Nhiều quy định quan trọng sắp có hiệu lực pháp luật

Nhiều quy định quan trọng sắp có hiệu lực pháp luật
(PLVN) - Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong vận chuyển hàng không, vi phạm kinh doanh đa cấp sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng, giáo viên được tự chủ chuyên môn, học sinh được học vượt lớp… và nhiều quy định sẽ có hiệu lực pháp luật từ trung tuần tháng 10 này.

Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong vận chuyển hàng không

Nghị định số 97/2020/NĐ-CP ban hành ngày 26/08/2020 của Chính phủ về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

Theo Nghị định, đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách tăng từ 100.000 đơn vị tính toán lên thành 128.821 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.

Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm tăng từ 4.150 đơn vị tính toán lên thành 5.346 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.

Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 1.000 đơn vị tính toán lên thành 1.288 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.

Đối với vận chuyển hàng hoá, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 17 đơn vị tính toán lên thành 22 đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam hàng hoá. 

Vi phạm kinh doanh đa cấp sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 15/10/2020, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ban hành ngày 26/08/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cụ thể, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;... Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Phạt tới 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác dầu khí

 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ban hành ngày 26/08/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí có hiệu lực từ ngày 11/10/2020.

Nghị định quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học

Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ ngày 20/10/2020.

Theo đó, chú trọng việc đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh...

Giáo viên được tự chủ chuyên môn, học sinh được học vượt lớp

Theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Điều lệ trường tiểu học có hiệu lực từ ngày 20/10/2020, cho phép giáo viên được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, thầy cô sẽ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách. Các hoạt động này cần bảo đảm quy định của chương trình giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của nhà trường.

Bên cạnh những quy định về quyền hạn và trách nhiệm của giáo viên, Thông tư 28 cũng quy định cụ thể những hành vi ứng xử giáo viên không được làm. Theo đó, thầy cô không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất; không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén nội dung giáo dục. Đặc biệt, giáo viên không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác; không hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự...

Học sinh được học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.