Theo AFP, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan. Trong năm ngoái, nước này chứng kiến hoạt động du lịch ở mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi lượng khách đến du lịch giảm hơn 80%.
Nhằm tìm cách vực dậy nền kinh tế, Chính phủ Thái Lan đã “bật đèn xanh” cho những khách du lịch đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ từ hơn 60 quốc gia được đánh giá là “có nguy cơ thấp” đến Thái Lan mà không cần phải cách ly tại khách sạn để phòng dịch. Thái Lan hy vọng sẽ tiếp đón nhiều du khách muốn đến nước này để khỏi mùa đông giá lạnh vào tháng 12. Do đó, trong số các nước được phê duyệt có một số quốc gia châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok và nhà ga quốc tế của Phuket là nơi đầu tiên đón du khách trong sáng 1/11. Đợt du khách đầu tiên đến Thái Lan trong 18 tháng qua chủ yếu là khách du lịch châu Âu. Họ đã được các nhân viên mặc trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) đón và hướng dẫn làm thủ tục nhập cảnh.
Theo các sân bay của Thái Lan, dự kiến có 30.000 hành khách đến sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok trong ngày 1/11. Du khách được yêu cầu xét nghiệm COVID-19 khi hạ cánh và nghỉ qua đêm tại khách sạn được Chính phủ Thái Lan phê duyệt để chờ kết quả trước khi được phép đi lại tự do khắp Vương quốc này.
Việc mở cửa lại hoạt động du lịch của Thái Lan được cho là có thể đưa đến cho ngành này một cứu cánh rất cần thiết. Trước đó, Thái Lan đã phải đóng cửa 18 tháng để phòng chống đại dịch. Trước khi dịch bùng phát, lĩnh vực du lịch đóng góp 12% GDP của nước này và Thủ đô Bangkok là thành phố đón nhiều du khách nhất thế giới.
Dịch bệnh đã khiến Thái Lan mất 3 triệu việc làm liên quan đến ngành du lịch và giảm thu nhập khoảng 50 tỷ USD/năm. “Điều quan trọng nhất mà Chính phủ và tôi đang nghĩ hiện nay là làm cho sinh kế của người dân trở lại bình thường”, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định hôm tuần trước.
Trước đó, từ tháng 7 vừa qua, Thái Lan đã thử nghiệm mở cửa trở lại đảo du lịch Phuket, cho phép du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ được đi lại thoải mái mà không cần cách ly 14 ngày khi đến đảo. Tuy nhiên, chương trình thử nghiệm không hút khách như dự kiến. Theo thống kê, trong suốt 4 tháng, chương trình chỉ thu hút được 58.685 du khách, tức chỉ bằng 1% mức trước khi bùng phát dịch.
Bộ Tài chính Thái Lan dự báo chỉ đón được 180.000 khách nước ngoài trong năm nay và sẽ tăng lên 10 đến 15 triệu lượt khách trong năm tới. Dù vậy nhưng những con số này vẫn được cho là quá ít so với 40 triệu lượt khách vào năm 2019. Hiện 42% trong số 72 triệu dân của Thái Lan đã được tiêm phòng.
Trong một động thái tương tự, AP cho hay, Israel ngày 1/11 cũng lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát bắt đầu chào đón khách du lịch đi một mình. Giới chức Israel hy vọng rằng việc mở cửa đất nước đối với khách du lịch đi một mình sẽ thổi luồng sinh khí mới vào ngành du lịch đang gặp khó khăn của nước này.
Du khách đến Israel sẽ phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng, tiêm nhắc lại hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng. Israel công nhận hầu hết các loại vaccine. Du khách cũng phải xuất trình xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi lên chuyến bay và thực hiện một xét nghiệm khác khi đến nơi.
Trước đại dịch, vào mỗi mùa Giáng sinh, Israel thường đón hàng trăm nghìn người đến thăm Bethlehem, nơi được cho là nơi sinh của Chúa Giêsu. Nước này đã lên kế hoạch mở cửa trở lại cho khách du lịch vào mùa xuân năm ngoái nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại trong bối cảnh số trường hợp mắc mới COVID-19 tăng đột biến do biến thể Delta rất dễ lây lan. Israel kể từ đó đã triển khai chiến dịch tiêm tăng cường, trong đó gần một nửa dân số đã được tiêm liều vaccine thứ ba.
Trong suốt đợt dịch, Israel đã cho phép một số người nước ngoài đến nước này, bao gồm cả những người có họ hàng gần trong nước và những người đến làm việc hoặc học tập. Kể từ tháng 9, nước này bắt đầu cho phép các nhóm du khách đi theo tour.
Còn tại Campuchia, Thủ tướng nước này Hun Sen ngày 1/11 tuyên bố mở cửa trở lại đất nước và sẵn sàng cho một lối sống mới. “Đã đến lúc trở lại cuộc sống bình thường. Từ nay trở đi, đất nước sẽ mở cửa hoàn toàn trong mọi lĩnh vực và sống chung với COVID-19 theo một cách sống mới”, ông Hun Sen tuyên bố.
Quyết định của giới chức Campuchia được đưa ra sau khi nước này đã tiêm phòng cho gần 86% dân số, trong đó 2 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường và dự kiến 300.000 trẻ em ở độ tuổi đến trường được tiêm phòng trong ngày 1/11. Campuchia cũng đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất châu Á, với tỷ lệ người dân đã được tiêm phòng tương đương với Singapore.
Trước đó, từ cuối tuần qua, Campuchia đã bắt đầu mở lại các nhà hát, viện bảo tàng khi số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm. Nước này cũng sẽ mở lại 3 điểm du lịch hút khách là Sihanoukville, và các tỉnh Koh Rong, Koh Kong lân cận từ cuối tháng này cho những người đã tiêm vaccine. Tuy nhiên, Campuchia vẫn yêu cầu cách ly 5 ngày.
Tại Hàn Quốc, từ ngày 1/11, các quy định mới nhằm đưa người Hàn Quốc hướng tới “sống chung với COVID-19” đã có hiệu lực. Theo các quy định mới của Hàn Quốc, một loạt các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ như việc áp dụng giới nghiêm trong giờ làm việc đối với các nhà hàng và quán cà phê.
Các sự kiện thể thao ngoài trời sẽ được phép tổ chức với lượng khán giả ở mức 50% sức chứa. Tối đa 100 người có thể tham dự các buổi nhạc kịch hoặc buổi hòa nhạc bất kể tình trạng tiêm chủng của họ, trong khi các phòng tập thể dục sẽ không còn phải giới hạn tốc độ máy chạy bộ…
Tuy nhiên, khi đến các địa điểm có nguy cơ cao như quán bar và câu lạc bộ đêm, phòng tập thể dục trong nhà, phòng xông hơi khô và quán karaoke, người dân sẽ phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng hoặc kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ.
Việc chuyển đổi trọng tâm phòng, chống dịch của Hàn Quốc diễn ra khi hơn 75% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Giai đoạn đầu tiên của việc chiến lược “sống chung với COVID-19” của Hàn Quốc sẽ kéo dài trong một tháng. Nước này đang có kế hoạch loại bỏ tất cả các hạn chế vào tháng 2/2022.
“Con đường trở lại cuộc sống hàng ngày mà chúng ta đang thực hiện bước đầu tiên hôm nay là con đường mà chúng ta chưa bao giờ đi”, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol phát biểu trong một cuộc họp liên cơ quan về phòng dịch COVID-19.