Nhiều người không say vẫn thuê lái xe về nhà

Đêm 5/1, gần 100 lái xe làm dịch vụ đưa người say về nhà của chị Nguyễn Thị Phượng (Hà Nội) vẫn tất bật dù mỗi người đã chạy 4-6 chuyến.

Chị Phượng, 32 tuổi, người sáng lập công ty dịch vụ đưa người say về nhà tại các quận nội thành Hà Nội, cho biết: "Hôm nay có 94 trong số 200 lái xe của tôi đi làm nên nhiều lúc đáp ứng không xuể. Gần 12 giờ đêm vẫn đang có khách gọi". Khách hàng của chị đa phần là người đi ôtô nhưng không thể lái về.

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của một tài xế. Ảnh: Ngọc Thành.

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của một tài xế. Ảnh: Ngọc Thành

Hàng đêm, lái xe của chị Phượng - chủ yếu là công chức làm thêm - sẽ túc trực sẵn tại các quán nhậu. Riêng khu vực các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, có trên 40 quán thường xuyên gọi dịch vụ của chị cho khách của họ.

"Chi phí cho 5 km là 150 nghìn đồng, càng xa thì càng đắt. Còn khách đi dưới 2 km luôn phải chịu 100 nghìn", chị Phượng tiết lộ.

Trong bốn năm qua, lái xe của Phượng từng trải qua nhiều tình huống "dở khóc, dở cười". Có khách kêu mất tiền, chửi bới khi say, hoặc nôn mửa phải dọn, có khách không chịu thanh toán. "Đau đầu nhất là những người say quá quên luôn cả địa chỉ nhà mình. Lái xe đành phải chờ, có lần tới 2 tiếng, cho họ tỉnh dậy mới đưa được về nhà", chị Phượng nói. Để giảm rắc rối, bên Phượng thường có hai tài xế đưa một khách về.

Từ ngày 1/1, Luật phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực, khách tìm đến dịch vụ của Phượng tăng thấy rõ so với trước. Có những khách chỉ uống vài chén cũng thuê người lái. Hiện Phượng đang tuyển thêm lái xe đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chị cũng vừa ở rộng dịch vụ này tại Uông Bí và Hạ Long (Quảng Ninh).

Võ Hào cùng hơn 30 tài xế taxi mở dịch vụ đưa đón khách say về nhà. Ảnh: NVCC.

Võ Hào cùng hơn 30 tài xếmở dịch vụ đưa đón khách say về nhà. Ảnh:Nhân vật cung cấp.

21h45 ngày 4/1, tại Hà Tĩnh, nhận điện thoại của một khách quen, Võ Hào cùng một đồng đội lên xe máy chạy đến quán nhậu trên đường Nguyễn Công Trứ. Hơn 5 phút sau họ tới nơi, người vừa gọi điện cho Hào là anh Nguyễn Viết Huỳnh, 45 tuổi chào nhóm bạn rồi trao chìa khoá xe ôtô cho Hào. Thay vì chở như mọi lần, anh để đồng đội cầm lái đưa khách cùng chiếc ôtô đi về, còn anh chạy xe máy theo sau.

"Từ quán nhậu này về với nhà khách ở xã Mai Phụ, Lộc Hà khoảng 10 km, chúng tôi lấy 200.000 đồng. Nhưng lần nào anh ấy cũng cho thêm 100.000 đồng", Hào nói.

Anh Huỳnh là khách quen của Hào từ tháng 5/2019, lúc anh lên ý tưởng mở dịch vụ đưa người say về nhà. "Anh ấy từng vì say mà bị tai nạn lúc có vợ con trên xe, may mắn không sao. Khi mở dịch vụ tôi báo anh ấy ngay. Từ đó, mỗi tuần anh ấy gọi chúng tôi chở về một đến hai lần", Hào cho biết. Khoảng 30 người bạn khác của anh Huỳnh cũng đã trở thành khách quen của Hào.

Võ Hào, 32 tuổi quê Thạch Hà, Hà Tĩnh làm nghề lái taxi 5 năm kể, trước tháng 5/2019, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, chấn động dư luận liên tiếp xảy ra mà nguyên nhân đều do người điều khiển xe uống rượu, bia nên anh bàn với những đồng nghiệp mở dịch vụ đưa đón người uống rượu say về nhà, với mong muốn làm giảm đi những tai nạn.

Không chạy quảng cáo rầm rộ, anh và các tài xế khác đi tuyên truyền về dịch vụ đưa đón người say tại các quán nhậu, đồng thời nhờ người thân, bạn bè truyền miệng.

Ở TP HCM, nhóm của Hào tiếp cận các quận Bình Tân và Tân Phú. Tại thành phố Hà Tĩnh, họ tuyên truyền đến được 25 quán nhậu lớn. Dịch vụ của Hào cũng cam kết thời gian chờ như một chiếc xe taxi thông thường, tức không quá 5 phút. "Chúng tôi tính giá 2 chiều, đắt gấp đôi giá taxi thông thường. Tức taxi thông thường 10.000 đồng/km thì dịch vụ của chúng tôi là 20.000 đồng/km. Giá đưa đón khách xe máy bằng khách ôtô", Hào cho biết.

Từ khi đi vào hoạt động tới nay, trung bình nhóm của anh Hào tiếp nhận 500 khách/tháng. Vào những ngày lễ, cuối tuần, có thể lên tới 50-60 khách/đêm. Riêng đối với khách xe ô tô - liên quan tới tài sản lớn - nhóm của anh Hào thường sẽ lấy camera quay toàn bộ xe trước khi nhận bàn giao chìa khoá. Sau đó trong quá trình đưa khách và xe về, camera luôn bật, đặt ở táp lô của xe, đảm bảo từ khi vào cửa, tài xế chỉ làm nhiệm vụ lái.

"Cũng có những khách chúng tôi không nhận, thường là khách lạ, say không biết trời đất gì và không có người đi kèm", người tài xế cho biết thêm.

Mấy ngày gần đây, dịch vụ của anh Hào ghi nhận lượng khách tăng gấp rưỡi thông thường. Đêm 1/1 vừa qua, hơn 100 khách đặt xe. "Nếu như trước kia say mềm họ mới tìm đến chúng tôi thì giờ chỉ uống rượu đã thấy gọi rồi", anh Hào cho hay.

Anh Hào kỳ vọng, với quy định xử phạt mới, dịch vụ của anh sẽ tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đặc biệt ở Hà Tĩnh, nơi mà xe ôm công nghệ chưa có nhiều như ở Hà Nội hay TP HCM.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.