Quản lý nhà nước ngành GTVT hiện nay được thiết kế theo nguyên tắc Bộ GTVT thống nhất quản lý 5 chuyên ngành: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không. Tương ứng với mỗi chuyên ngành nói trên là một Cục chuyên ngành thuộc Bộ. Riêng ngành đường bộ hiện đang do một bộ máy cấp Tổng cục phụ trách.
Tương lai, nếu tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành hai Cục Đường bộ Việt Nam và Đường bộ cao tốc Việt Nam thì chẳng khác nào Bộ có hai Cục cùng làm một nhiệm vụ? Bởi đường bộ là khái niệm nói chung, được cấu thành bởi nhiều cấp đường (Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng). Cao tốc thực tế chỉ là một cấp đường, một lĩnh vực trong đường bộ.
“Nếu ra đời Cục Đường bộ cao tốc, thì bản chất chỉ là làm nhiệm vụ quản lý lĩnh vực chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành như các Cục Hàng hải, Đường thủy nội địa hay Hàng không… Vì cao tốc là một lĩnh vực thuộc hệ thống đường bộ Việt Nam”, một cán bộ ngành Giao thông nói với PLVN.
Phần lớn đường cao tốc hiện nay đang do VEC quản lý |
Được biết, hệ thống đường bộ Việt Nam đang có tới thời điểm này là hơn 2,5 vạn km. Đến cuối năm 2021, cả nước mới có khoảng hơn 1.200 km đường bộ cao tốc; trong đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý 209 km, 245 km do các doanh nghiệp BOT quản lý, hơn 770 km do một số địa phương và Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trực tiếp quản lý.
Nếu tổ chức hẳn một Cục chuyên quản lý lĩnh vực đường cao tốc có nghĩa là trong tương lai nhân sự ở Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phải chia tách làm hai - một số ở lại để tiếp tục nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường bộ, một số sẽ là nhân sự để tổ chức thành lập Cục mới.
Theo phương án hai Cục, thì Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam sẽ cần gần 200 biên chế để hoạt động. Tuy nhiên, đối chiếu với tình hình thực tế và đối tượng quản lý hiện tại, dự kiến nhân sự cần để lập Cục này vào thời điểm hiện nay là hơn 50 người.
Một số ý kiến cho rằng, nếu đầu mối quản lý về đường bộ “phình” ra thì sẽ phát sinh thêm chi phí để đầu tư trụ sở, nhà hạt, xe máy... Tổ chức một Cục cần khoảng 5 Phòng và 3 Chi cục sẽ làm tăng số cán bộ lãnh đạo, quản lý nên chí phí thường xuyên khó giảm.
Đã từng thành lập và giải thể Cục Đường bộ cao tốc
Sau 5 năm thành lập, cuối năm 2018, Cục này đã bị giải thể. Thời điểm đó, cả nước có 901 km đường cao tốc. Được biết, Cục trưởng Cục này lúc bấy giờ được điều về làm Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư của Tổng cục. Ba Phó Cục trưởng khi ấy phải về làm Phó ở Đảng ủy và Cục Quản lý đường bộ I và IV thuộc Tổng cục. Các chuyên viên thì chuyển về các Vụ An toàn giao thông và Vụ Quản lý - Bảo trì đường bộ...