHXH, thành lập DN ngày càng tăng lên. Nhiều chỉ số đánh giá quan trọng cũng đều ở điểm cao nhờ sự dễ dàng tiếp cận thông tin, hiệu quả của công tác cải cách TTHC và thái độ tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến DN của công chức ngành Thuế, Hải quan. Nhiều vấn đề trước đây được coi là “nóng” như chi phí không chính thức được phản ánh tiếp tục giảm mạnh, tạo không khí tin cậy và hợp tác giữa cán bộ thuế, hải quan với DN.
Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, DN vẫn kiến nghị cơ quan thuế, hải quan tiếp tục đơn giản hóa TTHC; nâng cao chất lượng thông tin về chính sách, pháp luật thuế, hải quan cho DN và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC thuế, hải quan…