Ngày 30/11, chính phủ nhiều nước trong và ngoài khu vực Trung Đông tiếp tục đưa ra phản ứng mạnh sau khi chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát tuần trước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) cho biết Trung Quốc lên án vụ ám sát ông Fakhrizadeh và hy vọng vụ việc sẽ được điều tra kỹ lưỡng. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động nào làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực cũng như phá hoại hòa bình và ổn định khu vực Trung Đông. Người phát ngôn này nói thêm rằng tình hình Trung Đông hiện nay rất phức tạp và nhạy cảm, đồng thời kêu gọi tất cả các bên cần hợp tác để giảm căng thẳng khu vực và duy trì hòa bình và ổn định.
Iran tổ chức trọng thể lễ tang cho nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ lo ngại sâu sắc trước "bản chất gây hấn của hành động khủng bố này và điều này rõ ràng gây ra bất ổn và nguy cơ xung đột trong khu vực". Tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế thực hiện những bước đi có nguy cơ leo thang căng thẳng.
Tương tự, Liban cũng lên án manh mẽ vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh của Iran và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa để khu vực tránh rơi vào "kịch bản tồi tệ nhất".
Bộ Ngoại giao Kuwait lên án vụ ám sát và gửi lời chia buồn với đất nước Iran. Tuyên bố của bộ trên nhấn mạnh Kuwait phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng và phá hoại sự ổn định trong khu vực.
Các nước trong khu vực như Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng ra tuyên bố lên án vụ sát hại ông Fakhrizadeh và kêu gọi các bên kiềm chế nhằm tránh rơi vào bất ổn.
Trước đó, trong tuyên bố ra ngày 29/11, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án thủ phạm vụ ám sát, coi đây là hành động khủng bố, phá hoại hòa bình tại khu vực. Tuyên bố khẳng định Ankara phản đối bất kỳ hành động nào phá hoại hòa bình khu vực và khủng bố cũng như kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab bày tỏ quan ngại về tình hình tại Iran và khu vực đồng thời bày tỏ quan điểm của London là muốn các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.
Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh gần thủ đô Tehran. |
Trong ngày 30/11, Iran đã tổ chức trọng thể tang lễ cho ông Mohsen Fakhrizadeh theo nghi thức dành cho các liệt sĩ "tử vì đạo", đồng thời khẳng định tiếp tục phát huy sự nghiệp của nhà khoa học này.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, Thiếu tướng Ali Shamkhani cho biết ông Fakhrizadeh đã bị tình báo Israel và một nhóm đối lập lưu vong sát hại trong "một chiến dịch rất phức tạp, sử dụng thiết bị điện tử và không ai xuất hiện ở hiện trường"
Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ có hành động đáp trả và khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện. Tổng thống nước này Hassan Rouhani cũng tuyên bố đáp trả vụ ám sát vào thời gian "thích hợp."
Liên hợp quốc đã hối thúc kiềm chế, và tránh mọi hành động có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng trong khu vực. Liên minh châu Âu (EU) cũng coi đây là "hành động tội ác."
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 29/11 đã ban hành sắc lệnh về các biện pháp an ninh cần thiết để ngăn chặn những vụ tấn công nhằm vào các nhà khoa học của nước Cộng hòa Hồi giáo, sau vụ nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát trong một vụ tấn công bằng bom xe và xả súng gần thủ đô Tehran.
Tuy nhiên, thông báo không nêu cụ thể những điều khoản của sắc lệnh này.